Sắm tết từ tiền hỗ trợ tái định cư

ThienNhien.Net – Nghịch lý này đang diễn ra tại địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo đó, hàng ngàn người dân các xã: Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh và Kỳ Lợi sau khi nhận tiền hỗ trợ tái định cư (TĐC) đã đua nhau đi mua sắm các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt gia đình từ xe máy, máy tính đến bàn ghế, quần áo… để đón Tết. Không chỉ đồng tiền dành cho TĐC đã không được sử dụng đúng mục đích mà việc tiêu tiền như “được bạc” của người dân địa phương còn làm tăng vi phạm an toàn giao thông (ATGT) và các tệ nạn xã hội.

Tháng 12/2008, Hội đồng đền bù TĐC, giải phóng mặt bằng dự án liên hợp luyện thép và cảng biển nước sâu Sơn Dương (dự án FOMOSA) tiến hành chi trả 551 tỷ đồng cho 3.449 hộ có đất nông nghiệp trong vùng dự án bị ảnh hưởng thuộc các xã trên. Mỗi hộ nhận từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng tiền đền bù, tùy diện tích đất bị thu hồi. Hàng nghìn người dân ở vùng đất được mệnh danh “chảo lửa túi mưa” quanh năm nghèo khó, nay bỗng dưng có rất nhiều tiền, bởi vậy việc đầu tiên là dùng tiền đi mua sắm Tết.

Ông Trần Xuân Phương, Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh cho biết: Từ ngày 1 đến 10/01/2009, Chi cục Thuế huyện Kỳ Anh thu thuế trước bạ xe máy đạt trên 300 triệu đồng so với tháng cao điểm trước đó chỉ đạt 60 triệu đồng. Đa số người dân đến làm thủ tục thuế trước bạ xe máy là người được nhận tiền đền bù, hỗ trợ TĐC.

Ông Trần Ngọc Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại I Hà Tĩnh cho biết: mỗi ngày cửa hàng bán xe máy tại Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh bán được 90 đến 100 chiếc xe, khách mua đa phần ở huyện Kỳ Anh, có nhà mua hai xe. Ngoài ra, các cửa hàng bán điện thoại di động, đồ gỗ, đồ nội thất có lượng hàng tiêu thụ rất lớn. Chị Trần Thị Thu, tiểu thương tại chợ Kỳ Anh còn cho biết: Trong những ngày này chúng tôi bán rất nhiều quần áo, người dân mua hàng không cần mặc cả, mua một lúc vài, ba bộ.

Do lượng xe máy tăng đột biến, tình trạng mất trật tự ATGT ở huyện Kỳ Anh cũng tăng đột biến. Từ cuối tháng 12/2008 đến đầu tháng 1/2009, Công an huyện Kỳ Anh đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm như: chở người quá quy định, không có giấy phép lái xe…chưa kể tình trạng lạng lách, đánh võng ở nông thôn cũng trở nên phức tạp. Hiện tượng thanh niên tụ tập tổ chức uống rượu, đánh bạc khá phổ biến, buộc Công an huyện phải bố trí thêm lực lượng về các địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm ATGT, tệ nạn bài, bạc… ở vùng dự án.

Để có mặt bằng triển khai dự án liên hợp luyện thép và cảng biển nước sâu Sơn Dương tại Kỳ Anh, chủ đầu tư dự án FOMOSA và chính quyền địa phương đã chi trả một số tiền lớn giúp người dân giải quyết việc làm, ổn định đời sống. Đáng tiếc là mục đích TĐC cho người dân chưa được thực hiện đã xảy ra chuyện nghịch lý nêu trên. Nên chăng các cấp chính quyền, đoàn thể ở Kỳ Anh cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để sử dụng đồng tiền đúng mục đích.