Đất rừng phương Nam: Nuôi tôm sinh thái cho rừng thêm xanh (Kỳ 5)

ThienNhien.Net – Trong xu thế hội nhập, dòng sản phẩm chất lượng cao luôn chiếm nhiều ưu thế hơn trên thương trường. Con tôm Cà Mau cũng không nằm ngoài quy luật cạnh tranh đó. Tạo nguồn nguyên liệu tôm sạch chính là sự khẳng định uy tín và chất lượng hàng hóa. Phát triển vùng nuôi tôm sạch, Cà Mau đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt tay với người nuôi tôm cùng làm giàu.

Kỳ 1: Người dân không “mặn” với rừng

Kỳ 2: Xung đột rừng – tôm

Kỳ 3: Bức tử rừng phòng hộ xung yếu

Kỳ 4: Nước mắt dưới tán rừng

Nuôi tôm sinh thái hái ra tiền

Mô hình nuôi tôm sinh thái Lâm ngư trường 184 (Ngọc Hiển) mở ra hướng nuôi tôm sinh thái cho khoảng 35.000 ha rừng đước tại các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân và Năm Căn. Tôm nuôi trong diện tích có sẵn tỷ lệ rừng đước nhất định, không sử dụng hóa chất và thức ăn có chứa dư lượng kháng sinh sẽ được công nhận là tôm sinh thái. Rừng ngập mặn vốn là môi trường sinh thái tự nhiên của các loài thuỷ, hải sản.

Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Cty lâm ngiệp 184, phấn khởi: “Có 850 hộ nuôi tôm sinh thái, diện tích bình quân 3 – 3,5 ha/hộ. Nuôi tôm sinh thái phải có diện tích rừng 50% diện tích khuôn hộ, tôm giống sạch bệnh, không sử dụng hóa chất… Cty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau thu mua hết, chế biến theo đơn đặt hàng. Mô hình nuôi tôm sinh thái không thu hoạch ồ ạt nhưng chứa đựng yếu tố môi trường bền vững, giá trị sản phẩm cao, khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng”.

 Về đất phương Nam
Trạm thu mua tôm sinh thái Cty lâm nghiệp 184.  (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Cty lâm nghiệp 184 có diện tích 6.400 ha, 1.400 hộ dân nhận khoán 6.200 ha. Tâm lý chung của người dân muốn mở rộng diện tích nuôi tôm. Anh Nguyễn Văn Hùng, quê quán xã An Trạch (Đông Hải, Bạc Liêu) sang của một cán bộ Cty lâm ngiệp 184 miếng vuông 20 công. Anh Hùng cho biết: “Nuôi tôm sinh thái được giám sát rất kỹ nhưng có chút lời là nhờ bán giá cao hơn chút đỉnh so với loại tôm cùng loại”.

Qui trình nuôi tôm sạch

Trung tâm chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản V thử nghiệm mô hình nuôi tôm bền vững (gọi tắt là GAP) do Công ty chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Quốc Việt đầu tư tại xã Định Bình (TP. Cà Mau). Ông Nguyễn Hiền Năng, Trưởng phòng thú y thuỷ sản của Trung tâm cho biết: “Sau 2 năm trải nghiệm, chúng tôi có thể khẳng định mô hình nuôi tôm bền vững đã ứng dụng thành công tại Cà Mau.”

Năm 2004, diện tích mặt nước thả tôm nuôi là 10 ha, tại ấp Cây Trăm xã Định Bình (TP Cà Mau), đạt năng suất bình quân là 6,1 tấn/ha. Năm 2005, mô hình nâng lên thêm 3 ha diện tích thả nuôi nữa. Kết quả, thu hoạch được đến 81,9 tấn, năng suất bình quan đạt 6,3 tấn/ha, qua mặt mức năng suất nuôi công nghiệp. Mô hình này cho môi trường bền vững, ít rủi ro quá trình thả nuôi.

Kỹ sư Nguyễn Duy Dương, cán bộ Trung tâm, trực tiếp nhúng tay ao tôm thử nghiệm trên cho biết: “Ngoài việc sản xuất được nguồn nguyên liệu sạch, phục vụ tốt xuất khẩu, mô hình GAP còn ngăn chặn được việc xả nước thải độc hại ra môi trường. Bởi tất cả mọi yếu tố đầu vào cũng như đầu ra đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt theo tiêu chí an toàn và bền vững”.

 Về đất phương Nam
Diện tích nuôi tôm sinh thái phải đảm bảo 50% diện tích có rừng. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Quy trình GAP được chia ra làm 4 tầng kiểm soát chặt chẽ, trên cơ sở loại trừ mọi bệnh tật và các chất kháng sinh, chế phẩm độc hại, chế phẩm kháng sinh bị cấm… Qui trình kiểm soát các yếu tố đầu vào là dịch bệnh nguồn tôm giống, thức ăn tôm, thuốc hoá chất, các chế phẩm sinh học, nguồn nước, bùn đáy ao.

Trong quá trình nuôi, loại trừ mọi chất kháng sinh bị cấm, xử lý tận gốc vi khuẩn gây bệnh, kiểm soát hàm lượng kim loại nặng và thuốc trừ sâu. Cuối cùng là quy trình xử lý nước thải, đảm bảo 100% lượng nước thải ra khổi đầm tôm đều là nước không mang theo mầm bệnh và các hoá chất độc hại, không gây tổn hại cho môi trường nước bên ngoài.

Giám đốc Cty chế biến thuỷ sản Quốc Việt, cho biết quy trình GAP, chi phí sản xuất thì cao hơn 1.000 đồng/kg sản phẩm tôm nguyên liệu nhưng bù lại, năng xuất cao hơn và được thị trường nước ngoài chấp nhận mức giá mua cao hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg so với loại tôm bình thường.

Doanh nghiệp chế biến nuôi tôm

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở thuỷ sản Cà Mau trăn trở: “Thời gian gần đây, nghề nuôi tôm Cà Mau đã có những dấu hiệu xuống dốc. Tôm chết kéo dài, sản lượng không ổn định, giá trị tôm thương phẩm trên thương trường quốc tế bị biến động bất thường. Nhiều nông dân vì nuôi tôm không hiệu quả, nợ nần chồng chất, đời sống bấp bên. Còn giới doanh nhân lĩnh vực chế biến xuất khẩu tôm đông cũng nhiều phen điêu đứng về chuyện bị kiểm duyệt chất kháng sinh phía đối tác nước ngoài… Chúng tôi khuyến khích nuôi tôm sạch, tôm sinh thái phục vụ nguyên liệu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nâng giá trị con tôm Cà Mau.”

Cà Mau có diện tích nuôi tôm 249.000 ha, gồm 35.000 ha rừng – tôm, 40.000 ha lúa – tôm, 1.000 ha tôm – vườn, 900 ha tôm công nghiệp, còn lại là diện tích chuyên tôm dạng sinh thái.

Và ngành thuỷ sản Cà Mau thời gian gần đây đã có nhiều hoạt động nhằm đưa nghề nuôi tôm trở về quỹ đạo sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả hơn, như tập huấn cho người kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản, triển khai các văn bản pháp luật, những quy định mới về cấm buôn bán, sử dụng các chất kháng sinh bị cấm, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh sản phẩm thuỷ sản…

Đặc biệt là các hoạt động khuyến ngư trên cơ sở triển khai các mô hình nuôi tôm an toàn, tôm sinh thái, tôm sạch. Bởi vì thực tế đã cho thấy việc tự do sử dụng các hoá chất, thức ăn công nghiệp, kháng sinh… vào vuông tôm, đặc biệt là với loại hình nuôi tôm công nghiệp khiến môi trường nước bị suy giảm rất nhanh chóng. Nếu không được ngăn chặn ngay bây giờ thì hậu quả thật khó lường.

 Về đất phương Nam
Qui trinh chế biến tôm sinh thái xuất khẩu tại Cty chế biến xuất nhập khẩu Cà Mau. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) 

Đến nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu Cà Mau như Minh Phú, Camimex đã vươn lên trở thành những đơn vị xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu.

Trong khi nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất đang gặp khó khăn, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Cty chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Cà Mau, cho biết: “Không phải riêng doanh nghiệp của chúng tôi mà hầu hết doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn đều phải lội xuống các vùng nuôi tôm để đầu tư nguồn nguyên liệu sạch. Trong tình hình xuất khẩu hiện nay, tạo nguồn nguyên liệu sạch là quyết định đến chất lượng hàng hoá có uy tín. Cà Mau có điều kiện phát triển vùng nuôi tôm sạch giúp doanh nghiệp bắt tay với người nuôi tôm cùng làm giàu”.