Hồ Tây đang bị đối xử tệ

Khi dự án kè và xây dựng đường dạo xung quanh Hồ Tây đang hoàn thiện, việc quản lý và khai thác khu vực Hồ Tây như thế nào lại được đặt ra. “Thị sát” 18km quanh Hồ Tây và thấm thía rằng, chuyện Hồ Tây bị ô nhiễm tưởng "khổ lắm biết rồi…" mà vẫn "nóng" đến chóng mặt.

Bức xúc của những hộ dân sống văn minh, bức xúc của du khách, bức xúc của bất cứ ai muốn hình ảnh về Hà Nội đẹp cứ bộn lên. Lẽ nào có thể yên lòng khi một cảnh quan được xếp là lãng mạn và đẹp hàng đầu của Thủ đô đang bị… xử tệ.

Hồ Tây đang ra sao?

Với quy mô mở rộng, quy hoạch thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi trong 10 – 15 năm tới, đáp ứng tầm nhìn đến năm 2050 với dân số dự kiến khoảng 10 – 12 triệu người (bằng 10% dân số cả nước lúc đó).

Theo ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sông Hồng sẽ là trục không gian xanh, đô thị được bố trí phát triển dọc theo hai bên sông, từ Cổ Loa đến Mỹ Đình và các trục hành lang phía đông và tây.

Với trục không gian đó, Hồ Gươm sẽ không còn đủ điều kiện để làm trung tâm Hà Nội như hiện nay nữa, trung tâm Hà Nội lúc đó phải là Hồ Tây. Thế nhưng, hiện nay Hồ Tây luôn bị người dân thiếu ý thức ném rác thẳng tay không thương tiếc.

Những người vi phạm không bị phạt. Sau một đêm hàng chục xe chất thải xây dựng đã kịp “tập kết” bên kè hồ. Còn rác thì xuất hiện ở đây nhanh đến nỗi như… được hóa phép: sáng chỉ một đám nhỏ, chiều tối đã cả mấy đống cao ngất.

Làm sạch mặt hồ – Công dã tràng

Theo bà Đào Thị Nuôi, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây thì, xí nghiệp có nhiệm vụ bảo vệ diện tích tự nhiên, bảo vệ sinh quan và vệ sinh môi trường của Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Riêng Hồ Tây có diện tích 526 ha mặt nước, tiếp giáp với 6 phường của quận Tây Hồ. Dân sống sát hồ đông, nhiều ngõ sâu và hẹp, xe gom rác thô sơ không vào được.

Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư sống sát hồ còn rất hạn chế. Đó là thói quen tuỳ tiện đổ các loại phế thải, rác thải của gia đình ra hồ, coi hồ là nơi chứa rác thải của nhà mình. Không chỉ có các hộ gia đình mà các khu vui chơi, nhà hàng ven hồ và trên hồ cũng vô tư xả chất thải, nước thải xuống hồ.

Năm 2007, Xí nghiệp đã nhổ 1.903 chiếc cọc, ván dân làm cầu câu ở hồ; vớt hơn 800m3 bèo, hàng nghìn m3 rác dưới hồ. Tuy nhiên, với trên 20 công nhân trực tiếp vớt rác miệt mài hàng ngày thì cũng không thể giữ sạch cho Hồ Tây được vì chỉ ngay sau đó, các hộ dân, nhà hàng quanh chu vi 18km của hồ lại tiếp tục xả rác xuống hồ. Công nhân của xí nghiệp không thể trực 24/24 giờ để vớt rác nên có người ví việc vớt rác ở Hồ Tây chẳng khác nào việc xe cát lấp biển của con dã tràng.

Nhận xét về ý thức người dân, bà Đào Thị Nuôi cho biết, khu vực hồ mà công nhân của xí nghiệp phải vớt rác nhiều nhất là khu vực phường Yên Phụ, phường Thụy Khuê; tại các phường Quảng An, Nhật Tân, ý thức giữ gìn của người dân tốt hơn rất nhiều. Tại các khu vực này có nhiều người nước ngoài sống nên họ có ý thức giữ gìn môi trường sống rất tốt.

Cần quy về một mối

Tại các cuộc lấy ý kiến về dự thảo quy chế quản lý Hồ Tây và phụ cận vừa qua, nhiều người cho rằng, việc quan trọng trước tiên là phải quy việc quản lý Hồ Tây về một mối để khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Hiện nay, Hồ Tây chịu sự quản lý của nhiều đơn vị như quận Tây Hồ quản lý địa bàn, Sở TN&MT quản lý chất lượng nước hồ, Sở GTVT quản lý các phương tiện trên hồ. Sở NN – PTNT quản lý nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Sở Thương mại (trước khi sáp nhập) quản lý việc cấp phép kinh doanh… Thành phố sẽ giao việc quản lý toàn diện Hồ Tây cho một đơn vị duy nhất là quận Hồ Tây, các sở, ban, ngành khác chịu tránh nhiệm hướng dẫn và tiến hành thanh, kiểm tra công tác quản lý hồ.

Quy chế đang hoàn thiện, việc quy về một mối có khả thi hơn nhưng để thực hiện tốt trong thực tế còn cần chính quyền phường, tổ dân phố và đặc biệt là cảnh sát môi trường phải vào cuộc quyết liệt. Khi nào cảnh quan và môi trường Hồ Tây được sạch đẹp hơn? Câu hỏi này vẫn đang chờ lời giải đáp.