Hà Tây: Giải quyết ô nhiễm môi trường phải từ gốc

Phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang phát triển trang trại, đô thị hoá nông thôn đang là xu thế tất yếu được thực hiện ở Hà Tây. Những năm gần đây với nhiều cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư, nhờ vậy bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ nét. Nhưng mặt trái của sự phát triển đó là sự ô nhiễm môi trường, tác động đến sức khoẻ của nhân dân, đó là “nước đổi màu” về mùa khô ở các dòng sông Đáy, sông Nhuệ…

Nhớ lại cách đây hơn chục năm trên dòng sông Đáy, sông Nhuệ dù mùa hè hay mùa đông nguồn nước vẫn trong xanh, thanh thiếu niên các làng xã ven sông thường rủ nhau ra sông tập bơi, tắm táp, gánh nước về dùng… Những người lái thuyền bồng bềnh trên sông câu cá thật thú vị; từ thi vị của dòng sông mà đã có một số đồng chí lãnh đạo của ngành chức năng có ý tưởng xây dựng tour du lịch trên sông Nhuệ. Ấy vậy mà chỉ vài năm lại đây dòng sông đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Trên địa bàn Hà Tây dọc 2 bên ven bờ sông Đáy, sông Nhuệ có hàng trăm nhà máy, làng nghề đang hoạt động, theo đó là nguồn nước thải công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt đều đổ vào dòng sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và thẩm thấu nguồn nước ngầm, ảnh hưởng tới sức khoẻ và sản xuất của nhân dân thuộc lưu vực sông này.

Qua kết quả xét nghiệm của cơ quan thẩm quyền, nhiều mẫu nước sông cho thấy các chỉ tiêu hoá, lý và vi khuẩn độc hại đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép rất cao. Chỉ tính hơn 40 cây số chiều dài sông Đáy trên địa bàn tỉnh đã có hơn 50 làng nghề thủ công đang gây ô nhiễm; chủ yếu các làng nghề chế biến nông, lâm sản, kim khí, dệt nhuộm lụa, vải, dệt nhuộm thảm. Đó là làng nghề kim khí Phùng Xá (Thạch Thất), các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ nước thải xả ra mương máng chảy vào dòng sông Đáy.

Những năm gần đây cứ vào cuối mùa thu gió heo may lành lạnh, khí hậu chuyển khô hanh, ít mưa đã làm cho nguồn nước của hầu hết các dòng sông cạn dần. Trên địa bàn Hà Tây nhiều đoạn cuối nguồn sông Nhuệ thuộc địa bàn một số xã Cự Khê, Mỹ Hưng…(Thanh Oai), Tân Dân, Chuyên Mỹ… (Phú Xuyên), nhánh sông Vân Đình (Ứng Hoà) và từ giữa đến hạ nguồn dòng sông Đáy nguồn nước cạn kiệt, ai đi qua các dòng sông trên đều nhìn thấy dòng nước có màu xanh đen, có đoạn nước như đặc sệt, bốc mùi hôi thối, đến con tôm, con cá dưới sông cũng khó sống được dưới dòng sông ô nhiễm.

Nguồn ô nhiễm chủ yếu là từ các nhà máy, doanh nghiệp (DN) làng nghề có nhiều nước thải độc hại như chất tẩy, nhuộm của làng dệt lụa Vạn Phúc, nhà máy len nhuộm Hà Đông, Công ty sơn, nhà máy cơ khí…chiếm tới 2/3 tổng số DN và 100% số hộ sản xuất tại các làng nghề đều đổ nước ra cống rãnh, kênh mương, nguồn chất thải, hoá chất không qua xử lý đã chảy ra sông.

Theo kết quả phân tích mẫu nước sông Đáy của cơ quan chức năng cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, các mẫu nước hầu hết đều có thành phần hoá học thuộc các nhóm Nitơ, ô xy hoá học, nhóm nguyên tố vi lượng vượt gấp 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất là khu vực làng nghề cơ khí, ở đây kết quả xét nghiệm cho thấy BOD5 tạp chất và vi khuẩn là 186 mg/lít nước, vượt quá tiêu chuẩn cho phép hơn 7 lần; COD là 611mg/lít, (vượt 6 lần); hàm lượng chất rắn lơ lửng là 96mg/lít…Tại các làng nghề chế biến nông sản như Cộng Hoà, Tân Hoà (Quốc Oai), Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức) chuyên sản xuất chế biến tinh bột làm miến từ dong riềng; chế biến tinh bột từ sắn để sản xuất nha, chế biến bánh phở, bún, mì sợi khô… mỗi làng thải ra môi trường từ 300-500m3 nước thải/ngày và hàng chục tấn bãi thải, chưa kể một lượng rất lớn chất thải từ chăn nuôi.

Đi tới đầu các làng có chế biến nông sản hẳn ai cũng ngửi thấy mùi đặc biệt rất khó chịu. Dưới các con mương thì có màu nước đen xì, mùi hôi nồng nặc, lượng vi khuẩn gây bệnh trong nước nhiều, điển hình vi khuẩn coli gây bệnh tiêu chảy vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5-10 lần. Tại các khu vực làng nghề xã Cộng Hoà, Minh khai hàm lượng cyanua đo được là 1,84mg/lít, vượt tiêu chuẩn cho phép 37 lần. Các nguồn nước thải làng nghề này đã thẩm thấu vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nông thôn; không những vậy nước thải này chảy ra ruộng làm cho lúa bị hỏng (lốp lá) vào ao hồ làm cá tôm bị chết. Đặc biệt nhóm nguyên tố vi lượng sắt, đồng, thuỷ ngân vượt giới hạn cho phép có ở nhiều đoạn sông, từ huyện Đan Phượng đến Mỹ Đức.

Đã có nhiều nghiên cứu điều tra về sự ô nhiễm, thực tế cho thấy từ năm 2000 lại đây, các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển với tốc độ quy mô lớn, nhưng việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường thì chưa được quan tâm, mọi chất thải từ dầu mỡ, hoá chất, chất tẩy rửa, nhuộm hấp tất tật được đổ ra cống rãnh, kênh mương, cuối cùng là chảy ra sông. Điều đáng nói là 2003 lại đây tốc độ chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển công nghiệp nhanh, nhiều dự án xây dựng đưa trình duyệt xin thuê đất đầu tư thì có công nghệ xử lý môi trường, nhưng thực tế khi xây dựng để đi vào sản xuất thì phần vốn đầu tư xử lý chất thải, nước thải lại để làm sau.

Một số DN đưa chất thải ra mương chảy vào ruộng gây chết lúa, gây viêm nhiễm da cho nông dân dẫn đến bị dân phản đối, lúc đó DN mới bắt đầu xây dựng phần xử lý chất thải. Hiện có hàng trăm làng nghề và DN, bệnh viện nằm gần các dòng sông Nhuệ, sông Đáy, sông Vân Đình đang làm cho các dòng sông phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm của một số nhà máy, DN, cơ quan chức năng đã phải xử lý bằng cách phạt hàng trăm triệu đồng; nhưng tai hại là không buộc ngừng sản xuất nên sau khi nộp phạt DN vẫn tiếp tục xả nước thải chảy xuống dòng sông.

Trước tình trạng báo động ô nhiễm môi trường hiện nay, Nhà nước đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường; để tăng cường bảo vệ môi trường; nhiều địa phương đã ban hành quy chế bảo vệ môi trường, kèm theo mức xử lý phạt hành chính. Một thực tế chúng ta đang gánh chịu hậu quả của sự ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt, nước ngầm làm cho hệ thống giếng khoan, giếng làng trên nhiều địa bàn tỉnh ô nhiễm nghiêm trọng, đang gây cho hàng trăm ca mắc tiêu chảy cấp, do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Đã đến lúc mọi người, mọi cấp, mọi ngành cần tự giác nâng cao trách nhiệm, vào cuộc đấu tranh với tác nhân gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khoẻ cho chính mỗi chúng ta.