Thủy điện nhỏ gây hại lớn cho môi trường

Vài năm trở lại đây, hàng loạt các dự án đầu tư thủy điện tràn lan tại nhiều địa phương, đặc biệt là các công trình thủy điện nhỏ. Một câu hỏi được đặt ra là “ Liệu thủy điện nhỏ có gây hại cho môi trường?”. Dưới đây là ý kiến của GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam về vấn đề này.

Theo giáo sư, hiện tại địa phương nào đang “bùng nổ” công trình thủy điện nhỏ?

Đó là Quảng Nam. Hiện nay tỉnh này có khoảng 8 nhà máy thủy điện vừa và hàng chục thủy điện nhỏ. Tình trạng xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và vừa tràn lan như vậy thì chắc chắn tài nguyên thiên nhiên của Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ vô cùng to lớn.

Nhưng một số quan điểm lại cho rằng thủy điện dựa vào nguồn nước sẵn có và không gây ô nhiễm môi trường như nhiệt điện?

Tôi nghĩ chúng ta phải làm rõ thế nào là ô nhiễm môi trường. Thủy điện không thải ra chất gây ô nhiễm nhưng nó làm thay đổi toàn bộ môi trường về nhiều phương diện, kể cả nguồn nước. Tôi lấy ví dụ, khi xây nhà máy thủy điện thì phải đắp đập. Rừng là nguồn cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cho hệ sinh thái của dòng sông nhưng đập ngăn nguồn dinh dưỡng này lại, tất cả các chất hữu cơ, dinh dưỡng cho đến dòng sông bên dưới hạ lưu đó cũng hoàn toàn cạn kiệt thì cá lấy gì mà sống? Cá không sống được thì dân chài sinh sống dọc con sống đó sống bằng gì?

Chưa kể quá trình tích nước kéo dài mấy năm và như tôi nói ở trên thì tám nhà máy thủy điện vừa ở Quảng Nam có quá trình tích nước kéo dài mười năm và lúc nào cũng có dự án mới khởi công, lúc nào cũng tích nước làm cạn kiệt sông dưới hạ lưu. Cạn kiệt trong nhiều năm làm các dòng sông dưới hạ lưu không có nước.

Thủy điện luôn xây ở đầu nguồn nước và làm ảnh hưởng đến hệ thống rừng, làm ngập nhiều thung lũng, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc bản địa. Rừng nguyên sinh cũng bị mất, nước từ công trình thủy điện sẽ thấm ra xung quanh và tác động mạnh đến hệ sinh thái thiên nhiên, rừng. Rừng bị tàn phá chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người, chẳng hạn như bão lụt nhiều hơn, động vật mất nơi trú ngụ và không bao giờ có thể khôi phục lại rừng.

Cân bằng hai mặt của dự án thủy điện theo hướng giảm tác động tiêu cực và tăng hiệu quả là bài toán khó mà thực tế đang tồn tại ở nhiều địa phương hiện nay. Bài toán này nên giải quyết theo hướng nào?

Đây quả là một bài toán hóc búa bởi lẽ người ta đầu tư dự án thủy điện chỉ nhằm vào lợi ích cục bộ trước mắt. Ví dụ, để phục vụ lợi ích riêng của một xã, một huyện nào đó thì thêm được ít điện là đủ để họ phấn khởi. Nhưng vấn đề ở chỗ, địa phương nào cũng có thủy điện thì sẽ có tác động tiêu cực cộng hưởng. Hãy tưởng tượng hàng chục nhà máy được xây ở vùng đầu nguồn của tỉnh Quảng Nam thì tác hại đối với toàn bộ môi trường, hệ sinh thái, nguồn nước, rừng đầu nguồn… sẽ trầm trọng đến mức nào.

Theo tôi, muốn giải bài toán trên thì phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) tổng hợp của nhiều thủy điện để nghiên cứu tác động cộng hưởng của các công trình này ra sao về mặt kinh tế – xã hội – môi trường. Làm được ĐMC tốt và đồng bộ của tất cả các dự án thì mới có lời giải tối ưu cho bài toán thủy điện.

Ý giáo sư là các địa phương và chủ đầu tư không có sự phối hợp mà mạnh ai nấy làm vì lợi ích cục bộ?

Đúng vậy. Hiện nay người ta không quan tâm đến chuyện thực hiện ĐMC ra sao, các địa phương xung quanh làm thế nào mà lại tiến hành đơn độc từng dự án một, không có sự phối hợp đồng bộ vì lợi ích chung. Rất nhiều dự án ở nhiều nơi chỉ chăm chú vào cái lợi trước mắt và cục bộ phục vụ cho địa phương mình.

Vậy, chúng ta nên nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của cấp có thẩm quyền như thế nào khi để xảy ra tình trạng “loạn” thuỷ điện?

Theo tôi, việc phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa thuộc trách nhiệm địa phương. Nhưng xét về ngành điện thì Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) phải có trách nhiệm liên đới; bởi vì họ có quy hoạch, kế hoạch phát triển điện toàn quốc. Ví dụ, trong Tổng sơ đồ VI, thủy điện vẫn có vị trí quan trọng.

Tại công trình thủy điện Sơn La, EVN có trách nhiệm phải phối hợp với địa phương đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và ổn định cuộc sống cho người dân sau tái định cư, nhưng có thông tin nói EVN không báo cáo đầy đủ các vấn đề này?

Các công trình khác thì tôi không biết, nhưng riêng Nhà máy thủy điện Sơn La thì đúng, vì tôi ở trong hội đồng thẩm định tác
động của dự án đối với giải phóng mặt bằng và ổn định cuộc sống dân cư phải di dời. Những vấn đề này đối với một dự án lớn
như Sơn La là vô cùng quan trọng vì nó liên quan đến an sinh xã hội nhưng hội đồng không được tham gia vào.

Tiến độ và kết quả thực hiện ra sao chỉ có EVN và địa phương biết, không có bên thứ ba nào biết và giám sát và do đó các công việc này không được công khai minh bạch. Đối với thuỷ điện Sơn La, tôi cho rằng việc giải phóng mặt bằng và ổn định dân cư là không thành công.

Giáo sư có thể nói rõ hơn?

Tái định cư không được tiến hành tốt, cho nên cuộc sống đồng bào dân tộc không ổn định, nhiều người đã rời bỏ nơi tái định cư để quay về và do đó sẽ tốn nhiều chi phí để thực hiện tái định cư lần thứ hai, thứ ba. Đó là chưa kể sự không đồng tình của đồng bào vì nơi tái định cư không phù hợp với phong tục văn hóa, cuộc sống ngàn đời của họ. Trước đây chúng ta đã có kinh nghiệm rất lớn từ thủy điện Hòa Bình.

Tôi nghĩ nếu chúng ta biết rút ra bài học thì phải làm tốt hơn ở thủy điện Sơn La. Một ví dụ là dân tái định cư ở thủy điện Hoà Bình hàng chục năm không có điện vì không có đường dây, không có nước, cuộc sống rất khổ, mặc dù họ phải bỏ nhà bỏ cửa nhường chỗ cho công trình.

Trong quá trình thẩm định ở thủy điện Sơn La, giáo sư thấy vấn đề gì gây bức xúc nhất?

Bức xúc nhất là việc thu dọn mặt bằng vì mặt bằng không sạch sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Thứ hai là ngập nước các khu dân cư, ngập rừng nhiều quá, dân cư bị sơ tán nhiều quá.

Xin cảm ơn giáo sư!