Phá rừng để được… đền bù

Hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ nằm ngổn ngang, khói lửa âm ỷ suốt ngày đêm, tiếng cưa máy xẻ ván gầm rú khắp nơi… Đó là hiện trạng tại các cánh rừng thuộc ba tiểu khu 703, 704 và 705 thuộc địa phận xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Thảm trạng này cho thấy, rừng ở đây đang bị người dân địa phương cố tình chặt trụi để chiếm đất.

Lợi dụng chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo (rừng không hiệu quả) sang trồng cao su để giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, người dân xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã ngang nhiên đốn hạ hàng chục ha rừng tại các tiểu khu 703, 704, 705 nằm trên địa bàn. Điều đáng ngạc nhiên là, việc phá rừng giành đất để chờ đền bù khi dự án trồng cao su chính thức triển khai đã diễn ra cả tháng nay, nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không có cách nào ngăn chặn.

Rừng Ia Kriêng bị “xẻ thịt” bắt nguồn từ Quyết định 138 của UBND tỉnh Gia Lai khi giao 2.016,4 ha đất lâm nghiệp cho Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức trồng cao su để giải quyết lao động cho đồng bào thiểu số tại chỗ. Lợi dụng việc giao đất xen kẽ với 3 tiểu khu có rừng nói trên, người dân đã cố tình phá rừng tràn lan, mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc.

Ông Rmah Le, Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: “Sau khi phát hiện bà con phá rừng làm rẫy, chính quyền xã đã phối hợp với Kiểm lâm huyện đi nắm địa bàn, lập biên bản đình chỉ. Hiện đang củng cố hồ sơ, giao cho các ngành chức năng để truy tố đối tượng phá rừng”.

Chỉ trong vòng 1 tháng, trên 40 ha rừng ở xã Ia Kriêng đã bị phá trụi. Hiện trường các vụ phá rừng cho thấy, đây không phải là rừng nghèo, bởi trữ lượng gỗ còn khá nhiều so với tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Hơn nữa, đất ở đây quá dốc, tầng đất mỏng, đá tảng nổi đầy không thể trồng được cao su. Thực tế này cho thấy, diện tích rừng trên địa bàn xã Ia Kriêng cần phải được khoanh nuôi và bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng không hiểu vì sao người dân vẫn ngang nhiên khai thác?

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai khẳng định: Rừng của xã Ia Kriêng chúng tôi không xác định đó là rừng nghèo, rừng giàu hay trung bình, chúng tôi chỉ xác định cái đất trống mà thôi. Để xác định rừng nghèo, giàu hay trung bình thì phải do cơ quan tư vấn chuyên ngành khảo sát. Chúng tôi chỉ đi thẩm định chứ không xác định”.

Hiện tại, hơn 600 ha rừng còn lại trên địa bàn xã Ia Kriêng đang đứng trước nguy cơ bị đốn hạ bởi quyết định giao đất xen kẽ với rừng của UBND tỉnh Gia Lai. Hiện tình trạng phá rừng chiếm đất để chờ đền bù diễn ra như “cơm bữa” tại một số địa phương nằm trong dự án trồng 50.000 ha cao su của tỉnh Gia Lai, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.

Việc mở rộng diện tích cao su ở Tây Nguyên là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nhằm từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định lâu dài. Thế nhưng, chính sự không xác định đâu là đất trống, đâu là đất có rừng và sự lẫn lộn trong việc giao đất, giao rừng cho doanh nghiệp trồng cao su của tỉnh Gia Lai, đang làm cho nguồn tài nguyên của đất nước ngày càng cạn kiệt.