Cuộc tổng tấn công lâm tặc ở Quảng Nam: Gỗ lậu phải bắt… tận tay

Đây là đợt cao điểm của cuộc tổng tấn công lâm tặc lớn nhất từ trước đến nay nhằm lập lại trật tự lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng được tỉnh Quảng Nam đánh giá là "hết sức phức tạp, kéo dài, làm mất uy tín của Đảng, chính quyền địa phương, mất niềm tin của nhân dân". Chỉ trong vòng 1 tháng, cuộc tổng tấn công đã lập kỷ lục bắt giữ gần 500 vụ với gần 1.000m3 gỗ lậu.

“Chợ gỗ lậu” Đại Lộc

Tờ mờ sáng, nhân viên kiểm lâm đã nhảy lên canô đột kích vào “bến gỗ lậu” Câu Lâu thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn vốn là điểm cuối của con đường gỗ lậu từ nguồn về xuôi theo đường sông lớn Vu Gia-Thu Bồn. Bến gỗ lậu vắng hoe không một súc gỗ để “rửa mắt”. Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh không ngạc nhiên: “Trên nguồn đã chặn bắt hết gỗ lậu rồi nên bến vắng là phải”.

Huyện Đại Lộc được xem là chợ gỗ lậu lớn nhất tỉnh, là điểm tập kết gỗ lậu từ các huyện nóng Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang theo cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Có mặt đúng lúc Hạt kiểm lâm huyện đang bắt giữ gỗ lậu ở bìa rừng tại Trường An xã Đại Quang và trên sông Vu Gia tại Nghĩa Tân xã Đại Nghĩa.

Các kiểm lâm viên Bùi Tấn Gia, Phan Xuân Lân vác súng, tịch thu gỗ, bảo: “Bữa ni lâm tặc chuyển sang đánh lẻ. Chúng lén lút vào rừng hạ gỗ rồi chuyển bằng xe bò ra bìa rừng thì bị phát hiện bắt giữ. Còn trên sông, chúng đi từng bè nhỏ đẩy bộ chứ không kẹp ghe, nhưng vẫn bị phát hiện”. Ông Lê Văn Đi, cán bộ hạt KL cho một con số thống kê “sơ sơ” chỉ trong tháng 04/2008, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ gần 150 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ gần 300m3 gỗ các loại.

Ngay phía trên Hoà Hữu, dọc QL 14B, tại thôn Tân Đợi xã Đại Sơn, “rình” thấy một xe tải nhẹ từ hướng huyện Nam Giang giáp ranh ngay phía trên chạy vào xưởng cưa Công ty TNHH Hoàng Ty. Cổng xưởng đóng kín, trèo lên đồi, nhìn xuống, thấy cảnh gỗ trên xe được xả bớt xuống, rồi xe tải tiếp tục chạy về xuôi, vẫn còn chở gỗ, ngang nhiên vượt qua trạm kiểm soát có barie của đội kiểm soát liên ngành đóng ngay phía dưới, phụ xe nhìn vào trạm kiểm soát cười cười với ai.

Ông Quang yêu cầu đội liên ngành rượt theo. Xe gỗ phát hiện “xe lạ” phía sau, bèn chạy như điên, đường quanh co dốc núi, nhưng rồi vẫn bị chúng tôi “tóm gọn”.

Ông Quang tiếp tục mở cuộc kiểm tra xưởng gỗ Công ty Hoàng Ty. Gỗ có dấu búa kiểm lâm chất chình ình phía trước sân. Vòng ra đồi phía sau xưởng. Đây rồi, những đống gỗ ngụy trang cỏ dại, ém chặt dưới lòng mương sâu. Đại uý công an huyện Trần Phước Bá, Đội trưởng đội liên ngành lật lên, gỗ súc xếp lớp, không dấu không má, đích thị gỗ lậu, ước gần chục khối. Phía trong nhà xưởng, phát hiện thêm nhiều gỗ đã xẻ đều bị “cắt đầu”, không một dấu búa kiểm lâm.

 
Gỗ lậu, xe lâm tặc thu giữ chất đống kín Hạt kiểm lâm Đại Lộc.

“Tử huyệt” Dốc Kiền

Dốc Kiền – nơi có trạm barie của đội kiểm soát lâm sản liên ngành chặn trên tuyến đường 405, thuộc xã Ba huyện núi Đông Giang, giáp ranh với TP.Đà Nẵng. Đây là trạm barie “yết hầu” trên con đường gỗ lậu về xuôi. Ngay chân Dốc Kiền cách trạm chừng vài trăm mét, là Máng Lao thuộc TP.Đà Nẵng.

Tại đây, ngay phía taluy dương bên đường, sờ sờ trước mắt cái máng dốc đứng nhẵn thín do hàng chục năm qua lâm tặc lao gỗ từ trên rừng thuộc Quảng Nam xuống đường thuộc TP.Đà Nẵng. Địa danh Máng Lao “chết tên” từ đó. Xã Ba cũng từng được mệnh danh là xã phá rừng vô địch Quảng Nam, và đã “hoàn thành chỉ tiêu phá rừng” từ cách đây 7-8 năm, nên người dân trong xã phải kéo đi phá rừng ở các xã khác.

Trời vừa tối, giấu xe, ngồi rình phía trên trạm. Một xe tải lớn chở đầy gỗ nhỏ chạy trước thẳng xuống trạm. Đến trạm, ông Quang yêu cầu đội liên ngành dừng xe gỗ kiểm tra. Không phát hiện gỗ lậu. Ông Quang chỉ phát hiện 2 cán bộ trong đội liên ngành lén ra phía sau trạm gọi điện thoại liên tục quát tháo ai đó có câu “ra lệnh không được xuống nữa”.

Quả nhiên, sau đó, khi rình ngay bên Máng Lao đến nửa đêm cũng chẳng có xe nào chở gỗ lậu hạ sơn. Trạm này bắt đầu chặn bắt gỗ từ ngày 14/03 đến nay nhưng chỉ bắt được vẻn vẹn 20 khối gỗ. Trung tá công an huyện Nguyễn Quang Cảng, Đội trưởng đội liên ngành lắc đầu nói mãi một điều “bất lực” trước cảnh chuyển gỗ lậu ở Máng Lao.