Dừng xe tắt máy – Một động tác, hai lợi ích

CHLB Đức và Nhật Bản đã tiến hành cuộc vận động “Dừng xe tắt máy – Một động tác, hai lợi ích” trên phạm vi toàn quốc. Một điều đã được bổ sung vào Luật Giao thông: người tham gia giao thông không được để máy nổ khi dừng xe, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Tiền phạt thu được sẽ được sung vào Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng nhiệt độ toàn cầu là khí thải CO2 từ các động cơ đốt trong của các phương tiện giao thông đang ngày đêm tự do thải vào không khí. Sự gia tăng đến chóng mặt các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông cá nhân như xe ô tô con, xe gắn máy, làm tăng đột biến lượng khí CO2 thải vào khí quyển, nhất là ở các thành phố lớn.

Ở CHLB Đức và Nhật Bản, người ta đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của khí thải từ các phương tiện giao thông đến môi trường cho thấy, vào giờ cao điểm, khí thải CO2 tăng đột biến ở các đô thị, gấp trên 10 lần, thậm chí vào chục lần trị số cho phép. Khi các phương tiện giao thông dừng xe chờ đèn xanh tại các nút giao thông mà vẫn nổ máy, lượng khí thải tăng lên gấp đôi, do nhiên liệu không được đốt hết và cho tốc độ bằng không, khí thải khó khuyếch tán nhanh ra xung quanh.

Ở các đô thị lớn, thời gian dừng xe ở các nút giao thông để chờ đèn xanh kéo dài (trung bình 60s, thậm chí 90s), nếu các phương tiện giao thông vẫn nổ máy chẳng những tốn nhiên liệu mà còn làm tăng lượng khí CO2 thải vào không khí. Những nghiên cứu thực nghiệm của các nhà khoa học ở CHLB Đức và Nhật Bản đã đưa ra kết luận: Nếu dừng xe tắt máy khi đèn đỏ, sẽ tiết kiệm được 20% nhiên liệu và giảm được 25% khí thải CO2 từ động cơ. Đúng là một động tác lại hai lợi ích.

Hiện nay ở nước ta đã có tới trên chục triệu xe gắn máy, trên một triệu ô tô các loại, hàng ngày thải vào khí quyển lượng CO2 khổng lồ. Việc kiểm soát nhằm giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông đang trở nên cần thiết và cấp bách.

Nên chăng, cần phát động phong trào và đi đến luật hóa “Dừng xe tắt máy – Một động tác, hai lợi ích” trên phạm vi cả nước. “Dừng xe tắt máy – Một động tác, hai lợi ích” thật đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, cần đi vào cuộc sống hàng ngày. Bạn và tôi hãy bắt tay vào thực hiện “Dừng xe tắt máy – Một động tác, hai lợi ích” khi tham gia giao thông bằng phương tiện lắp động cơ, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.