Nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Hướng đến trung tâm công nghệ

Hơn 72% diện tích đất nông nghiệp TP.HCM (trên 41.000ha) là đất trồng lúa năng suất chỉ bằng 50% vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vì vậy, giai đoạn những năm 1996-2000, khi vấn đề đô thị hóa và công nghiệp hóa bắt đầu tăng tốc cũng là thời kỳ trì trệ nhất của ngành nông nghiệp thành phố, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ đạt 0,7%/năm, đất nông nghiệp bị giảm mạnh (bình quân 1.500ha/năm). Nếu không thay đổi cơ cấu sản xuất, TP.HCM sẽ không vực dậy ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đô thị TP.HCM ra đời trong bối cảnh đó.

Diện tích giảm, giá trị sản xuất vẫn tăng mạnh

Điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Thành phố (TP) xác định các loại cây con lợi thế, giá trị cao là: rau an toàn, bò sữa, tôm sú, sau đó là hoa kiểng, cá cảnh để nâng cao giá trị sản xuất. Diện tích nhỏ, nhưng lợi nhuận cao nhờ hàm lượng chất xám (ứng dụng công nghệ mới) đưa vào sản xuất ngày càng nhiều.

Diện tích hoa kiểng vào năm 2007 hơn 1.200ha, tăng 322ha so với năm 2005, tập trung nhiều ở các quận Bình Tân, Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn… Mỗi năm cung cấp thị trường TP 35-40 triệu cành lan các loại, 40-55 triệu chậu hoa nền, 5-6 triệu chậu mai, kiểng và bonsai.

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu các loại hoa nhiệt đới (cúc cắt cành, cây mini pachira, cây cảnh các loại, bonsai…) qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất gần 1 triệu USD. Thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Việc ứng dụng những thành tựu về giống và công nghệ đã góp phần vào sự phát triển nền nông nghiệp đô thị, nhờ đó, giai đoạn 2001-2007 tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp TP tăng bình quân khoảng 5,8%. Đây là diều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đô thị hóa, đất nông nghiệp suy giảm nhưng phải đảm bảo tốc độ phát triển.

Chính sự đa dạng hóa cây-con giá trị kinh tế cao và ứng dụng giống mới vào sản xuất đã giúp cho giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích nhanh chóng được nâng cao. Nếu đầu những năm 2000 là 34 triệu đồng/ha/năm thì đến năm 2006 tăng lên 77,5 triệu đồng/ha và 124,8 triệu đồng/ha vào năm 2007.

TP.HCM – Trung tâm sản xuất giống cây, con

Không được ưu đãi về thổ nhưỡng, đất đai ngày càng thu hẹp, nhưng nông nghiệp TP lại có lợi thế về thị trường và là nơi tập trung nhiều viện, trường chuyên nghiên cứu về nông nghiệp hàng đầu cả nước với lực lượng các nhà khoa học hùng hậu. Đó là những yếu tố mà nếu biết khai thác thì sẽ giúp TPHCM trở thành trung tâm giống (cây, con) chất lượng cao trong vùng và cả nước.

Thực tế TP.HCM đã sản xuất và cung ứng nhiều loại hạt giống cho các công ty trong và ngoài nước để tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu. Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty TNHH cồ phần Việt Nam hợp đồng với nông dân sản xuất hạt giống bắp lai vụ đông xuân. Công ty Giống cây trồng TP gia công nước ngoài các loại hạt rau, ớt, cà chua, bầu, bí, đậu các loại… Hiện TP.HCM có 46 công ty sản xuất giống đăng ký chất lượng sản phẩm tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngoài ra còn có nhiều tổ hợp tác sản xuất lúa giống ở Hóc Môn, Củ Chi theo các hợp đồng của các viện, trường hoặc công ty đặt hàng, nhiều cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Trong lĩnh vực sản xuất giống, năm 2006 có sự gia tăng rất lớn về lượng hạt giống rau (tăng hơn 2 lần so với năm 2000).

Năm 2007, lượng hạt giống các loại được sản xuất và kinh doanh lên đến 9.500 tấn (trong đó giống được sản xuất là 8.857 tấn) với trên 500 loại hạt giống khác nhau (giống F1 chiếm 50,33%), tập trung chủ yếu vào giống rau ăn quả. 5 tháng đầu năm nay, riêng lượng hạt giống sản xuất đã đạt 6.000 tấn (tăng gấp 2 lần so với cả năm 2006), cơ cấu giống có sự thay đổi, giống lúa chiếm 57,59%, giống bắp lai 30,18%. Về chủng loại, có trên 130 giống (hơn 80 giống rau).

Chủng loại hạt giống kinh doanh có trên 400 giống (F1 chiếm 50,33%), tập trung nhiều các giống rau ăn quả. Ước tính, các công ty sản xuất giống TP cung cấp giống lúa, bắp lai, rau các loại và cây khác cho 1,072 triệu ha (năm 2007) và 506.000 ha (6 tháng đầu năm 2008) ở nhiều địa phương. Năm 2007, các công ty giống còn xuất khẩu hơn 702 tấn hạt giống rau các loại, 37,21 tấn hạt giống bắp lai, 0,95 tấn hạt giống lúa…

Về con giống, TP đã có thương hiệu nổi tiếng về heo giống của Xí nghiệp Heo giống cấp 1 (thuộc SAGRIFOOD), cung cấp bò sữa giống, bò thịt cho các địa phương… Sản xuất cá giống nước ngọt và nhất là cá cảnh, cá sấu…

Chưa có bước đột phá

Sự phát triển ngành giống của TP thời gian qua có nhiều bước tiến rất đáng kể về cơ sở vật chất, công nghệ. Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh giống đã đầu tư nhà xưởng, trại nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học vào nghiên cứu giống. Công ty Liên doanh Giống Đông Tây đầu tư hệ thống nghiên cứu, sản xuất giống khép kín từ trại thực nghiệm, ứng dụng maker phân tử để nâng cao năng lực và giảm thời gian đáng kể trong việc chọn tạo giống mới.

Trung tâm Kiểm định giống cây trồng vật nuôi TP, ngoài nhiệm vụ là đơn vị quản lý nhà nước đầu tiên cấp địa phương được thành lập, còn đang áp dụng công nghệ truyền cấy phôi cho bò sữa, để từng bước tạo ra giống bò sữa đặc hiệu của TP.HCM có sản lượng cao lại có khả năng kháng bệnh tốt…

Nhưng những hạn chế của ngành nông nghiệp TP đang cản trở không ít đến sự phát triển bền vững. Đó là lợi thế cạnh tranh ngành nông nghiệp khá thấp so với các ngành nghề khác ở TP, làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, quy mô sản xuất giống bị thu hẹp.

Áp lực đô thị hóa gia tăng nhưng vùng sản xuất nông nghiệp chưa được quy hoạch cụ thể gây nhiều trở ngại trong việc đầu tư sản xuất ổn định, luôn trong tư thế có thể di dời, làm khó khăn trong việc giữ, phát triển giống gốc, nhân giống và sản xuất giống (ông bà, bố mẹ, giống nguyên chủng, đầu dòng…).

Vì vậy, ngành nông nghiệp TP vẫn chưa tạo ra được những bước đột phá thật sự, chưa bắt kịp với các nước tiên tiến về khoa học công nghệ chọn tạo và sản xuất giống. Sản phẩm giống đặc thù của TP còn ít. Khả năng nhân rộng mô hình còn hạn chế, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân chưa đều…

Việc sản xuất giống chủ yếu là gia công, lợi nhuận rơi vào công ty nước ngoài. Các chính sách dù có khuyến khích vẫn chưa rõ ràng, doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi về đất đai, vốn…

Đồng chí Võ Văn Cương khi còn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã phát biểu, với tiềm lực và ưu thế này TP có đủ khả năng trở thành trung tâm giống của cả nước, nhưng cần có chính sách cụ thể, hành động cụ thể và cách làm cụ thể. Tiếc là, đã có nhiều câu trả lời nhưng xem ra vẫn chưa thỏa đáng.