Chợ tình Khau Vai: Đi chợ tìm …tình (Kỳ cuối)

Đêm tình Khau Vai thơ mộng, hoang dại. Có biết bao chàng trai tốt mã, đường ngọt, thậm chí có tiền từ miền xuôi lên tán tỉnh mà họ vẫn vững tâm, vẫn không đi với bất kỳ ai mà hoá "vọng phu" giữa chợ tình để chờ đợi. Còn nếu các cô sơn nữ còn son, muốn tìm bạn tình, người đó phải biết ba thứ tiếng dân tộc, và biết uống rượu, hát ví thì may ra mới trở thành kẻ may mắn trong đêm chợ tình. Chứ không có cái chuyện "tình cho không" như thiên hạ hay đồn đại.

Kỳ 1: Chợ tình Khau Vai

Kỳ 2: Đâu rồi đêm tình huyền thoại

Truyền thuyết chợ tình

Truyền thuyết kể rằng, chợ tình Khau Vai có từ 100 năm trước. Ở Khau Vai có chàng Ba là người dân tộc Nùng vốn khôi ngô tuấn tú, khỏe mạnh như vâm, chàng lại hát hay, có tài thổi sáo làm mê lòng bao sơn nữ, bao nhiêu cô gái bản yêu chàng, muốn “bắt” chàng làm chồng, trong đó có cô sơn nữ tên Út xinh đẹp như hoa, lại là con một tộc trưởng người Giáy.

Những đêm hò hẹn trên sườn núi đá tai mèo thơ mộng, họ yêu nhau thắm thiết và nguyện kết tóc xe duyên đến trọn đời trên núi đá này. Nhưng bi kịch thay, chàng Ba lại là con nhà nghèo hèn, mà thời đó, ở vùng dân tộc này, những chàng trai hoặc cô gái có xuất thân tộc trưởng và dân thường là một khoảng cách khó có thể xóa nhòa. Gia đình họ tộc cô Út cấm đoán, hai người đưa nhau lên hang núi đá Khau Vai sống với nhau. Gia đình họ tộc nàng Út vác súng kíp, cung nỏ sang nhà chàng Ba chửi bới và phá lệ bắt cô Út về.

Gia đình chàng Ba cũng vác súng săn, cuốc cào, gậy gộc chống lại nhà gái. Từ hang đá nhìn xuống bản, chàng Ba, cô Út thấy cảnh hai họ tộc xảy ra đâm chém, máu chảy đầu rơi, tiếng kêu la thảm thương vô cùng. Họ đành bảo nhau hy sinh tình duyên của mình để cứu mạng hai dòng họ. Trước lúc đi, chàng Ba, cô Út đã thề rằng kiếp sau sẽ nên duyên vợ chồng.

Và ngày họ dứt nhau ra đi ấy là ngày 27 tháng 3 âm lịch. Rồi sau này, đến đời con cháu họ đã hối lỗi, vô cùng thương xót cho mối tình cao thượng ấy nên đã mời thầy mo cúng giỗ vào ngày đó, ngay tại dốc tình ở chợ Khau Vai bây giờ. Và, cũng từ đó, ngày 27/03 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ tình yêu của đồng bào các dân tộc miền cao phía Bắc, ngày lễ tình yêu đã hoá giải được mọi cấm đoán yêu đương giữa các dân tộc với nhau, trai gái các bản, các tộc người được tự do yêu đương cho đến tận bây giờ vẫn thế. Và chợ Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai, còn gọi là chợ Phong Lưu là thế…

Đi hết dốc này sang dốc khác, trên sườn đá, từng cặp, từng cặp tình nhân tựa nhau như núi đôi sừng sững, không biết ngượng ngùng, họ uống, họ say và vui tình biết mấy. Những nhóm sơn nữ tuổi vừa tuần cặp kê ngồi sát vào nhau mắt không ngừng dõi trong đám đàn ông chờ đợi và hy vọng. Người có bạn tình rồi thì chờ đợi bạn tình, còn cô chưa có bạn thì chờ chàng trai nào đó đến, đến để tỏ tình…

Trong cầu thang nhà sàn, các cô sơn nữ người Mông ngồi với những chàng trai xa lạ. Trên thảm cỏ, một nhóm sơn nữ người Nùng đang ngả nghiêng bên chén rượu. Một sơn nữ đang ép chàng trai nào đó uống rượu, cô gái nói: – Mày phải uống tao mới đi chơi. Chàng trai lại nói: – Thôi mày à, cái bụng tao chịu không được rồi. Mày có đi chơi không? – Cái bụng tao muốn mày uống, rồi tao đi với mày, uống rượu với mày là chỉ đi với mày.

Thế là họ uống, họ uống cho đến lúc ngất ngây rồi bám lấy nhau lăn nhào trên sườn dốc, vừa lăn, vừa kêu, vừa cười, chàng trai cố ôm chặt sơn nữ, sơn nữ cười và la tình ơi ới, họ biến mất dưới dốc núi. Thế là, chợ tình đã giúp cô gái người Tày, chàng trai người Mông đến với nhau thế đó. Nhóm phóng viên từ Hà Nội lên đứng đần người ra thán phục, muốn bắt quen kiếm một bạn tình mà khó.

Chú ý đến một nhóm hát ví khác, người hát trước a ê… dài lê thê bằng tiếng Mông, điệu sau là tiếng kinh thu hút khách đến gần. Đặc biệt nhất là cô gái bồng con Vừ Thị Cở, một hoa khôi trong bản người Mông hát ví: “Tôi về thăm Khau Vai, một chiều đông/Huyện xa xôi đứng đầu nơi biên cương/ Gió lạnh buồn mênh mông núi đá tài mèo./ Rừng đá trập trùng trập trùng, đá trước, đá sau/ Rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn/ Sống trong đá, chết vùi trong đá/ Vẫn anh hùng vượt khó đi lên/Để hạt ngô thêm, hạt thóc thêm nhiều”.

Khách quen

Ngẩn người đứng nghe cô hát, đứa con trên tay cô vẫn ngủ ngon. Chợt trong đám hát ấy có người nhận ra khách quen và giơ chén rượu lên hú các nhà báo đến chung vui. Người đàn ông đó là Chủ tịch xã Tà Lùng tên là Lý Minh Chải. Ông Chải thông báo: “Các anh lên đây chung vui, rất cảm ơn các nhà báo. Chợ này mỗi năm một lần họp ở thung lũng đồi, chúng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ nét đẹp văn hoá bản sắc dân tộc”.

“Chợ tình năm nay có vẻ hoành tráng hơn mọi năm không?” Ông Chải hồ hởi nói: “Các anh thấy đấy, cả Tà Lùng có 456 hộ dân phân bố rải rác trên khắp Tây- Đông-Bắc. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước để sinh hoạt, thế nhưng bà con đã đủ ngô ăn, gạo, trâu bò, lợn… đều có cả. Sáng mai những mặt hàng này sẽ được bán ở chợ rất đầy đủ”.

Quay sang hỏi Cở, cô ôm người con vào lòng và khoe: “Sau chợ tình năm trước, em được lên truyền hình, được hát, được vào đội văn nghệ của tỉnh”. “Chồng Cở đâu?”. “Hắn đi với bạn tình rồi, từ tối, hắn đã đi tìm, sáng mai đón Cở và con về”. “Cở không ghen sao?”. Cở cười, cái cười hiền, cũng như bao cô gái có chồng đi với gái trong đêm chợ tình, đều không ai biết ghen tuông gì cả, vì hôm nay là ngày ngoại lệ duy nhất trong năm.

Chúng tôi bước đi trong men rượu, nhưng không say vì men rượu, mà say vì tiếng hát dài lê thê của Cở, em lại cất cao giọng hát tiếp: … Để hạt ngô thêm, hạt thóc thêm đầy. Ơ.. ớ… ờ… ớ. Cho ánh điện bừng sáng lung linh. Cho trẻ con tới trường. Học thêm cái chữ. Ơ…ơ…ờ.

 
Đêm ở Khâu Vai.

“Vọng phu” đêm chợ tình

2 giờ sáng, lê gót lên từng dốc núi, ở đó, từng cặp trai gái đang quấn quyến bên nhau, họ tâm tình yêu đương. Nhưng, bên những dốc núi, vẫn còn những bà già hoặc cô gái đứng trơ như gỗ đá một mình. Ông Chải, dẫn lại chỗ bà Lý Thị Sinh, 51 tuổi, bà ngồi bất động trên doi đất mồ côi. Hỏi mấy bà cũng không trả lời, câm nín. Trong đốm lửa, thấy mắt bà ươn ướt nhìn xa xa ra dốc núi như chờ đợi.

Đồng chí Chải lại nói bằng tiếng dân tộc gì đó rồi quay ra: “Bà ấy tủi thân vì đợi mãi mà bạn không thấy đến, lỗi hẹn ấy mà. Bạn tình của bà Sinh là người đàn ông cùng tuổi ở bên kia mấy con dốc, phải mất một ngày lội bộ mới tới. Bà Sinh kể rằng, mọi năm, cứ 7 giờ tối khi chợ tình vừa họp là ông ấy xuất hiện. Họ ngồi bên nhau cho tới sáng, tâm sự, tựa người vào nhau như hồi còn trẻ, cũng vì hoàn cảnh mà không đến được với nhau”.

Đêm chợ tình là đêm họ ôn lại chuyện xưa, rồi hỏi chuyện con cái, hoàn cảnh riêng tư của mỗi người. Bất kể ai, đã có gia đình, khi đến chợ tình Khau Vai đều mang ý nghĩa đẹp như thế. Nhưng hoàn cảnh bạn tình không tới chợ như bà Sinh cũng thường xuyên xảy ra do nhiều lý do mà bản thân người trong cuộc vẫn không biết. Bà Sinh còn một lo lắng, có khi do tuổi cao, ông ấy đã mất cũng nên, hoặc do ốm đau gì đấy. Càng suy đoán bà Sinh càng thêm lo âu thấp thỏm.

Trong sự nhộn nhịp của chợ tình, trên những mỏm đá mồ côi, vẫn có nhiều cô gái ngồi một mình ra đấy, bất kỳ chàng trai nào mời đi uống rượu họ đều từ chối với một lý do là đợi bạn tình. Không ít cô gái ngồi bất động cả đêm đợi người tình đã hẹn mà chàng trai không thấy đến.

“Người ơi, xuống núi cùng em” Khi mặt trời ló lên khỏi những núi đá tai mèo, những cô gái, chàng trai bản địa dìu nhau trở về từ trong vách núi, lùm cây. Từ tối qua, đã chứng kiến một phụ nữ người Ráy dìu người chồng của mình. Đến được chợ tình chồng cô đã say, tựa vào gốc cây ngủ ngon lành. Còn người vợ vẫn đứng bên để đợi chồng.

Cô đứng trong sương lạnh, mặc cho các gã đàn ông ve vãn, cô chỉ trả lời, chỉ đi khi gặp bạn tình. Đêm nay bạn tình của cô không đến, còn người chồng thì say, say cho tới sáng anh ta vẫn chưa tỉnh. Người vợ xốc anh ta lên lưng ngựa, cho nằm vắt ngang lưng và dắt ngựa đi. Họ xuống núi trở về bản sau đêm chợ tình. Cô vợ bước đi lầm lũi, côi cút giữa núi đá mồ côi. Nhìn theo mà lòng xốn xang, sự chịu đựng của người phụ nữ dân tộc thật đáng nể.

Ông Lý Minh Chải thấy khách động lòng cũng nói xen vào: “Các nhà báo nên nhớ, những gì thiên hạ đồn về đêm chợ tình là đêm ngoại tình đều không phải. Người phụ nữ về trong đêm chợ tình vẫn chung thuỷ với chồng. Và điều đặc biệt, họ chỉ chờ bạn tình đến để hội ngộ thôi, rất trong sáng”.

Đúng là đêm “chợ tình phong lưu” mà không hề mất đi nét văn hoá bản sắc, bất kỳ ai khi chứng kiến đêm chợ tình Khau Vai đều ấn tượng, khó về, khó quên…!