Điện Biên: Đồng bào đã biết bảo vệ công trình nước sạch

"Bản cử người bảo vệ, quản lý công trình nước sinh hoạt. Nhiệm vụ của người bảo vệ là theo dõi đường ống dẫn nước, khi có sự cố kịp thời báo cáo trưởng bản để có biện pháp xử lý. Thường xuyên nhắc nhở người dân thu dọn vệ sinh khu vực bể chứa nước, khi phát hiện bể chứa nước có sự cố, người quản lý chủ động xử lý…" – tinh thần tự quản được bà con dân bản xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên thực hiện nghiêm ngay sau khi công trình nước sạch hoàn thành.

Từ khi có công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con ai cũng phấn khởi, không phải đi bộ hàng cây số để gùi nước về nữa. Nước về đến tận bản, chảy tràn bể, không những đủ cho bà con sinh hoạt mà còn phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Vậy là “ước mơ” của bà con đã thành hiện thực. Nhưng phải làm sao để công trình sử dụng hiệu quả, lâu dài ? Câu trả lời được mỗi xã giải đáp khác nhau với những sáng kiến hay…

Xã Na Sang, huyện Mường, Chà vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, với tổng nguồn vốn 1,4 tỷ đồng. Anh Quàng Văn Choi, Trưởng bản Na Sang, cho biết: “Để quản lý công trình thật tốt, bản cử người bảo vệ, quản lý công trình nước sinh hoạt. Nhiệm vụ của người bảo vệ là theo dõi đường ống dẫn nước, khi có sự cố kịp thời báo cáo trưởng bản để có biện pháp xử lý. Thường xuyên nhắc nhở người dân thu dọn vệ sinh khu vực bể chứa nước; khi phát hiện bể chứa nước có sự cố, người quản lý chủ động xử lý. Để có nguồn kinh phí sữa chữa, dân bản thống nhất mỗi đầu người đóng góp 500 đồng/tháng. Số tiền đó giao cho người bảo vệ quản lý, hàng tháng có báo cáo kinh phí sửa chữa”.

Những nội quy này đã được bà con nghiêm túc chấp hành. Bà Quàng Thị Nhung, bản Na Sang chia sẻ, được Nhà nước đầu tư xây dựng đưa nước về bản, đồng bào rất phấn khởi. Hàng tháng gia đình đóng góp 3.000 đồng vào quỹ sửa chữa công trình nước sinh hoạt.

Ông Lò Văn Sơ là người được dân bản bầu làm công tác bảo vệ công trình nước sinh hoạt của bản, ông nói: ” Được dân bản tin tưởng cử bảo vệ công trình, tôi coi đây là trách nhiệm lớn. Để công trình luôn đảm bảo thông nước, ngoài kiểm tra, theo dõi tuyến đường ống dẫn nước và các hạng mục khác, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là trẻ em không để trâu phá hoại công trình Nhà nước”.

Để mỗi công trình đem lại lợi ích thiết thực, trước hết là nói đến vai trò của ban giám sát cộng đồng địa phương, sau đó là chất lượng xây dựng và cuối cùng là ý thức quản lý, bảo vệ công trình của người dân.

Những ngày cuối năm 2007, người dân bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng vui mừng đón nhận công trình nước sinh hoạt cộng đồng, trị giá 1,3 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư xây dựng. Ngay từ những ngày đầu mới đưa vào sử dụng, Trưởng bản Co Sáng Lò Văn Dung đã xác định hiệu quả của công trình phụ thuộc vào ý thức người hưởng lợi, do đó bản đã cử người bảo vệ và khi xảy ra hư hỏng, đề xuất với chính quyền sửa chữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những bản làng biết bảo quản công trình nước sạch giúp cho bà con được hưởng lợi dài lâu thì cũng có nhiều bản sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt, đã bỏ bê công tác bảo vệ, không nâng cao ý thức của người dân khiến công trình không phát huy hiệu quả.

Có mặt tại bản Nong Liếng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo. Bản Nong Liếng cũng từng được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt trị giá hàng trăm triệu đồng. Vậy mà đến nay công trình đã hư hỏng, xuống cấp và không còn nước. Trưởng bản Lò Văn Pâng dẫn đến khu vực đầu nguồn, tại đây ống dẫn nước bị vỡ, đất, đá vùi lấp, do trâu, bò dẫm nát và phóng uế mất vệ sinh. Dọc tuyến đường ống dẫn nước cũng bị vỡ, bể chứa nước lâu ngày không phát dọn, cây cối mọc um tùm, thậm chí rác thải vứt bừa bãi xung quanh; nước không chảy về tới bản là do đường ống bị tắc.

Thiết nghĩ, để mỗi công trình nước sinh hoạt phát huy hiệu quả lâu dài, chính quyền địa phương và đồng bào cần xác định rõ nhiệm vụ, gắn sử dụng với công tác tự quản lý, tạo nguồn kinh phí để sữa chữa, duy tu thường xuyên.