Hà Nội: 100% tuyến phố sẽ được vệ sinh thường xuyên

Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vì thủ đô xanh sạch đẹp, Sở GTCC Hà Nội đã lập kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và thu gom phế thải trên địa bàn thành phố.

Ý thức người dân chưa cao

Theo khảo sát của Sở GTCC, tình trạng vứt rác bừa bãi ra hè, ra đường vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào các thời điểm 7h-8h, 11h30-14h, 16h-20h30, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, thành phố đang có nhiều công trình xây dựng thi công, khối lượng đất thải và phế thải xây dựng nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường là hiện nhu cầu đổ phế thải xây dựng của các đơn vị và nhân dân rất lớn, trong khi thành phố lại bố trí các bãi đổ tập trung tại các khu vực ngoại thành như Vân Nội (Đông Anh), Yên Sở (Hoàng Mai), Cầu Diễn (Từ Liêm) – cự ly vận chuyển xa, tốn kém nên nhiều chủ công trình ý thức kém, đem đổ trộm phế thải ra đường…

Trong thời gian tới, Sở GTCC sẽ tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình, công tác quản lý và làm giảm bụi bẩn, ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo 100% các tuyến đường phố được duy trì vệ sinh thường xuyên nhằm thu dọn kịp thời rác thải phát sinh.
Đặc biệt chú trọng tăng cường duy trì vệ sinh khu vực các trung tâm như quanh hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, các điểm tham quan. Bố trí lực lượng và phương tiện xe cơ giới loại nhỏ 1,25 tấn hoạt động 24/24h, thực hiện tập trung vào 62 tuyến phố (mỗi quận bố trí 2 xe); khảo sát đặt thêm 600 thùng thu chứa rác trên các tuyến phố, khu dân cư tạo điều kiện để người dân bỏ rác đúng nơi quy định; thay thế 110 xe gom rác ban ngày bằng 470 thùng chứa loại 240 lít…

Ngoài ra, Sở GTCC đề nghị Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng công trình yêu cầu chủ đầu tư ký hợp đồng với các đơn vị thu dọn phế thải để đổ vào bãi quy định của thành phố…

Lập 14 trạm trung chuyển phế thải

Mức phạt đối với các hành vi vi phạm

– Phạt tiền từ 30.000đ đến 50.000đ đối với hành vi đổ rác ra đường phố không đúng nơi quy định.

– Phạt tiền từ 300.000đ đến 500.000đ đối với hành vi chở hàng rời, vật liệu xây dựng, chất phế thải dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy, hoặc có mui, bạt che đậy, nhưng vẫn để rơi vãi.

– Phạt tiền từ 300.000đ đến 500.000đ đối với hành vi lôi kéo đất, cát từ công trình ra đường phố gây mất vệ sinh đô thị.

– Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ đối với hành vi đổ vật liệu hoặc phế thải ra hành lang an toàn đường bộ.

– Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 3.000.000đ – đối với hành vi đổ phế thải xuống lòng đường, hè phố.

– Phạt tiền 5.000.000đ đối với hành vi đổ đất, phế thải xuống sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đê điều qua thành phố.

Để áp ứng nhu cầu đổ phế thải xây dựng của các tổ chức và cá nhân, trong khi các bãi đổ tập trung nằm xa khu vực nội thành, Sở GTCC đã lập 14 trạm trung chuyển phế thải tại các quận, huyện.

Tại quận Ba Đình: Khu vực SVĐ đường Hồng Hà (phường Phúc Xá); khu vực đường Bưởi (phường Cống Vị).

Quận Hoàn Kiếm: Góc hè Trần Quang Khải – Hàng Thùng. Quận Hai Bà Trưng: Điểm cửa khẩu Vân Đồn, hè giáp Công viên Tuổi Trẻ.

Quận Đống Đa: 80, 157 Chùa Láng; cầu Đông Tác; khu vực hồ Ba Mẫu (phường Phương Liên).

Quận Cầu Giấy: Đối diện số nhà 31 phường Quan Hoa; đối diện nhà 139 Nguyễn Ngọc Vũ; đối diện nhà số 7 Nguyễn Khang; đối diện trạm y tế phường Yên Hoà.

Huyện Đông Anh: Bãi phế thải xây dựng Vân Nội.

Tại mỗi khu vực có 1 tổ công tác thanh tra Sở GTCC thường trực 24/24h. Sở GTCC cũng đã chỉ định 4 Cty chức năng để tiếp nhận thông tin của các tổ chức và người dân có nhu cầu vận chuyển phế thải xây dựng để ký hợp đồng thu gom, vận chuyển…

Đơn giá thu dọn và vận chuyển phế thải được Sở GTCC xây dựng riêng cho từng khu vực. Quận Hoàn Kiếm: Xe 2,5 tấn – 147.000đ; 2 tấn – 117.000đ; 1,5 tấn – 88.000đ; 1 tấn – 58.000đ; quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng: xe 2,5 tấn – 118.000đ; 2 tấn – 94.000đ; 1,5 tấn – 71.000đ; 1 tấn – 47.000đ.