Vì sao những khu rừng đước vô giá

Rừng đước có giá trị lớn đến đâu là điều mà người dân của làng Wanduruppa đã phải đau đớn trải qua trong tháng 12 năm 2004. Cơn sóng thần sau trận động đất của năm đó đã cuốn ra biển từ 5.000 đến 6.000 dân của ngôi làng nhỏ bé tại Sri Lanka này.

Nhưng làng Kapuhenwala lại thoát được hiểm nghèo. Mặc dù nằm kế cận Wanduruppa nhưng chỉ có 2 người chết: Sức mạnh của cơn sóng thần đã bị những cánh rừng đước rộng 200 ha hãm lại, chỉ còn nhiều con sóng nhỏ tràn vào làng và gần như không gây hư hại gì nhiều.

Chỗ đổ rác thay vì là nơi cá con sinh sống

Chỉ nội tác dụng bảo vệ này không thôi cũng đủ là lý do để bảo toàn những cánh rừng nguyên thủy ngập nước – thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác: Sri Lanka đã mất một nửa rừng đước, và theo thông tin của IUCN, dọc theo bờ biển Andaman của Thái Lan chỉ còn vỏn vẹn 100 ha tại thời điểm của cơn sóng thần. Trong vòng 25 năm trở lại đây, 1/5 rừng đước trên toàn thế giới đã biến mất: Chúng bị đốn đi để lấy chỗ cho các trại nuôi tôm hay bến cảng, để làm gỗ xây dựng hay đốt lấy than, để xây khách sạn hay dùng làm nơi đổ rác rẻ tiền.

Trong khi lợi nhuận từ những việc làm này thường được mang đi nơi khác, người dân sinh sống trực tiếp tại chỗ phải chịu đựng hậu quả không chỉ của một cơn sóng thần, theo như ông Octavio Aburto-Oropeza và nhóm chuyên gia của Viện Hải dương học Scripps tại California. Họ đã tính toán cụ thể trong một thí dụ điển hình và công bố trong tạp chí “Proceedings of the National Academy of Sciences”. Nơi các nhà nghiên cứu quan tâm đến nhiều nhất là bờ biển của bán đảo Baja California và vùng đất liền lân cận, vùng có những cánh rừng đước cực Bắc của Thái Bình Dương. Mặc cho mật độ dân số ở đây thấp, diện tích của hệ sinh thái vẫn giảm đi 2% hằng năm, ở một vài vùng hơn 1/4 rừng đước đã bị phá hủy.

Cây đước nằm viền giữa biển và đất liền không những chỉ bảo vệ bờ biển. Chúng cũng là nơi sinh sống của nhiều loài cá được đánh bắt thương mại. Vì thế mà ông Aburto-Oropeza và đồng nghiệp đã tìm hiểu về mối tương quan giữa độ lớn của một khu rừng đước và lượng cá tổng cộng mà các làng lân cận đánh bắt được.

 
Rừng đước ở Mexico. (Ảnh: Octavio Aburto).

1/3 cá bắt nguồn từ rừng đước

Rừng đước càng nguyên vẹn và càng lớn chừng nào thì cá con và vài loài tôm nhất định được bảo vệ nhiều chừng đấy, và ngư dân càng đánh bắt được nhiều: Gần 1/3 cá lớn lên trong những cánh rừng ngập nước này. 11.600 tấn hải sản được bán hằng năm đã mang lại cho những làng chung quanh thu nhập 19 triệu USD. Trên mỗi một hecta rừng đước, thu nhập của người dân địa phương nhiều hơn gấp 200 lần so với ước tính trước nay của chính phủ Mexico, mang lại cho họ từ 25.000 đến 50.000 USD, trong khi một trang trại nuôi tôm có cùng diện tích chỉ mang lại 1.000 USD.

Hiện giờ, giá trị sinh thái và kinh tế này cũng được nhận biết ở nhiều nơi khác – thí dụ như ở Đông Nam Á, nơi nhiều dự án tái tạo rừng được tiến hành sau thảm họa sóng thần để bảo vệ bờ biển một cách ít tốn kém. Thế nhưng theo như Maricar Samson và Rene Rollon của Đại học Philippines tại Quezon City, ý định tốt này lại thường hay thất bại.

Ý định tốt, lỗi lầm lớn

Theo các nhà khoa học, thiếu hiểu biết là nguyên nhân chính: Những người điều hành thường không hiểu biết về các yêu cầu sinh thái của các loại đước và vì thế đã chọn sai chỗ để trồng. Thiếu chất dinh dưỡng, luồng nước chảy quá mạnh và bão táp đã làm hại cây trồng mới rất nhiều. Tệ hại hơn, họ thường vô tình phá hủy nhiều hệ sinh thái đang hoạt động như vùng có nhiều thảm cỏ biển là nơi cá đẻ trứng hay đồng ngập nước vốn nơi dừng chân của chim di trú. Thay vào đó hai nhà sinh thái học khuyên nên chọn những vùng đất thoai thoải và chỉ ngập nước trong khoảng thời gian 1/3 của chu kỳ triều.

Trước khi lên đường tìm kiếm những nơi thích hợp, hai ông Samson và Rollon cũng khuyên là nên cải tạo lại những nơi nguyên là trại nuôi tôm vì chúng thường nằm trong vùng là rừng đước trước đó.