Hy vọng từ vắc-xin Covid-19 của Cuba

Với lợi thế giá thành thấp và không cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, vắc-xin Covid-19 của Cuba là niềm hy vọng cho các nước thu nhập thấp

Tỉ lệ dân số Cuba đã tiêm vắc-xin cao hơn hầu hết quốc gia lớn và giàu nhất thế giới. Quốc đảo ở vùng Caribe này đạt được cột mốc quan trọng đó nhờ tự sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, bất chấp thực tế chật vật dự trữ hàng hóa do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận thương mại kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ.

Bà Helen Yaffe, chuyên gia về Cuba tại Trường ĐH Glasgow ở Scotland, nói với đài CNBC: “Đó là một kỳ tích đáng kinh ngạc. Nhưng những người nghiên cứu về công nghệ sinh học như chúng tôi không ngạc nhiên về điều đó. Thành công của Cuba không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một chính sách đúng hướng của chính phủ, tập trung đầu tư vào cả y tế công và khoa học y tế”.

Cho đến nay, khoảng 86% dân số Cuba đã được tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19, theo số liệu thống kê chính thức của trang Our World in Data. Con số này bao gồm trẻ em từ 2 tuổi, đối tượng được bắt đầu chủng ngừa vài tháng trước.

Các cơ quan y tế Cuba đang triển khai tiêm tăng cường cho toàn dân trong tháng này nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Với dân số 11 triệu người, Cuba là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin và vùng Caribe tự sản xuất vắc-xin Covid-19.

Người dân chờ tiêm tăng cường vắc-xin Abdala ở thủ đô Havana – Cuba hồi tháng 12-2021 (Ảnh: Reuters)

Ông John Kirk, giáo sư nghiên cứu về các nước Mỹ Latin ở Trường ĐH Dalhousie (Canada), nhận định: “Sự thành công của một quốc gia nhỏ trong việc sản xuất vắc-xin Covid-19 và tiêm phòng cho khoảng 90% dân số là điều phi thường”.

Ngành công nghệ sinh học uy tín của Cuba đã phát triển 5 loại vắc-xin khác nhau, trong đó có Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, tất cả đều có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 tới 90% khi tiêm 3 mũi.

Không như những tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, tất cả vắc-xin Covid-19 của Cuba đều là vắc-xin tiểu đơn vị protein, tương tự vắc-xin của Novavax.

Điều quan trọng đối với các nước thu nhập thấp là giá thành sản xuất vắc-xin Covid-19 của Cuba rẻ, có thể sản xuất quy mô lớn và không cần bảo quản ở nhiệt độ âm sâu. Chính vì vậy, nhiều quan chức y tế thế giới đánh giá vắc-xin của Cuba là niềm hy vọng cho Nam bán cầu khi tỉ lệ tiêm chủng ở khu vực này còn thấp.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, vắc-xin của Cuba cần được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt. Quy trình xem xét của WHO bao gồm đánh giá các cơ sở sản xuất vắc-xin, bước đi mà các quan chức y tế Cuba cho rằng đang diễn ra chậm.

Ông Vicente Verez, người đứng đầu Viện vắc-xin Finlay của Cuba, cho biết các tài liệu cần thiết sẽ được trình lên WHO trong quý I/2022. Theo GS Kirk, sự chấp thuận của WHO đối với vắc-xin do Cuba sản xuất sẽ có “ý nghĩa to lớn” đối với các nước đang phát triển.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Vắc-xin Cuba không đòi hỏi nhiệt độ bảo quản cực thấp như sản phẩm của Pfizer và Moderna, vì vậy rất thích hợp với những nơi có cơ sở hạ tầng hạn chế, đặc biệt là ở châu Phi”. Ông Kirk cũng chỉ ra rằng không giống các quốc gia hay công ty dược phẩm khác, Cuba đã chủ động đề nghị chuyển giao công nghệ cho các nước có thu nhập thấp.

Bà Yaffe từ lâu đã tin tưởng vào khả năng Cuba trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Bà cho hay đó không phải là phỏng đoán mà dựa trên những đánh giá về hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Cuba, đất nước có đội ngũ bác sĩ gia đình và phòng khám ở mọi nơi, kể cả vùng nông thôn hoặc khu vực khó tiếp cận. Hơn nữa, người dân Cuba không do dự tiêm vắc-xin như ở nhiều quốc gia khác.