"Phế thải tặc" "bắt tay" công ty môi trường để rút tiền ngân sách?

Đổ bậy bùn đất ra đường ngoài đem lại lợi ích cho một số lái xe còn đem lại lợi ích (về mặt kinh tế) cho nhiều đơn vị được sử dụng tiền ngân sách để thu dọn chúng. Liệu có sự cấu kết nào để "móc túi" ngân sách trong việc này?

Có sự “bắt tay”?

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, thanh tra giao thông công chính (TTGTCC) Hà Nội đã tóm được 49 lái xe đổ bậy bùn đất và chuyển cho PC14 CA Hà Nội điều tra.

Ngoài một sự thật phũ phàng được phơi bày là có nhiều ô tô của Công ty môi trường tham gia đổ bậy phế thải ra đường, ở bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến một số khía cạnh khác.

Ngày 25/03, TTGTCC đã bắt được 3 chiếc xe đổ bậy bùn đất thì có 2 xe ô tô (BKS: 29H-6786 và xe 29Z-6355) bị bắt khi đổ bậy bùn đất tại quận Cầu Giấy. Ngày 26/03, lực lượng chức năng tiếp tục bắt được một chiếc ô tô vi phạm đổ đất tại quận Cầu Giấy (xe 29L- 4996).

Đặc biệt, trong 2 ngày (28/03) và ngày (01/04), cơ quan chức năng đã bắt được 7 xe ô tô đổ bậy đất, phế thải tại địa bàn quận Cầu Giấy. Cho dù các lực lượng làm việc tích cực, cơ quan ngôn luận thông tin liên tiếp, song vi phạm đổ bùn đất trên địa bàn Cầu Giấy vẫn không hề “hạ nhiệt”.

Hàng loạt xe ô tô vi phạm vẫn tiếp tục bị tạm giữ những ngày sau đó. Theo hồ sơ vi phạm mà TTGTCC Hà Nội chuyển PC 14 trong 1 tháng (từ 25/03 đến 26/04) có 49 xe vi phạm bị tạm giữ. Điều lạ là số xe đổ bậy ra địa bàn quận Cầu Giấy chiếm trên 50% (27 xe). 22 xe bị bắt còn lại thực hiện vi phạm tại 6 quận nội thành khác.

Theo quy định của thành phố Hà Nội, mỗi khi “phát hiện” thấy có đất đổ bậy trên đường, tổ giám sát của Ban QLDA duy tu giao thông đô thị (Sở GTCC Hà Nội) sẽ cùng với đại diện Công ty môi trường hoạt động trên địa bàn đến cùng đo khối lượng đất.

Sau đó, Công ty môi trường cho xe vận chuyển đất đổ bậy về nơi quy định. Việc giải quyết “hậu quả” này, Công ty môi trường đóng trên địa bàn sẽ được hưởng quyền lợi theo chính sách của thành phố. Mỗi mét khối đất thải Công ty được hưởng vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng (tùy quãng đường). Và điều này đồng nghĩa với việc, nếu càng có nhiều bùn đất thải đổ bậy, khoản lợi nhuận của Công ty môi trường (quản lý địa bàn) sẽ càng tăng lên.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các xe chở bùn đất lại chỉ đổ ở địa bàn này, mà không phải là địa bàn khác (?). Trong số 49 xe bị bắt giữ có đến 27 xe đổ bậy bùn đất tại địa bàn quận Cầu Giấy. Câu hỏi đương nhiên được đặt ra: Liệu có sự liên quan nào đó giữa Công ty Môi trường đô thị Thăng Long – đơn vị được giao nhiệm vụ thu dọn bùn đất thải đổ bậy tại quận Cầu Giấy với chính những chiếc xe đổ bậy trên địa bàn quận này?

“Lỗ hổng” quản lý

Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ, và vì vậy nhu cầu đổ đất thải ngày càng nhiều. Thế nhưng, chính sách quản lý lĩnh vực này hiện còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến việc thực hiện thiếu nhất quán thậm chí bị lợi dụng để trục lợi.

Tháng 12/2006 trước vấn nạn đổ bậy bùn đất, UBND TP Hà Nội đã giao Công ty cổ phần môi trường Thăng Long (chứ không phải Công ty MTĐT Hà Nội – doanh nghiệp nhà nước) quản lý 2 bãi đổ đất thải thành phố (bãi Yên Sở rộng 22 ha và bãi Vân Nội – Đông Anh).

Không hiểu vì lý do gì, Sở GTCC Hà Nội cho Công ty môi trường Thăng Long quản lý bãi đổ nhưng không thu tiền của các đơn vị đến đổ đất. Hơn thế, đối với những khối lượng đất do ngân sách chi để đổ xuống bãi phế thải, Công ty môi trường Thăng Long được hưởng 7.200 đồng cho mỗi mét khối tiền san gạt. Chỉ tính năm 2007, Sở GTCC đã phải chi 1,7 tỷ đồng tiền san gạt cho Công ty này.

Trên thực tế, liệu các đơn vị đến đổ đất tại 2 bãi này có được miễn phí hoàn toàn hay vẫn bị thu phí? Hơn nữa, bãi đổ phế thải thi thoảng lại “đóng cửa”. Vì lẽ đó, nhiều xe chở đất không vào bãi được nên quay xe đổ bừa ra đường. Thành phố lại mất thêm một khoản kinh phí giải quyết hậu quả. Và ai đó sẽ được hưởng lợi đơn, lợi kép từ việc này?

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở GTCC Hà Nội cho biết, do thấy được những bất cập này, từ giữa tháng 04/2008, Sở đã giao bãi đổ phế thải Yên Sở cho Công ty Tiến Thịnh quản lý. Với Công ty quản lý mới, thành phố sẽ không phải chi tiền ngân sách cho việc san gạt. Bù lại, Công ty Tiến Thịnh phải xây dựng khung giá để thu từ các đơn vị đổ đất.

Hơn thế, trong 3 năm qua Hà Nội đã chi 44 tỷ đồng cho việc vận chuyển 568.000m3 đất phế thải. Như vậy, liên tiếp trong 3 năm qua trung bình mỗi ngày thành phố phải chi tiền ngân sách 40 triệu đồng để vận chuyển 550m3 đất phế thải (tương đương 220 chuyến xe 2,5 tấn). Vậy trên thực tế có đúng như vậy?

Được biết, việc kiểm đếm nghiệm thu khối lượng vẫn diễn ra thủ công và thường diễn ra vào đêm khuya nên có sự nhầm lẫn chăng?