Phát triển kinh tế VAC vùng đồng bào Khmer

Mỹ Tú là huyện vùng sâu của tỉnh Sóc Trăng với 37% dân số là người Khmer. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Hội Làm vườn (HLV) huyện triển khai dự án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá nguồn thu nhập trong hệ sinh thái VAC cho nông hộ. Nhờ đó, kinh tế hộ gia đình ở Mỹ Tú đã thực sự khởi sắc.

Những triệu phú người Khmer

Năm 2007, HLV Mỹ Tú đã xây dựng được 500 mô hình sản xuất theo quy mô trang trại với tổng diện tích 2.000ha, bình quân mỗi trang trại có quy mô 4 – 5ha, đặc biệt là có tới hơn 10 trang trại đạt giá trị sản xuất 200 triệu đồng/năm trở lên. Mỹ Tú hiện có rất nhiều “đại gia VAC” người Khmer “trưởng thành” từ phong trào hoạt động Hội. Chính vì lẽ đó, Mỹ Tú được đánh giá là địa phương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế trang trại ở Sóc Trăng.

Đối với nhiều người, có một trang trại chăn nuôi rộng 7,5ha như gia đình anh Võ Đại Hoàng ở ấp Hòa Long (xã An Ninh) quả là niềm mơ ước. Có đất, anh Hoàng quy hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế VAC với 200 con lợn, 25 con bò lai Sind và trồng lúa. Mỗi năm, mô hình của anh cho thu nhập 250 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng từ trồng lúa, 130 triệu đồng từ chăn nuôi và 20 triệu đồng từ các khoản thu khác.

Gia đình chị Thái Thị Con (xã Phú Tâm), người Khmer, trước đây rất nghèo. Được Hội Phụ nữ giúp vốn, HLV tư vấn, giúp đỡ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chị đã phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC cho hiệu quả cao. Thông qua các lớp tập huấn, những buổi tham quan do HLV tỉnh tổ chức, chị Con càng tự tin hơn khi quyết định đăng ký tham gia tổ chức Hội. Năm 2007, cộng các nguồn thu từ chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản, trồng lúa – màu, gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Hiện, chị đã nâng quỹ đất canh tác lên 2,1ha, gấp 7 lần so với hồi đầu xây dựng cơ nghiệp.

Theo ông Dương Minh Hoàng, Chủ tịch HLV tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây, HLV Mỹ Tú luôn chú trọng đến công tác phát triển Hội cơ sở, nhất là ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Do nhiều người không thạo tiếng Việt, tập quán sản xuất lạc hậu nên cán bộ Hội nhiều khi phải “nằm vùng” để hướng dẫn bà con xây dựng mô hình, tư vấn cách quy hoạch trang trại. Từ mô hình thành công, Hội có cơ sở và tiếng nói để tiếp tục nhân rộng.

Kinh tế VAC “nở rộ”

Từ khi Sở Khoa học – Công nghệ Sóc Trăng phối hợp với các ban ngành triển khai dự án xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hoá nguồn thu nhập trong hệ sinh thái VAC cho nông hộ người Khmer (năm 2004), phong trào phát triển kinh tế VAC, VACR ngày càng nở rộ. Huyện Mỹ Tú cũng không nằm ngoài sự phát triển này.

Với tổng kinh phí 300 triệu đồng, sau khi được tập huấn, 210 hộ Khmer ở ấp Bưng Cóc (xã Phú Mỹ) đã tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm rơm, cây ăn quả, rau màu, kết hợp sản xuất 60ha lúa đặc sản. Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất của người dân, giúp họ thay đổi tập quán canh tác.

Ông Trần Văn Sáu, nông dân Khmer ở ấp Bưng Cốc tâm sự: “Cũng là con bò, con lợn, cây ăn trái đó, trước đây làm mãi nhưng không khá lên được. Giờ xây dựng theo mô hình kinh tế VAC, trên diện tích 5,5 công đất (1 công =1.440m2), trong đó 3 công trồng lúa chất lượng cao, 1 công làm rẫy và 1,5 công nuôi cá, heo và trồng cây ăn trái. Năm qua, gia đình tôi thu nhập không dưới 50 triệu đồng…”.

Đến thăm gia đình anh Thạch Văn Bal, người được bà con ấp Thọ Hoà Đông A (Phú Tâm) phong tặng danh hiệu “thanh niên dân tộc Khmer sản xuất giỏi”, ai cũng khâm phục trước ý chí và khát vọng làm giàu của ông chủ trẻ. Xuất phát điểm với chiếc chòi lá dựng bên bờ kênh, ngày đi làm thuê, ban đêm soi cá đắp đổi qua ngày, vợ chồng anh đã tận dụng đất bờ kênh để trồng rau cải, hành, hẹ, bầu bí.

Năm 1990, tiết kiệm được 200.000 đồng, anh Bal thuê 1 công ruộng để sản xuất theo công thức 2 vụ lúa + 1 dưa hấu + 1 đậu xanh, vụ nào cũng bội thu. Sau 3 năm, anh có trong tay 17,4 triệu đồng. Anh tham khảo ý kiến của cán bộ HLV huyện và đầu tư toàn bộ số tiền ấy mua đất nuôi bò, dê, cá; tận dụng bờ rẫy trồng rau màu, cất chuồng nhử dơi về trú ngụ để lấy phân… Cứ thế, vốn liếng, đất đai, chuồng trại của anh tăng dần theo từng năm. Anh nông dân tay trắng hôm nào hiện đã sở hữu 1, 8ha đất, 26 con bò và gần 20 con dê. “Có được mô hình này, tất cả là nhờ HLV đấy”, anh Bal tự hào.

Ông Hoàng cho biết: Anh Bal, chị Con… đã trở thành điển hình trong phong trào phát triển kinh tế VAC ở Mỹ Tú. Để đẩy mạnh hoạt động Hội, thời gian tới, HLV tỉnh và huyện Mỹ Tú sẽ thành lập các câu lạc bộ nhằm tập hợp và phát huy thế mạnh của kinh tế vườn, thu hút những người làm công tác khoa học, quản lý tham gia. Tổ chức hội thảo chuyên đề về cây vú sữa, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho hội viên. Vận động hội viên thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.