Việt – Mỹ bàn về vệ sinh an toàn thực phẩm

Gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm 3 nước Indonesia, Singapore và Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Mỹ Mike Leavitt cho biết, Mỹ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

An toàn của hàng nhập khẩu, trong đó có vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề mới được Bộ trưởng Y tế Mỹ nêu ra và dành nhiều thời gian thảo luận với Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế trong thời gian ở thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Leavitt đến 3 nước châu Á lần này cũng nhằm thúc đẩy cho Kế hoạch hành động về An toàn hàng hóa nhập khẩu được trình lên Tổng thống Mỹ tháng 11/2007. Với Việt Nam, Mỹ đang bắt đầu thảo luận về việc hợp tác trong vấn đề này.

Phía Mỹ mong muốn đà hợp tác kinh tế – thương mại không bị ảnh hưởng do vấn đề liên quan chất lượng hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng.

“Điều phía Mỹ quan tâm là vấn đề an toàn thực phẩm, không phải câu chuyện về thương mại”, người đứng đầu Bộ Y tế Mỹ khẳng định khi đề cập đến việc kiểm định chất lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

“Thông điệp rõ ràng của Mỹ là nếu các nhà sản xuất muốn tiếp cận thị trường Mỹ thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn Mỹ”. Tuy nhiên, ông cho rằng, cũng cần chú ý tiêu chuẩn quốc tế trong vấn đề này. “Rất khó để có thể sản xuất hàng hóa đáp ứng
nhiều loại tiêu chuẩn khác nhau”.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét, thảo luận về dự luật mới liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, theo ông Leavitt, đây là thời điểm thích hợp để đưa ra thảo luận. “Việt Nam đã tiếp nhận với thái độ tích cực và tinh thần hợp tác”, ông Leavitt nói.

Theo Kế hoạch hành động, Mỹ vạch ra một chiến lược mới, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ ngay từ trước khi nó được đóng gói, không phải kiểm soát ở biên giới nước Mỹ như hiện nay.

Mỹ sẽ xem xét cho phép ủy quyền cho các tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa độc lập. Những mặt hàng được các tổ chức này cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Mỹ sẽ được nhập khẩu vào Mỹ dễ dàng, còn nếu không sẽ phải trải qua quá trình kiểm soát gắt gao, thậm chí phải qua xét nghiệm, ông nói.

Mô hình này đã bước đầu áp dụng ở một số nước. Ông kể, khi đến thăm một trang trại trồng ớt tại Ấn Độ, ông thấy đính kèm theo những gói ớt thu hoạch là các thông tin viết tay về việc nơi sản xuất, người bán và ngày thu hoạch ớt. Các thông số này được ghi theo yêu cầu của người chế biến, và người này đang thực hiện theo quy định của một nhà bán lẻ Mỹ tuân thủ quy định về chất lượng hàng hóa của một tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng độc lập.

Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng, trong tương lai EU cũng sẽ áp dụng phương thức cấp giấy chứng nhận này, và Việt Nam cũng có thể áp dụng. “Nếu nhà cấp giấy chứng nhận độc lập không thực hiện đúng trách nhiệm, cấp giấy cho nhà sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn, họ sẽ ngay lập tức bị rút giấy phép. Chúng ta sẽ dần tiến đến một hệ tiêu chuẩn chung toàn cầu”.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Leavitt trao đổi về việc hợp tác trong giảm thiểu sự lây lan của cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác. Trong đó, Mỹ đặc biệt quan tâm việc chia sẻ mẫu bệnh phẩm cúm gia cầm và thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến sản xuất vaccine.

Hiện Mỹ đã xác định Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong việc phòng chống và ứng phó với dịch cúm, do đó đã cung cấp ngân sách và chuyên gia cho các nỗ lực này. Mỹ cũng đang hỗ trợ việc phòng chống HIV/AIDS thông qua các chương trình như Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống (PEPFAR). Việt Nam là một trong số 15 quốc gia trọng tâm của Kế hoạch này.