Thảm họa môi trường do phá vỡ cân bằng sinh thái

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, khi phát minh ra một công nghệ mới hay một phương pháp mới, con người thường chỉ nhìn thấy mặt tốt mà chưa nhìn thấy, hay chưa lường hết những mặt xấu kèm theo.

Thực tế cho thấy, hầu như tất cả những nỗ lực của con người nhằm mục đích cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, không sớm thì muộn, đều là những minh chứng sống động cho nhận định này.

Thử lướt qua một vài ví dụ. Khi phát minh ra máy lạnh có máy nén hơi và các môi chất lạnh có nguồn gốc tổng hợp hóa học, con người đã ào ạt “theo mới nới cũ”, chỉ nhìn thấy những ưu điểm của phát minh này mà không nhìn thấy được những tác hại môi trường do phát minh này mang lại. Khi phát hiện ra những mỏ dầu, con người chỉ nhìn thấy mặt lợi ích do đáp ứng được nhu cầu năng lượng của mình, mà chưa thấy rằng đến một ngày nào đó chính mình cũng phải đắn đo về việc sử dụng nó. Cũng tương tự như vậy, việc phát triển các vệ tinh nhằm nhiều mục đích tốt đẹp khác nhau nhưng rồi có lẽ cũng sẽ là vấn đề cho con người một khi “lượng chuyển hóa thành chất”.

Suy cho cùng, mọi vấn đề đều có hai mặt của nó, và thật sự đó là hai mặt đối lập nhau, mâu thuẫn nhau. Cần nhận thức rõ, càng sớm càng tốt, tính hai mặt của một vấn đề để điều chỉnh những hành động của mình nhằm tránh đi những tổn thất và gánh nặng cho con cháu sau này.

Những thông tin trong những năm gần đây cho thấy Nga, Mỹ và Nhật đang chuẩn bị những dự án đặt vệ tinh ở ngoài vũ trụ nhằm chuyển hóa nguồn năng lượng mặt trời vô tận đang lang thang ngoài vũ trụ, trở về Trái đất, để đáp ứng nhu cầu năng lượng của con người. Thoạt nhìn, đây là một vấn đề hoàn toàn thân thiện với môi trường, hoàn toàn vô hại, hoàn toàn trong sạch và hoàn toàn không gây ra ô nhiễm dưới bất kỳ góc độ nào. Nhưng, có thật như thế không?

Để bình luận vấn đề này, cần minh họa bằng một vấn đề tương tự.

Như đã biết, trong điều kiện tự nhiên, trong bầu khí quyển đã tồn tại sẵn một lượng CO2 nhất định, nhờ lượng CO2 này và một số chất khí khác có khả năng gây ra hiệu ứng nhà kính mà nhiệt độ trung bình của bầu khí quyển mới được duy trì ở mức phù hợp với các sinh vật nói chung và con người nói riêng.

Tuy nhiên, do các hoạt động của con người, đặc biệt là do nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng của con người, hàm lượng CO2 có trong bầu khí quyển dần dần gia tăng, dẫn đến gia tăng tác động của hiệu ứng nhà kính, làm gia tăng nhiệt độ trung bình của bầu khí quyển. Bản thân hiệu ứng nhà kính không có tội, thậm chí phải nói rõ hiệu ứng nhà kính còn rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của các sinh vật trên Trái đất. Tuy nhiên, một khi con người tác động làm mất đi sự cân bằng sinh thái, hiệu ứng nhà kính lại trở thành một kẻ tội đồ đáng ghét và cần phải đưa ra xử lý.

Quay lại với dự án dùng vệ tinh chuyển tải năng lượng mặt trời từ vũ trụ đem về Trái đất, có lẽ con người cần phải sớm rút kinh nghiệm, đừng để xảy ra hậu họa cho con cháu của mình sau này, cần tỉnh táo để tránh vết xe cũ, không vì cái lợi trước mắt mà mơ hồ với những điều nguy hiểm nhất định sẽ xảy đến trong tương lai.

Vì sao lại nghĩ đến điều này? Đơn giản chỉ vì bản thân Trái đất đã tồn tại trong trạng thái cân bằng với hệ vũ trụ từ bao đời nay, thông qua lượng năng lượng mặt trời hàng ngày hàng giờ đến và đi khỏi Trái đất. Điều gì sẽ xảy ra nếu như con người, bằng sức mạnh trí tuệ của mình, một lần nữa làm mất đi sự cân bằng sinh thái? Hãy thử tưởng tượng, lượng năng lượng mặt trời đến Trái đất tự nhiên gia tăng lên, con người sẽ cảm thấy thỏa mãn vì có thêm năng lượng để tiêu dùng. Tuy nhiên, không nên quên rằng năng lượng không thể tự biến mất đi, mà chỉ có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác, biến đổi theo chiều hướng giảm thế dần dần.

Như vậy, một bộ phận đáng kể năng lượng mặt trời mà con người sử dụng phương tiện để đưa về Trái đất và đã được đưa vào sử dụng, cuối cùng sẽ quẩn quanh đâu đó xung quanh chúng ta ở dạng có thể thấp hơn. Đó là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, mọi chuyện sẽ bắt đầu từ đó.

Tất nhiên, những con người của ngày hôm nay có thể chưa trực tiếp lãnh chịu hậu quả của tác động này, nhưng chắc chắn những con người của các thế hệ sau sẽ phải trực tiếp hứng chịu hậu quả không dễ dàng giải quyết của những tác động do chính bản thân con người ở các thế hệ trước gây ra.

Có nên hay không kết thúc bài viết ngắn này bằng một hình ảnh không thật phấn khởi? Theo chiều thời gian, thiên nhiên như một cái ly chứa đựng những vật thể li ti đang trong quá trình lắng đọng. Còn con người, thông qua các hoạt động của mình, đang thọc chiếc đũa vào ly và dần dần quậy nó lên…