“Chạy” sông

Hàng trăm căn nhà lần lượt bị nước cuốn trôi, cũng có nghĩa là hàng trăm hộ dân sống quanh dòng sông đã phải sơ tán. Đã mấy năm, chuyện "chạy" sông diễn ra âm thầm, đến khi giật mình nhìn lại thì xóm làng đã tan tác.

Sông “đuổi”

Đang ngủ ngon giấc, vợ chồng anh Lâm Thanh Hiểu (ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau), choàng tỉnh khi sóng của con sông Bảy Háp đã đánh tới lưng giường.

Không phải một cơn ác mộng, mà cảnh căn nhà sẽ đổ sụp bất cứ lúc nào đã đến rất gần. Vợ chồng anh đành phải bỏ ngôi nhà tường lớn để dọn ra phía sau. Không bao lâu, căn nhà lớn đổ nhào xuống sông. “Nuốt” xong ngôi nhà trước, sóng lại lấn tới ngôi nhà sau, nơi đôi vợ chồng trẻ đang “cố thủ” qua ngày. Đến nước này thì không còn đường nào khác, vợ chồng anh Hiểu đành ngậm ngùi rời bỏ căn nhà mà họ tưởng sẽ là mái ấm cả đời, để lùi về phía sau cất một ngôi nhà lá tạm bợ.

Cạnh đó, nước cũng đã tới chân tường căn nhà của ông Lâm Văn Năm, cha ruột của anh Hiểu. Căn nhà được xây dựng với giá tương đương 2.000 giạ lúa có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Đành phải bỏ nhà mà chạy thoát thân. Gặp ông trong căn nhà gỗ, ông Năm còn tiếc căn nhà khang trang mà ông dành dụm cả đời để xây. Ông chắc lưỡi chỉ về nhà bên cạnh: “Nhà tui vợ chồng con cái đùm đề mà mỗi lần chạy đã khốn đốn. Tội nghiệp Bảy Hón, em ruột tui một thân một mình, lại tật nguyền mà sống cũng chẳng yên”.

Bà Lâm Thị Hón, em ruột ông Năm sống một mình, lại có tật ở chân, đi lại rất khó. Cha mẹ thương nên khi chết, ông bà cụ đã để lại một phần đất và căn nhà tường cho bà có chỗ tá túc trong phần đời còn lại. Thế nhưng không bao lâu, dòng sông trở chứng đã gặm từng phần đất, ăn tới căn nhà. Bà Hón đã phải nhờ xóm giềng, họ hàng đến giúp cất căn nhà lá để bà dọn về ở. Bà vừa dọn đi, căn nhà cũng… nhảy ùm xuống sông !

Cùng hoàn cảnh đó, gia đình bà Lê Thị Mỹ Nữ (ấp Trung Thành, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) cùng 7 nhân khẩu trong gia đình đùm níu nhau rời bỏ nhà để bảo toàn tính mạng. Bà Nữ nói mỗi lần nhớ lại cảm giác của những ngày chung sống với sóng dữ, tới giờ còn nghe “lạnh lưng”. Lúc đó, mỗi khi có tàu bè chạy qua là nước lại đánh vào, đồ đạc trong nhà đều ướt hết. Gặp bữa đang ăn cơm, tàu chạy qua vậy là sóng đánh tràn mâm! Nhưng mối đe dọa lớn nhất là sợ sóng đánh sập nhà. Không chần chừ nữa, cả nhà bà Nữ phải “chạy”.

 
Căn nhà trống rỗng bên bờ sông Bảy Háp và mớ cây vụn là những gì còn lại của người phụ nữ này sau vụ sạt lở ở Cà Mau.

nhà giàu” biến mất

Bảy Háp là con sông huyết mạch của tỉnh Cà Mau. Sông nối liền thành phố Cà Mau với các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển. Vì vậy hằng ngày lưu lượng ghe tàu vận chuyển trên sông này rất lớn. Dọc trên tuyến sông, phía hữu ngạn là huyện Cái Nước, phía tả ngạn là huyện Đầm Dơi với những xóm nhà khá sung túc. Trước, cặp hai bờ sông là con đường xóm liền xóm, ấp liền ấp. Cả một khúc sông chạy dài khoảng 10 cây số từ Cà Mau, người ta gọi là “xóm nhà giàu” vì rất nhiều những ngôi nhà tường mọc lên từ trước và sau giải phóng.

Năm 1979, ông Huỳnh Văn Có (ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, Cái Nước) xây căn nhà 3 gian, bằng 3.000 giạ lúa lúc đó. Nhà xây cách sông một con đường và khoảnh sân 20 mét. Ông Có tính rằng với khoảng cách an toàn đó thì căn nhà của ông sẽ là chỗ an cư đến tận đời cháu, đời chắt. Kế bên là nhà ông Huỳnh Văn Cầm, em ông Có. Ông Cầm mở một nhà máy xay lúa lớn, hoạt động rất nhộn nhịp. Kế nữa là nhà của ông Bùi Tấn Đức, cũng thuộc diện khá giả. Bên kia sông là ấp Trung Can (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi), đời sống của người dân cũng sung túc chẳng kém.

Theo ông Có, sở dĩ xóm làng ở hai bên sông giờ đây đã mất dấu là vì “thằng tốc hành”. Nghĩa là từ khi trên những chiếc vỏ lãi, người ta gắn động cơ ô tô để nâng tốc độ. Người người đi lại nhanh hơn, nhưng dân ở hai bên sông “lãnh đủ”. Lớn tàu thì lớn sóng. Tốc độ lở ở hai bờ sông diễn ra đến mức chóng mặt. Bắt đầu là hai con đường bị đe dọa. Người dân dùng cây, đắp đất để chống đỡ. Nhưng chẳng bao lâu, con đường mất dấu. Mọi vật liệu có thể làm bờ kè chống xói lở, dân ở đây đều làm: từ mê bồ, cây dừa, đến cát đá, xi măng…

Nhưng tất cả đều không kìm hãm được những đợt sóng tiếp tục tấn công. Mất đi khoảnh sân, gia đình ông Có dọn xuống nhà sau, “nhường” căn nhà lớn phía trước, chẳng bao lâu sông “ăn” luôn căn nhà trước. Ông Có nói đáng ra ông đã bỏ căn nhà đang ở, dời đi 2 năm nay. Nhưng vì bao nhiêu tiền đã dùng vào việc chống lở, đến giờ thì kinh tế cạn kiệt. Nhưng dù gì cũng phải đi, ông Có cho biết ông Cầm, ông Đức đều bỏ nhà đi hết rồi, ông cũng đã có kế hoạch “chạy”.

Ở cái “xóm nhà giàu” này, nhiều gia đình vì bỏ nhà bỏ cửa chạy thoát thân đã không còn điều kiện kinh tế để cất lại căn nhà đàng hoàng như trước. Từng làm bí thư chi bộ ấp, ông Có nói con số những gia đình phải sơ tán ra xa dòng sông không dưới một ngàn. Trong số này, rất ít gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ.

Càng ngày, sông Bảy Háp càng nhiều tàu ghe qua lại, công suất càng lớn hơn. Qua thời tàu tốc hành chạy bằng máy xe hơi trên sông, bây giờ lại có thêm trung tốc, cao tốc xuất hiện. Đã có dự án nạo vét dòng sông cho tàu ghe đi lại dễ dàng, nhưng chưa từng ai nhắc đến giải pháp chống xói lở, cứu những xóm làng ở ven sông. Nghe tôi đặt câu hỏi như thế, nhiều người dân lắc đầu: “Hết rồi, còn gì đâu mà cứu!”.