Rừng… hoá đá

Một dải rừng keo thuộc các xã Đồng Sơn, Mỹ Thuận, Thu Ngạc, Thu Cúc huyện Tân Sơn, Phú Thọ trải dài đến tận Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La đồng loạt… trút lá. Cây khô ngọn, đầu cành nám đen như chết cháy. Tính mật độ đông đặc, diện tích rừng keo bị chết lên tới gần ngàn rưỡi hecta…

Khánh kiệt Đèo Mương

Theo chân đoàn cán bộ Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn tôi tìm đến thôn Đèo Mương, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn- nơi tập trung gần 200 ha rừng “khô lá”. Suốt dọc đường đi, phía hai bên triền núi, keo chết rải rác từng cụm, từng cụm. Núi rừng không còn dáng vẻ mềm mại xanh ngắt mà đang dần chuyển sang màu xám xịt, loang lổ.

Ông Hà Xuân Nghìn – Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn khuẩy tay chua xót nói: “Rừng đang thì con gái, xanh mơn mởn. Nhiều khoanh rừng đã sang tuổi thứ 5, chỉ đợi 3 năm nữa thôi là đến chu kì khai thác vậy mà ào một cái, mỗi hộ gia đình mất trắng 6-7 ha rừng. Cá biệt có những hộ dân mất một lúc tới 20 ha rừng”. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm 2008, người nông dân ở Đèo Mương phải gánh chịu tổn thất do thiên tai.

Tân Sơn là huyện vùng cao của tỉnh Phú Thọ, thôn Đèo Mương lại nằm trên đỉnh cao nhất của huyện Tân Sơn, quanh năm 4 mùa sương phủ. Mùa rét vừa qua, ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn được ghi nhận với hình ảnh “cổng băng, đường tuyết” thì tại thôn Đèo Mương cũng có trâu “đá”, mạ “đá” và hàng trăm ngàn cây keo “hoá đá”.

Khi sương giá tan đi, trâu đã chết, mạ đã chết, rừng là khoản tích luỹ, là niềm hy vọng duy nhất còn lại của người nông dân nơi đây. Còn rừng thì còn cơ hội, mất nốt rừng là tay trắng. Vậy nên khi những cánh rừng khật khừ “cảm cúm” cả thôn Đèo Mương như cùng lên cơn sốt, ngày ngày rủ nhau đi xem rừng.

Trồng cây sắp đến ngày thu hoạch, biết bao năm trông đợi, biết bao mồ hôi công sức đắp đổi mà giờ chỉ biết nhìn cây ngậm ngùi: Lá keo như được nhấc ra từ trong tủ lạnh, héo rũ và quắt queo, thân cây dần biến sắc, chuyển hẳn sang màu xanh mốc, khô cứng từ bên trong…

“Mất hết rồi!”- đứng giữa rừng keo trơ trụi lá ông Phùng Đức Thọ, xóm Động, thôn Đèo Nương, nghẹn ngào . Nhà ông có 7 con trâu thì đợt rét vừa qua đã cướp mất 4, giờ 9 ha rừng keo từ 4-6 tuổi cũng chết rũ trên 80%. Bao năm nay sống dựa vào rừng chưa khi nào ông gặp tình cảnh như thế này.

Chỉ 2 – 3 năm nữa thôi giá trị mỗi ha rừng sẽ được 50 triệu đồng, trừ 50% phần của công ty cộng thêm 5 triệu tạm ứng khi trồng rừng, ông Thọ sẽ thu lợi 20 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận 9 ha rừng đem lại là 180 triệu đồng. Trong thoáng chốc toàn bộ tài sản ki cóp mấy năm trời vụt tiêu tan như ảo ảnh.

Tổng số trâu bò chết của thôn Đèo Nương trong đợt rét lên đến trên 100 con. Núi cao, ruộng ít, người lại đông. Sống dựa vào nông nghiệp nhưng mỗi khẩu không được nổi một sào ruộng. Gia đình Nguyễn Văn Khéo, xóm 1 trồng 10 ha keo, trong đó có 5 ha trồng từ năm 2002. Gần 6 năm gia đình nhịn ăn, nhịn mặc để tập trung tâm huyết với rừng quyết để ra lưng vốn, thay đổi cuộc sống nghèo túng nhằng nhẵng đeo đẳng. Mơ ước cháy bỏng ấy của ông Khéo giờ cũng xám xịt, tàn lụi và héo úa như rừng keo phía sau nhà.

 
Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Mường Cơi… mùa “củi, lá”

Vượt qua Thu Cúc, Đèo Cón sang tới thị trấn Mường Cơi, huyện Phù Yên- Sơn La, ngang những công trường rầm rập khai thác gỗ mới thấy cái trớ trêu của tạo hoá, cùng là một dải rừng nhưng khoảnh bên sườn núi thì thu gỗ nguyên liệu giá trị bạc triệu, còn trên đỉnh núi cao chỉ cho thu “củi, lá”.

Năm 2004, Lâm trường A Mai triển khai trồng trên 600 ha rừng tại thị trấn Mường Cơi. Lần đầu tiên trồng rừng tại đây, chưa thoả thuận được với dân nên gần như toàn bộ diện tích rừng bị đẩy lên trồng trên đỉnh núi. Đợt rét vừa qua đã “thổi” bay cùng lúc trên 500 ha rừng. Lá rụng, bạt ngàn thân gỗ chết khô.

Hàng ngày cư dân địa phương được hưởng lợi từ việc vác gùi lên rừng lấy “củi”. Từ trên đỉnh núi, Ông Nguyễn Văn Đọ – Giám đốc Lâm trường A Mai phóng tầm mắt qua những sườn đồi trơ trọi lắc đầu tiếc rẻ: “Tổng thiệt hại của LT khá lớn, mất trắng khoảnh rừng ước chừng khoảng 5 tỉ đồng. Nhưng cũng không tiếc bằng giá trị gây dựng ở đây. Lần đầu tiên thất bại sẽ rất khó để vận động người dân hiểu giá trị của trồng rừng…”.

Hiện diện tích đất trống của riêng TT Mường Cơi còn đến trên 7.000 ha, gần gấp 3 diện tích mà Lâm trường A Mai đang khai thác. Triển khai 600 ha rừng tại Mường Cơi ngoài giá trị kinh tế, Ban GĐ Lâm trường còn có chiến lược mở rộng diện tích trồng rừng tại địa phương. Thời gian qua, cây rừng xanh tốt, giá gỗ nguyên liệu giấy khá cao có thể thấy rõ hiệu qủa kinh tế mang lại trong tương lai.

Tranh thủ mô hình rừng, Lâm trường (LT) đã thuyết phục chính quyền huyện, thị trấn và nhân dân trong vùng ủng hộ giao thêm đất cho LT và cùng kết hợp trồng rừng kinh tế. Cây gần đến chu kì thu hoạch, kế hoạch xin đất đang trên đà thuận lợi thì… cả 500 ha rừng mất trắng.