Hội thảo Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam

Chiều 25/05, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư; tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cơ quan hợp tác quốc tế Thụy Ðiển tổ chức hội thảo, chủ đề: Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Gần 150 đại biểu, gồm các đại biểu QH là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, đại diện đoàn đại biểu QH các địa phương, các Ủy ban của QH; đại diện các bộ, ngành, cơ quan ở T.Ư và nhiều tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, biến đổi khí hậu thật sự không chỉ là vấn đề môi trường mà chính là vấn đề phát triển bền vững.

Tầm quan trọng của nó cần được biết đến, được nhận thức bởi cả cộng đồng, bởi các nhà hoạch định chính sách, nhà lãnh đạo cấp cao. Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, kết hợp giữa quản lý nhà nước với trách nhiệm và sự tham gia của toàn xã hội, toàn Ðảng, toàn dân, vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài. Các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép, kết nối trong tất cả các hoạt động, các chiến lược, kế hoạch phát triển.

Các đại biểu đã nghe và trao đổi ý kiến về các vấn đề cơ bản của chủ đề nói trên, như: biến đổi khí hậu toàn cầu-mối quan tâm của toàn thế giới, thực trạng, nguyên nhân và xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ở Việt Nam; kinh nghiệm thích ứng của các nước đang phát triển trong khu vực Ðông – Nam Á.

Ở Việt Nam, theo số liệu quan trắc, trong khoảng 70 năm qua, nhiệt độ không khí trung bình năm đã tăng trung bình 0,70oC. Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm rõ rệt trong hai thập kỷ gần đây.

Số cơn bão hoạt động trên Biển Ðông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu thế giảm trong bốn thập kỷ qua.

Số ngày mưa phùn ở phía bắc giảm một nửa, từ trung bình 30 ngày mỗi năm trong thập kỷ 1961-1970 xuống còn 15 ngày mỗi năm trong thập kỷ 1991-2000. Lượng mưa biến đổi không nhất quán giữa các vùng.

Riêng trong hai thập kỷ gần đây, lượng mưa năm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, trong khi ở Ðà Nẵng có xu hướng tăng lên. Hạn hán có xu hướng mở rộng ở hầu hết các vùng, đặc biệt là Nam Trung Bộ, dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa. Mực nước biển trung bình đã tăng từ 25 đến 30 cm trong khoảng 50 năm qua.

Các đại biểu cũng đã nghe giới thiệu về chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tại nước ta.