Yên Hưng (Quảng Ninh): Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây

Từ nhiều năm nay tại Yên Hưng nói chung và xã Liên Hoà nói riêng luôn xảy ra tình trạng bèo tây phát triển quá nhiều trên các tuyến kênh mương nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giao thông nội đồng và tiêu thoát nước. Tận dụng lợi thế tự nhiên này, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) đã thử nghiệm sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây và phụ phẩm nông nghiệp, và đã thu được kết quả tốt.

Do điều kiện tự nhiên nên Liên Hoà là một trong số không nhiều các xã hiện vẫn sử dụng giao thông nội đồng là hình thức vận chuyển chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Với chiều dài kênh mương 20 km (gồm kênh chính, kênh phụ) nhưng lượng bèo tây lên tới 20 kg/m2.

Trước sự phát triển quá mức của bèo tây vào mùa sinh sản, HTX Liên Hoà đã phải thuê nhân công dọn bèo tây với giá 2.000 đồng/m chiều dài kênh mương, tổng kinh phí khoảng 20 triệu đồng. Lượng bèo thu gom bị đẩy ra cống theo mương thoát ra sông hoặc thu thành đống bên bờ mương để bèo tự phân huỷ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa tạo điều kiện cho các loại chuột bọ phát triển.

Bên cạnh đó, trong những ngày thu hoạch lúa và hoa màu, bà con nông dân sau khi thu gom một số gốc rơm, rạ để làm thức ăn cho gia súc, phần còn lại được chất thành đống đốt phát sinh khói bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, giao thông và sức khoẻ của nhân dân trong vùng.

Làm thế nào để giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho nông dân đã trở thành nỗi trăn trở chung của các cấp lãnh đạo, các ngành. Mỗi lần xuống với dân, các cán bộ của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN) lại thấy tiếc khi nguồn lợi từ thiên nhiên không những bị bỏ phí mà còn trở thành gánh nặng cho người nông dân. Qua những kênh thông tin chuyên ngành, được biết quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây và phụ phẩm nông nghiệp do Công ty cổ phần Vi sinh Hà Nội chủ biên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Trung tâm đã mạnh dạn đề xuất và được lãnh đạo Sở KH&CN ủng hộ triển khai đề tài “ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây và phụ phẩm nông nghiệp” tại xã Liên Hoà, Yên Hưng.

Việc triển khai mô hình sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ từ bèo tây và phụ phẩm nông nghiệp theo quy mô hộ gia đình nhằm bảo vệ môi trường, tăng lượng phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được các hộ nông dân nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Đào Văn Thắng, xóm 7, xã Liên Hoà cho biết: “Vừa qua được cán bộ khuyến nông huyện và cán bộ của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHKT giúp đỡ gia đình tôi đã triển khai mô hình sản xuất phân vi sinh từ bèo tây. Nhà tôi có 15 sào ruộng và hơn 1 sào trồng rau màu. Sau khi bón phân vi sinh hữu cơ từ bèo tây theo quy trình được hướng dẫn cho rau màu, tôi thấy đất ruộng tơi xốp, rau phát triển đều, xanh và ít sâu hơn. Dùng phương pháp ủ phân hữu cơ vi sinh từ bèo tây đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được 1/2 chi phí từ mua phân urê và phân NPK”.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá chất lượng phân hữu cơ vi sinh, mặc dù chất lượng phân so với tiêu chuẩn Việt Nam có một số chỉ tiêu thấp hơn, một số chỉ tiêu gần đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng nếu được sử dụng làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ giúp bà con nông dân giảm một phần chi phí sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất, môi trường không khí do phải sử dụng nhiều phân hoá học, vừa có lượng dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Từ thực tế áp dụng mô hình tại xã Liên Hoà, nhiều hộ gia đình đang có kế hoạch tiếp tục ứng dụng công nghệ để tự tạo nguồn phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp.