Để lũ thủy điện không còn hại dân

ThienNhien.Net – Với lũ thủy điện, không có chuyện bị động trước thảm họa, không “cá cược” với an toàn của người dân, càng không chấp nhận thủy điện vô can khi thảm họa xảy ra.

Sau những đợt mưa lũ kép xảy ra ở miền Trung những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng phải truy cứu trách nhiệm thủy điện vì xả lũ ồ ạt. Tuy nhiên, kết luận của các cơ quan quản lý là thủy điện đã làm đúng quy trình. Tại nhiều nước khác trên thế giới, thủy điện phải có cơ chế ứng phó khẩn cấp nếu xuất hiện lượng mưa lớn ngoài tầm dự báo.

Khi an toàn, lợi ích của dân bị “đánh cược”

Trên thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu điện và thủy điện là nguồn năng lượng quan trọng, khả thi về kinh phí, kỹ thuật, nhân lực… so với nhiệt điện, phong điện hay điện hạt nhân. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam có đến 195 dự án thủy điện hoạt động với tổng công suất lên đến 11.000 MW, chiếm khoảng 36% nhu cầu về điện quốc gia. Những thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang còn góp phần điều tiết nguồn nước, giảm thiểu tác hại của lũ thượng nguồn cho hạ lưu.

Đáng tiếc, thời gian qua hình ảnh thủy điện đang bị xấu đi trong mắt người dân khi những báo cáo tác động môi trường so với lợi ích thủy điện đem lại chênh lệch quá lớn. Đặc biệt là hậu quả từ việc xả lũ không tính toán đã khiến thủy điện trở thành nỗi lo canh cánh, là cơn ác mộng cướp mất tài sản, tính mạng của người dân.

Đập thủy điện John C. Boyle, một trong bốn con đập khổng lồ mà Mỹ đã quyết định phá bỏ do gây hại đến loài cá hồi, tạo ra tảo độc ảnh hưởng đời sống người dân khu vực sông Klamath (Ảnh: En.Wikipedia.com)
Đập thủy điện John C. Boyle, một trong bốn con đập khổng lồ mà Mỹ đã quyết định phá bỏ do gây hại đến loài cá hồi, tạo ra tảo độc ảnh hưởng đời sống người dân khu vực sông Klamath (Ảnh: En.Wikipedia.com)

Cuối cùng, sau tất cả tác hại hiển nhiên trong đợt lũ thủy điện vừa qua tại Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… các nhà quản lý đã phải đặt ra vấn đề xem xét lại quy hoạch xây dựng thủy điện nói chung và quy trình xả lũ nói riêng. Việc làm này là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được từ việc học tập nước bạn bởi Việt Nam đã đi sau khá lâu cả về phát triển thủy điện lẫn quản lý nguồn năng lượng này.

Na Uy: Không có chuyện thủy điện vô can

Tại Na Uy, mọi quy trình hoạt động của thủy điện phải dựa trên tác động thực tế đến an toàn và lợi ích của người dân. Tại đây, các đập thủy điện bất kể của tư nhân hay do chính phủ quản lý đều phải chịu sự quản lý chặt chẽ từ Cơ quan Quản lý Nguồn nước và Năng lượng Na Uy.

Theo đó, mọi hoạt động tích nước, xả lũ, kiểm tra, sửa chữa… đều tuân thủ theo kế hoạch hết sức đồng bộ và khoa học. Các kế hoạch này nhằm khống chế việc xả lũ bất hợp lý, xả lũ trong tình trạng gây mất an toàn cho người dân hạ nguồn. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc giám sát, xử lý thủy điện nhằm đảm bảo mọi đập thủy điện đều thực hiện đúng các quy định về an toàn. Chính điều này đã giúp Na Uy tránh được những cơn lũ bùn khủng khiếp.

Đáng nói nhất là dù thủy điện đã làm đúng quy trình, song pháp luật Na Uy có quy định rõ các đập phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho người dân. Nếu làm đúng quy trình nhưng vẫn để xảy ra tác hại, nhà quản lý thủy điện sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.

Canada: Chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó khẩn cấp

Việc thủy điện xả lũ đồng loạt khiến khu vực miền Trung bị nhấn chìm trong nước là một minh chứng cho việc thiếu diễn tập ứng phó với trường hợp khẩn cấp. Do không có kịch bản xử lý nên các thủy điện không còn cách nào khác là xả lũ khi lượng mưa tăng cao đột ngột. Dù có đúng quy trình thì quy trình đó cũng chỉ bảo vệ được bản thân thủy điện, trong khi vùng hạ du hoàn toàn phải… lãnh đủ.

Dù xả lũ có đúng quy trình nhưng nếu gây hại đến người dân thì không có chuyện “thủy điện vô can” (Ảnh minh họa: En.Wikipedia.com)
Dù xả lũ có đúng quy trình nhưng nếu gây hại đến người dân thì không có chuyện “thủy điện vô can” (Ảnh minh họa: En.Wikipedia.com)

Tại Canada, một trong những cường quốc về thủy điện, chưa từng xảy ra trường hợp xả nước ngoài dự kiến như vậy, dù hằng năm nước này phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt rất lớn do lượng nước khổng lồ từ băng tan. Điển hình, bang British Columbia ban hành đạo luật Nước (Water Act) quy định rõ: Đập thủy điện muốn hoạt động phải trải qua cuộc kiểm tra gắt gao của các cơ quan chuyên trách. Trong quá trình hoạt động, phải báo cáo định kỳ theo quy định cho cơ quan quản lý về hiện trạng của đập, đất đai, cảnh quan… tất nhiên là cả kế hoạch tích – xả nước. Các quy định đều hết sức chi tiết và cụ thể cho từng loại đập từ cách phân loại đến kỳ hạn nộp báo cáo, kiểm tra.

Đặc biệt, Water Act yêu cầu các công trình trên phải xây dựng một kịch bản đối phó với các tình trạng khẩn cấp. Kế hoạch này phải được kiểm duyệt và diễn tập thường xuyên, tuyên truyền cho tất cả người dân trong vùng ảnh hưởng.

Mỹ: Thẳng tay phá bỏ đập khổng lồ

Từ năm 1977, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) đã được thành lập. Với khả năng kiểm soát đầu vào hiệu quả và kỷ luật của FERC, các dự án thủy điện được thông qua có đầy đủ các biện pháp an toàn, bảo vệ cho môi trường xung quanh. Kiểm soát lũ được xem là công việc quan trọng trong việc quản lý thủy điện.

Dù thủy điện là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho quốc gia nhưng Mỹ rất mạnh tay trong việc ưu tiên bảo vệ môi trường. Điển hình, sau khi phát hiện ra thủy điện làm chết các loài thủy sản, cá quý trên các con sông, chính phủ nước này đã ban hành Đạo luật các loài nguy cấp nhằm bảo vệ đa dạng loài trước tác động của thủy điện.

Ở Mỹ, từ những năm 1990, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bruce Babbitt với chiếc búa tạ trong khi đi thị sát các đập thủy điện đã bổ những nhát búa đầu tiên mở màn cho chiến dịch phá bỏ các đập thủy điện, mở đường cho các con sông chảy tự do. Trong vòng 10 năm kể từ năm 2000, nước này đã cho phá bỏ 430 đập lớn, nhỏ; đến năm 2013, con số này đã lên tới hơn 1.000 đập. Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ của Mỹ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD.

Nhìn xa hơn để có điện mặt trời 

Năm 2011, dự án đầu tiên về sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam do tập đoàn First Solar (Mỹ) thực hiện có vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD. Tuy nhiên, theo thông tin từ First Solar, chi phí sản xuất quá cao khiến họ không thể cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Trước nhiều khó khăn từ kinh phí, chính sách đầu tư, mô hình Hợp tác công tư (PPP) được xem là giải pháp cho điện mặt trời Việt Nam. Chính phủ cần hướng tới giải pháp phân tích chi phí – lợi ích (CBA), xác định và thiết lập cấu trúc vốn cho dự án PPP một cách hợp lý để phát triển điện mặt trời.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tận dụng khả năng bán quyền phát thải khí cacbon để tạo nguồn tài chính mới. Giá trị từ hoạt động này cho phép nhà đầu tư điện mặt trời tiết kiệm hàng triệu USD.

Chuyên gia năng lượng Christian de Gromard (Cơ quan Phát triển Pháp – AFD) cho rằng Chính phủ Việt Nam nên thiết lập một mức giá cố định, xác lập trên cơ sở cân đối biểu giá giữa các loại năng lượng để tạo ra sự an tâm cho nhà đầu tư trong dài hạn.