Trăn trở đào tiên xứ Lạng

Mẫu Sơn – Lạng Sơn là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Mùa xuân, hoa đào nở rực trên sườn đồi, núi, Mùa hè nắng ấm, quả đào căng tròn lúc lỉu trên cành. Dân xứ Lạng gọi đó là đào tiên.

Truyền thuyết về cây đào tiên

Cuối tháng 06/2008, A Múi, một sơn nữ trẻ ở bản Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) mời tôi lên ăn trái đào đầu mùa. A Múi nói trong chiếc điện thoại di động: “Nếu không lên nhanh thì quả đào chín kỹ ăn sẽ mất ngon.

Năm nay quả đào to hơn năm trước, lại ít bị con sâu phá hoại nên nom quả nào cũng mũm mĩm”. Sơn nữ cũng “tiện” khoe, nhờ bán được hai gánh đào đầu vụ nên sắm luôn được “con dế” này. Nghe thấy vậy, tôi chuẩn bị xe máy ngược dốc đến với Mẫu Sơn.

Con đường ngoằn nghèo với những khúc cua “tay áo” khiến hành trình đến Mẫu Sơn càng hồi hộp hơn. Càng lên cao, không khí càng lạnh. Đến khu vực Chân Mây (thuộc xã Mẫu Sơn) hiện ra có ba, bốn sọt quả bày bên vệ đường. Những người phụ nữ Dao trẻ tuổi ngồi bán trái đào tiên chênh vênh trên những mỏm đá tai mèo. Họ ngồi bán hàng và tiện thể đan áo.

Khách thích ăn đào thì cứ tự nhiên vào chọn. Đào tiên Mẫu Sơn to bằng cái chén, hồng đỏ rất tươi sáng, bên ngoài còn đọng những giọt sương long lanh. Tôi hỏi: “Bao nhiêu tiền một cân đào?”. “Không bán cân, chỉ bán quả, 10 nghìn 15 quả” – Một người bán hàng nói. Tôi biết, người Dao không nói thách nên mua một chục quả rồi cho vào túi xách.

Không ngờ, khi đến nhà A Múi bị sơn nữ này không ưa, mặt hơi nặng. Thì ra A Múi đứng trên đỉnh núi, nhìn thấy tôi mua đào nên không vui. A Múi bảo: “Mẫu Sơn này, ai chẳng có đào. Anh lại chê quả nhà tôi rồi. Nếu vậy, anh lên đây làm gì ?!”.

Sơn nữ này rất tình cảm. Chúng tôi quen nhau đã vài năm, trong lần nhóm chúng tôi đi “cắm bản” sáng tác trên đỉnh Mẫu Sơn do Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn tổ chức. Tôi theo A Múi ra vườn đào sau nhà. Thoắt một cái, sơn nữ này đã vắt vẻo trên cành đào rồi biến mất trong lùm cây cùng những quả đào.

Tôi giật mình vì một quả đào rơi trúng đỉnh đầu. Người Dao sống nghiêm túc, cẩn trọng trong từng cử chỉ, lời nói. Thế nhưng đã là người thân quen thì họ cởi mở, chân tình. Tôi vớ lấy quả đào ném ngược lên ngọn cây.

A Múi bảo: “Tìm mãi mới được một quả đào to nhất thì bị con chim rừng ăn mất một góc. Anh ném cho con chim, nó không thèm ăn đâu”. Nói rồi A Múi cười rung cả gốc đào.

Nhà A Múi có gần 100 gốc đào nguyên sinh, có cây hàng chục năm tuổi. Con chim mổ quả đào rơi xuống đất, quả chín rụng xuống thung, mùa xuân đến đâm chồi nảy lộc và cứ thế rừng đào chạy dài xa tít tắp…

Cắn miếng đào giòn tan, ngọt lịm trong miệng. Câu chuyện về những cây đào tiên xứ Lạng được A Múi kể cho nghe dạo trước chợt ùa về.

Ngày ấy, xa xưa lắm, trên đỉnh núi Mẫu có một chàng trai họ Triệu thân hình vạm vỡ và săn bắt thú rừng rất giỏi. Một đêm nằm mơ, chàng thấy thần núi mách bảo, bèn đi mải miết về phía mặt trời mọc thấy bên một ghềnh thác có một viên đá nhẵn hiện ra long lanh.

Viên đá được nhấc khỏi mặt đất thì bầu trời sáng rực. Một dải mây trắng vươn dài bay lên, lượn một vòng trên đỉnh Lặp Pịa. Chàng trai nhấc viên đá mang về nhà. Con đường như ngắn lại và xung quanh có nhiều tiếng chim hót. Khi đến nhà, chàng trai để viên đá ở góc bếp rồi đi ngủ.

Trong giấc ngủ chập chờn chàng trai thấy một nàng tiên giáng trần hiện ra bị thần núi giam vào một động đá rồi được cứu sống bởi bàn tay rắn chắc của chàng trai người Dao.

Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, chàng trai hoảng hốt khi nhìn thấy viên đá rỉ ra những giọt máu hồng nên vội vác đá trả lại chốn cũ. Trên đường đi, những giọt máu rỏ xuống đất theo bước chân chàng trai và mọc lên những cây đào tiên, mùa xuân đến rực rỡ hoa.

Câu chuyện này được người già kể lại trong những ngày lễ, tết và được truyền từ đời này sang đời khác. Người Dao căn dặn nhau, phải làm điều tốt, không được tham những đồ vật không phải của mình.

Giỏ đào tiên đã đầy. A Múi địu lên lưng rồi men theo con đường chênh vênh bên sườn núi. Lúc này mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Mẫu Sơn có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, cả ngày mây mù, sương khói lãng đãng.

Nhất là chúng tôi đang đứng trên một một ngọn núi cao nhất, nhì trong vùng. Chọn một nơi bằng phẳng để nghỉ chân, tôi được sơn nữ này đưa cho mấy quả đào mới hái còn đượm mùi thơm. Gói cơm lam được bày ra trước mặt.

Tôi véo lấy miếng cơm dẻo quánh cho vào miệng, nhưng A Múi bảo, phải ăn cùng với đào mới ngon. Tôi nghe theo, cầm quả đào lăn đi lăn lại lên cơm rồi lại đưa lên miệng. Thì ra cơm làm nhiệm vụ “dính” sạch lông đào…

 
Bao giờ quả đào to như ngày xưa?

Mơ về những… quả đào xưa

Già bản Đặng Tăng Phúc là người có uy tín trong cộng đồng người Dao Mẫu Sơn. Già luôn có nụ cười thường trực. Hôm nay đón tiếp tôi, già Phúc lại mở đầu bằng một câu chuyện thời sự: “Đào năm nay to hơn mọi năm, quả đẹp. Nhưng biết bao giờ mới trở lại được như đào ngày xưa”.

Đào tiên miền này nổi tiếng là thơm, ngon. Quả nào cũng gần như nhau, to gần bằng cái bát con đầy đặn trắng hồng. Ngày ấy, đào tiên chỉ biếu, không bán. Ngày tôi còn nhỏ, chị gái ruột được chàng trai người Dao gửi cho một “làn” đào tiên. Tôi ăn một quả đã thấy no và ấn tượng mãi đến bây giờ.

Già Phúc giới thiệu: “Cả núi Mẫu Sơn này, trước đây có hàng nghìn héc-ta đào sống thích nghi với độ ẩm, lạnh. Nhưng nay chỉ còn khoảng 4.000 đến 5.000 cây mọc rải rác trên đồi. Ngoài việc cây bị thoái hóa, sâu nhiều, quả nhỏ dần thì nhiều cây già cũng đã lụi chết, không được trồng thay thế.

Đã vậy, mấy năm nay, một số khách du lịch lên khu nghỉ dưỡng, tìm đến các vườn đào chọn những cây đẹp đánh “cả cụm” khuân về xuôi. Nhất là dịp tết có hàng trăm cây đào biến mất khỏi Mẫu Sơn.

Chập tối, tôi men theo con đường gồ ghề toàn gân đá cùng già Phúc đốt đuốc tụt dốc xuống bản Khuổi Cấp (thuộc xã Mẫu Sơn).

Trưởng bản Triệu Chằn Sìn là người Dao chính gốc chạy đến cây đào ven nhà, hái mấy quả đào non đưa cho tôi rồi bảo: Dự án trồng đào Mỹ mà các cán bộ dưới huyện đưa lên không phát triển được, quả nhỏ lại không sai quả. Việc phục tráng lại cây đào tiên bản địa bàn mãi nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như ý muốn.

Năm nay, có anh Hoàng Tạ, một doanh nhân kinh doanh nhà nghỉ tại khu du lịch Mẫu Sơn thử nghiệm “bao tiêu sản phẩm” cho dân bản để giữ cây đào. Tuy nhiên, bà con vẫn quen thói “có gì hái nấy” nên năng suất, chất lượng chưa được như ý muốn.

Chúng tôi tìm đến nhà nghỉ Yến Yến ở khu du lịch Mẫu Sơn. Ông Hoàng Tạ vui vẻ đón khách và khi biết chúng tôi đang tìm hiểu về cây đào nên say sưa: “Tôi đã được ăn quả đào tiên cách đây khá lâu, nó to và rất thơm. Nhưng mấy năm gần đây bà con gần như bỏ mặc, không chăm sóc nên số cây chết khá nhiều, chất lượng quả rất kém, quả nhỏ, vẹo vọ và bị sâu phá hoại. Xót cây đặc sản bị mai một nên tôi muốn trồng lại, và mới làm được diện tích nhỏ”.

Để làm việc này, ông Tạ bỏ hàng tuần lên khắp đỉnh Mẫu Sơn xem xét, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào người Dao chăm bón cây. Với tư cách là người kinh doanh, ông Tạ hạch toán cụ thể cho bà con: Hiện giá đào tiên Mẫu Sơn từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, trung bình cứ 100 gốc đào sẽ được trên dưới 4 triệu đồng/vụ.

Như vậy, so với cây lúa, cây ngô, thu nhập từ cây đào đâu phải là kém. Bà con nghe theo và đã biết thêm phương cách trồng ghép, chỉ sau 3-4 năm, cây đào mới sẽ đậu quả to, đẹp và cây có thể thu hoạch đến vài chục năm.

A Múi điện thoại cho tôi, mời ăn cơm tối. Cô bảo, không phải ăn cơm lam với đào đâu, mà cô vừa kiếm được trên chục con ếch hương to nấu với canh măng chua cùng hũ rượu men lá đang chờ đón khách quý từ dưới xuôi lên.

Cả nhà A Múi quý mến tôi vì bao giờ lên Mẫu Sơn tôi cũng có bài thơ ứng khẩu luôn bên chén rượu sóng sánh, bập bùng ánh lửa về mảnh đất người Dao. Nhưng đêm nay, tôi không đọc thơ nữa, mà sẽ ngồi ngắm quả đào má hồng. Nửa tháng nữa sẽ rộ mùa đào chín.