Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 12)

"Biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất hàng chục nghìn km2 đất nông nghiệp, đồng nghĩa với khoảng 50% sản lương lương thực sụt giảm, vậy mà chúng ta đang lấy đất nông nghiệp tự phát, thiếu quy hoạch"- Chủ tịch Hội đồng Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển, TS Nguyễn Hữu Ninh bức xúc nói.

Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 1)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 2)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 3)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 4)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 5)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 6)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 7)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 8)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 9)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 10)
Nông dân mất đất: Câu chuyện đến hồi gay cấn! (Kỳ 11)

Ông đánh giá nào về nguy cơ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh lương thực Việt Nam (VN)?

Điều chắc chắn rằng nhiệt độ sẽ tăng, nước biển sẽ dâng. Kịch bản trung bình thì nước biển cũng dâng thêm 0,7- 1m. Như dự báo của quốc tế, nếu mực nước biển dâng 1m thì chúng ta bị mất 5% tổng diện tích đất nước. Đặc biệt là lại rơi vào 2 vùng đồng bằng. Nông nghiệp sẽ bị gánh chịu nhiều nhất. Bởi đất đai mất thì sản lượng lương thực sẽ giảm đi. Thậm chí, chúng ta có thể mất 50% sản lượng lương thực.

An ninh lương thực đối với bất kỳ nước nào cũng rất quan trọng. Nhất là đối với VN, khi 70% dân số còn sống tại nông thôn. Trong 20 năm đổi mới vừa qua chúng ta đã có bước nhảy vọt về sản xuất lương thực. Thế nhưng, quá trình công nghiệp hóa (CNH) đã lấy khá nhiều đất nông nghiệp. Nếu chúng ta có quy hoạch tốt, thì phải đưa công nghiệp lên những vùng đất cao, như tất cả các nước đã làm. Phải làm như vậy để bảo tồn đất nông nghiệp cũng như bảo tồn vùng dân cư sinh sống từ ngàn đời nay. Đáng buồn là tại VN không làm được như vậy…

Nếu như vậy, rõ ràng chúng ta phải quy hoạch lại việc sử dụng đất nông nghiệp?

Theo tôi được biết, chương trình mục tiêu quốc gia để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, mà Bộ TN- MT làm đầu mối xây dựng để trong qúy hai này trình Chính phủ, sẽ đề cập nhiều đến vấn đề SXNN. Rõ ràng, Chính phủ phải tính tới điều này. Chúng ta phải đưa vấn đề biến đổi khí hậu thành một nội dung quan trọng trong quá trình phát triển. Tôi vừa làm việc với Bộ KH- ĐT, họ cho biết, sẽ đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm và 10 năm tới.

Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản họ phát triển công nghiệp nhưng vẫn giữ được đất nông nghiệp, thưa ông?

Nhưng nước này đất nông nghiệp của họ không nhiều nên phải tuyệt đối không được xâm phạm. Thậm chí, họ còn đầu tư rất lớn để có những vùng đất SXNN. Nhật Bản có công nghệ trồng lúa nước rất tiên tiến với hệ thống chống thấm nước dưới lớp đất trồng lúa. Ở ta, các tỉnh đều làm quy hoạch theo ý muốn của mình, mặc dù có xin ý kiến TƯ. Vấn đề ở đây là ngân sách. Không phải là khoán ngân sách, nhưng các địa phương cũng phải lo phát triển cho chính mình.

Chúng ta đã không có quy hoạch dài hơi. Ngay Hà Nội, khu công nghiệp hiện nằm ngay sát cầu Thăng Long, sao không đưa lên Sóc Sơn hoặc xa hơn nữa. Nếu mở rộng Hà Nội thì rõ là khu công nghiệp nằm lọt vào nội thành. Hay khu công nghiệp Biên Hòa 1,2, 3 cứ làm tràn lan rồi cuối cùng thành phố bị bao quanh bởi toàn khu công nghiệp.

Có thể nói vai trò quy hoạch tổng thể của TƯ không có, thưa ông?

Chúng ta phải có cơ chế chính sách điều chỉnh hợp lý thì sẽ dung hòa được mâu thuẫn giữa lợi ích các tỉnh và TƯ. Chính phủ phải là người “cầm cân nảy mực” chuyện này. Các Bộ, ngành phải làm việc với các tỉnh để cùng nhau có tiếng nói chung, vì quyền lợi chung của đất nước. Ngoài ra, cần phải xét tới quan hệ đối tác “công- tư”, chúng ta phát triển thế nào thì cuối cùng cuộc sống của người dân phải được cải thiện.

Như vậy là đối với những tỉnh giữ đất phát triển nông nghiệp thì Nhà nước phải có chính sách đầu tư thỏa đáng cho họ?
Đúng như vậy! Để họ tồn tại và phát triển thì phải có chính sách về tài chính, kỹ thuật để các địa phương này đảm bảo cuộc sống cũng như phục vụ nhu cầu lương thực, đảm bảo môi trường của cả nước. Đây là điều rất quan trọng.

Xin cám ơn ông!