Bi kịch tái định cư

Các huyện Nhơn Trạch, Long Thành được xem là khu "tam giác vàng" ở miền Đông Nam Bộ. Bởi nhẽ 2 huyện này nằm trên "tam giác" giao thông đi 3 tỉnh giàu nhất – nhì Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

Bởi tương lai ở đây rất hoành tráng: Sẽ có Cảng hàng không quốc tế Long Thành – cửa ngõ đường hàng không vào Việt Nam cho khu vực Đông Nam Á – sẽ có một TP.Nhơn Trạch đủ tầm cỡ gánh vác trách nhiệm là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nhưng nơi đây, đang có một nhức nhối: Tốc độ đô thị hoá “phi mã” đến đâu thì người bị di dời giải toả cũng là kẻ cuối cùng chịu thiệt thòi nhất.

“An cư… sạt nghiệp”

Về khu tái định cư (TĐC) xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai), nơi những người dân đòi thay đổi câu đúc kết ngàn năm của cha ông, từ “an cư mới lạc nghiệp” thành “an cư thì… sạt nghiệp”. Có thể nói, khó có khu TĐC nào có vị thế “ngon” như ở đây, khi “mặt” tiếp giáp với QL51, “lưng” kề khu rừng mát rượi của Trường Giáo dưỡng 4. Hơn 100 nền với đường sá, điện đóm đã phân chia hoàn chỉnh. Cũng gần từng ấy diện tích nữa đang được chủ đầu tư khẩn trương thi công.

Tuy nhiên, bên trong lớp vỏ hoành tráng đó là một bi kịch nhức nhối. Trước khi về đây, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Đoàn ở xã Tam Phước, sống nhờ có rẫy điều hơn 1,6ha. Năm 2006, với hơn 400 triệu tiền đền bù, họ về khu TĐC này cất được cái nhà lầu hoành tráng. Hơn 1 năm sống trong nhà to, không nghề nghiệp, sống nhờ vào đồng lương công nhân eo hẹp thời tăng giá, hai ông bà mới chua chát nhận ra, tương lai con cái họ sẽ bết hơn.

“Trước có 1,6ha điều, mỗi năm cũng kiếm vài chục triệu, đủ sống, đủ nuôi con ăn học. Sau này con cái lập gia đình, đất đó chia ra thì cả 9 đứa cũng đủ miếng cất nhà cửa. Nay 210m2 đất TĐC này, sao chia đủ cho 9 đứa con. Còn đồng lương công nhân của chúng tôi hơn 1 triệu đồng/tháng, ăn uống không đủ. Không biết… hết đời có kiếm nổi tấc đất cắm dùi không!”. Ông Đoàn thở hắt ra cho hay, đang tính bán nhà đi để về vùng sâu hơn mua mảnh đất rộng hơn để còn có “cần câu cơm” và có chút tương lai cho con cái.

Kế đó là ngôi nhà trệt (nhưng sẽ là giấc mơ của nông dân) của gia đình anh Trần Văn Dũng. Ra góc sân, lật đống đồ nghề sửa xe, bán xăng dầu đã “thất nghiệp” hơn 1 năm nay, anh Dũng cười chua chát: “Trước hai vợ chồng sửa xe ở xã Tam Phước, ngày kiếm vài chục ngàn nuôi nhau, dù nhà tạm bợ. Nay về đây, nhà hoành tráng đấy, mát đấy, sạch đấy, nhưng… vợ chồng tụi này chỉ biết ăn xong rồi nằm ngủ chứ không có việc gì khác để làm! Tui đang tính bán nhà về Long Khách mua mảnh đất rẫy trồng caosu thì mới có tương lai được!”.

“Thế sau này chỗ mới của các anh lại cũng giải toả đền bù thì sẽ lùi sâu vào đâu nữa?” Anh Dũng lại cười, ngao ngán. Còn ông Đoàn giơ hai tay lên trời, tỏ ý bất lực, thay cho câu trả lời.

“Đục nước” béo… người giàu

Trong vai kẻ mua đất TĐC, sục sạo gần nửa ngày trời hòng tìm được “chủ xịn” của nền TĐC, nhưng bất lực. Bởi hầu như các lô nền ở đây, đáng lẽ dành cho dân phải di dời giải toả, thì nay “chủ” mới đa phần là “thị dân” TP.Biên Hoà, hay huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Nền TĐC cũng vì vậy mà bị làm giá đến chóng mặt. Bà chủ quán nước đầu đường khu TĐC cứ tiếc hùi hụi: “Nửa năm trước, giá 1 nền chỉ 150 triệu đồng, nhà chỉ mua được 1 nền. Nay gấp 3 lần, tiếc đứt ruột!”.

Chị L.T.H (dân TP.Biên Hoà) mới mua được 1 nền TĐC của một người dân làm nghề… ve chai nhưng có ruộng đất bị giải toả, hồ hởi khoe: “Mới mua hơn 1 tháng trước, giấy tay, giá gần 200 triệu đồng. Nay lên rồi, người ta đã trả 400 triệu đồng rồi, chú ạ! Tranh thủ mua đi, tìm được người có đất TĐC mua tận gốc là tốt nhất!”.

Theo chị H, cách đây, 2 hôm, đã có một “cò” cũng ở Biên Hoà bỏ ra 700 triệu để mua 2 nền TĐC nơi đây, bởi tin chắc khoảng tháng sau sẽ bán cả tỉ bạc. Gần như 80% số nền TĐC đã được sang tay người khác. Thế nhưng trên sổ sách cơ quan chức năng, chắc rằng vẫn còn “chủ cũ” bởi dân bán nền TĐC bằng… giấy tay.

Té ra đất TĐC giao hơn cả năm nay, nhưng lại chưa có “sổ đỏ” (dân chỉ có cái phiếu bốc thăm số lô, số thửa để làm tin), không cầm cố ngân hàng được, lại không được đào tạo nghề để “lên đời”, không muốn rơi cảnh dở khóc dở cười như nhà ông Đoàn, anh Dũng, nhiều người dân phải “bán lúa non” tiêu chuẩn TĐC, tạo điều kiện béo bở cho đầu nậu thao túng dẫn tới giá nhà đất cao gấp nhiều lần giá trị thực. Bán xong không đủ tiền mua nhà mới đành dạt về vùng sâu xa mua đất “lậu” rẻ và tất nhiên sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn “nhà máy mọc đến đâu, nông dân lùi sâu đến đó”.

Số liệu báo cáo của huyện Long Thành, những con số bàn giấy “lạnh lùng” nhưng rát lòng người: Long Thành có hơn 2.000ha (chủ yếu là đất nông nghiệp) nằm trong diện thu hồi để xây dựng các KCN, đô thị và công trình hạ tầng công cộng. Có trên 4.800 hộ với trên 21.300 nhân khẩu phải di dời đến nơi ở mới. Chính quyền địa phương đã cho xây dựng 7 khu TĐC để bố trí chỗ ở cho những hộ có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay mới 25% số hộ dân được bố trí TĐC đã xây cất nhà ở. Một tỉ lệ quá thấp! Nguyên nhân, theo một vị lãnh đạo, cũng bởi tình cảnh giống như dân ở khu TĐC An Phước.

“Lúa non” bán nhiều như… sung

Một “cạnh” của “tam giác vàng” là huyện Nhơn Trạch cũng tương tự Long Thành. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, huyện này thu hồi gần 2.000ha đất của 2.858 hộ dân. Huyện Nhơn Trạch đã xây dựng được 5 khu TĐC, hơn 870 hộ với 1.603 nhân khẩu đã được xét cấp suất TĐC.

Theo HĐND Đồng Nai, giám sát thực tế tại các khu TĐC ở đây cho thấy, các hộ dân hiện nay rất ít đến làm nhà ở tại nơi TĐC. Nguyên nhân rất nhức nhối: Tiền đền bù đất, nhà nơi ở cũ không đủ để cất nhà nơi TĐC, vậy làm sao để họ có nhà ở, để không phải “bán lúa non” nền TĐC? Trong khi đó, có những hộ đã làm nhà ở tại khu TĐC, nhưng chỉ biết ăn xong rồi nằm ngủ chứ không có việc gì khác để làm, bởi tại nơi đây chưa có gì để họ có thể bám vào kiếm sống…

Từ năm 2008 đến 2010, dự kiến Nhơn Trạch sẽ còn phải thu hồi khoảng 2.200ha cho nhiều dự án, trong đó có các dự án cầu đường Q.9 (TP.Hồ Chí Minh) – Nhơn Trạch, đường 25B mở rộng, đường 319 đến sông Đồng Môn… Ước tính có đến 1.100 hộ phải thực hiện TĐC.

Những thực tế trên đã không thể phủ nhận một bi kịch nhức nhối ở khu “tam giác vàng”: Người dân đang có nhà cửa đàng hoàng, giải toả đền bù xong họ bỗng nhiên bơ vơ, không lo nổi “cái tổ” chui ra chui vào hợp pháp, hoặc lo được thì “nồi cơm” vơi đi bởi không kiếm thêm gì bỏ vô. Và cũng họ – những người nhường đất cho các dự án phát triển – dù không mong muốn, nhưng ngày càng bị đẩy lùi sâu hơn.

Không phải bỗng nhiên, ông Nguyễn Kim Hiệp – Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai – trong buổi làm việc mới đây với huyện Nhơn Trạch đã đề nghị một điều chưa hề có văn bản hành chính nào, nhưng lại rất thực lòng: Khi tính toán các khoản đền bù cho dân bị thu hồi đất, ngoài việc tính toán tiền đất, tiền tài sản trên đất thì nên tính đến sự mất mát hy sinh của các hộ dân khi bị giải toả thu hồi đất.