Kinh tế phát triển “kèm” ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Trên tiến trình đổi mới, phát triển nền kinh tế chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nhưng cùng với sự phát triển “nhanh” và “nóng” của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường đang trở nên ngày càng bức xúc. Tội phạm môi trường ngày một gia tăng trong khi đó các công cụ pháp chế chưa hoàn thiện để xử lý triệt để.

Đó là nội dung chủ đạo tại hội thảo khoa học “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường – Trách nhiệm của chúng ta” do Bộ Công An tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/06/2008.

Tại hội thảo, Trung tướng, PGS – TS. Trần Đại Quang – Thứ trưởng Bộ Công An, đã nêu ra những con số thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình môi trường Việt Nam trong thời gian qua khiến nhiều người giật mình. Có tới 70% khu công nghiệp trên cả nước không có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi tình trạng ô nhiễm các khu công nghiệp chưa kịp lắng dịu thì hoạt động xuất nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường lại “nở rộ” trong thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng thời gian từ năm 2003 đến tháng 02/2006 đã có 2.278 công-ten-nơ có trọng lượng 36.618 tấn ắc quy chì phế thải được nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu dưới dạng “tạm nhập, tái xuất”. bên cạnh đó còn rất nhiều loại chất thải nguy hại ( nhựa phế liệu, sắt phế liệu, thiết bị công nghệ cũ lạc hậu) được nhập khẩu công khai vào nước ta.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, chặt phá đốt rừng bừa bãi cùng nạn “lâm tặc” và buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm ngày càng gia tăng trên nhiều địa phương cả nước. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, chỉ tính riêng tháng 01/2006, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 66 vụ vi phạm với gần 150.000 cá thể, trong đó có 141.000 động vật thuộc loại quý hiếm. Từ giữa năm 2004 đến tháng 06/2005, số vụ phá rừng trái phép tăng 18% gây thiệt hại gần 1.500 héc-ta rừng, tăng gấp 2 lần so với mức 678 héc-ta năm 2004.

Theo ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường, chính quá trình nhận thức, quá trình phát triển không hài hoà đã gây ra những xung đột làm tác động đến môi trường cũng như tác động đến đời sống con người. Trong khi đó, dù tội phạm môi trường đã được nêu trong luật nhưng thực tế lại gặp nhiều khó khăn ở khâu xử lý vì đây là một loại tội phạm nhạy cảm.

Trung tướng Trần Đại Quang đã nêu bật những khó khăn và bất cập trong việc xử lý tội phạm môi trường theo Bộ Luật hình sự. Chẳng hạn, trong Bộ Luật hình sự chỉ có các qui định về tội danh huỷ hoại rừng hay bảo vệ các loài động vật hoang dã quí hiếm được áp dụng trong thực tế, song có rất nhiều tội danh khác chưa có thực tiền hoặc khó áp dụng. Ô nhiễm môi trường đang diễn ra trầm trọng nhưng định lượng hậu quả để xử lý hình sự thật khó khăn, đâu là ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân hay môi trường. Cũng tương tự, Điều 189 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 về tội huỷ hoại rừng cũng thật khó để áp dụng, xử lý bởi điều luật chỉ nêu chung chung về hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trong. Nhưng rừng thì có nhiều loại (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất…) thì phải hiểu theo nghĩa nào, còn như thế nào được xem là hậu quả nghiêm trọng?

Từ thực tiễn hoạt động, về lâu dài cần phải có quy định cụ thể hơn về nội dung của các điều luật này. Trung tướng cũng nhận định rằng, cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, cần có kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường.

Mục tiêu của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới chính là phát triển bền vững, hài hoà giữa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong xu thế phát triển như hiện nay, chúng ta cần có những cân nhắc kỹ lưỡng khi đứng trước quyết định phát triển hay đánh đổi lợi ích môi trường.