Cánh chim rừng không mỏi (Kì 6 ): Bài toán, bài toán, vẫn là… bài toán?

ThienNhien.Net – Chúng ta đã bàn quá nhiều, đã bàn từ lâu lắm về vấn đề di dân tự do. Từ những “cánh chim rừng không mỏi” trong cuộc trường chinh đôi khi gọi là “phạ phung” như tập quán lành lẽ của các cộng đồng vắng vẻ miền thượng du, đến những cuộc tàn sát rừng, sự nóng rẫy những lo toan của vấn đề “di dân tự do” hôm nay là cả một quá trình dài. Một quá trình buồn. Di dân tự do đang không chỉ đe dọa sự tồn vong của những cánh rừng cuối cùng còn sót lại mà hơn thế, nó còn tiềm ẩn những nguy cơ xấu đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vậy thì, đâu là bản chất vấn đề?

Kì 1: Nhật ký ở nơi “cuối đất cùng trời”
Kì 2: Bùng nổ xã mới, thôn mới
Kì 3: Rừng mất, cán bộ giữ rừng bất lực
Kì 4: Nóng bỏng Đăk R’măng
Kì 5: Cuộc sống dựng từ rừng hoang

Trước hết, cần khẳng định, việc bà con bỏ quê cũ, “tiến vào rừng sâu” như hiện nay là một thực tế. Một “nhu cầu” của bà con mà tự thân cuộc sống làm nảy sinh, khi dân số tăng, rừng ở phía Bắc quá cạn kiệt, đất đai bạc màu do phương pháp canh tác “ăn xổi”. Trung ương đã có nhiều quyết sách cụ thể và sáng suốt đối với “nạn” di cư tự do. Nhưng, ở cấp địa phương, nhiều khi và ở đâu đó, chúng ta vẫn chưa nắm bắt được thực trạng, nguy cơ và bản chất vấn đề di dân tự do.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy, đôi khi: cán bộ cơ sở rất chàng màng với những vấn đề liên quan đến người di dân tự do “ập” vào địa phương mình. Thậm chí, bà con từ nơi khác liên tiếp “bổ sung quân số” cho “điểm nóng” di dân tự do ở địa bàn của mình, cán bộ địa phương cũng không nắm rõ về số lượng. Trong khi, hàng nghìn người đã “nhảy dù” vào các xã (đất đai màu mỡ, rừng còn nhiều) kia vẫn chưa được giải quyết (hoặc là trục xuất trả về nơi xuất phát, hoặc ổn định cuộc sống) thì làn sóng di cư vẫn ào ào tràn đến. Bà con cứ chiếm rừng, chiếm đất, dựng lều lán và “hăng hái” sản xuất một cách vô tư lự.

 ông Duyên - CCKL Đăk Nông
“Hiện nay, rừng đặc dụng do Nhà nước đầu tư quản lý. Tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế định giá và xác lập quyền sở hữu cho rừng sản xuất” – ông Đỗ Hữu Duyên, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Đắk Nông. (Ảnh: PanNature)

Cán bộ địa phương không ngăn cản được, họ chỉ biết “nhiều lắm là báo cáo kịp thời”. Nghĩa là cái “đầu tiếp nhận” người di cư tự do ở cấp cơ sở là chưa thật sự được kiểm soát. Hoặc, nó chỉ được kiểm soát khi các cánh rừng đã chính thức bị giết. Đây là một lỗ hổng quá lớn, ít ra là ở góc độ bảo vệ rừng. Khi trả lời phỏng vấn trực tiếp chúng tôi tại trụ sở ông Đỗ Ngọc Duyên, Chi Cục trưởng, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đắc Nông còn đặt vấn đề “nóng” hơn: trách nhiệm của các lâm trường (các công ty lâm nghiệp) đối với sự tồn vong của các cánh rừng, hiện nay chưa rõ ràng. Ngay cả việc rừng bị chặt hạ, bị giết chết, “các vị ấy” cũng không bị ảnh hưởng gì cụ thể và xứng đáng. Cứ theo những gì ông Duyên nói thì đây là một điều thật sự cần rành mạch và cần báo động đỏ. Làm sao giữ được rừng, nếu chúng ta còn lăn tăn, rằng là nếu rừng bị mất thì người giữ rừng có bị xử hay không, nếu xử thì sẽ “xử” thế nào!!!

Trở lại với hai thí dụ di cư tự do ở Đắc Lắc và Đắc Nông như bài viết đang đề cập. Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT, từ năm 1995-2000, mỗi năm nước ta có trung bình là 21.000 hộ, là khoảng 100.000 người di dân tự do; con số này đang được khống chế, với mức: từ năm 2003 trở lại gần đây, mỗi năm chỉ có 4.000 người di dân tự do; trong đó, 41% số bà con “nhảy dù” vào Tây Nguyên. Không biết con số này có phản ánh kịp với tình hình thực tế không, nhưng, ít nhất hiện nay, riêng ở 4 tỉnh Tây Nguyên đã có tới gần 51.000 hộ dân di cư tự do, chưa ổn định cuộc sống, cần phải được định canh định cư.

Riêng về tình hình di dân tự do tại Đắc Nông, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã phải yêu cầu tỉnh Điện Biên tăng cường quản lý đầu “xuất phát” của làn sóng di cư trên địa bàn tỉnh nhà; đồng thời sớm Điện Biên phải cử đại diện lãnh đạo UBND tỉnh vào bàn kế hoạch phối hợp với tỉnh Đắc Nông nhằm giải quyết tình trạng dân di cư tự do từ Điện Biên tràn vào Đắc Nông. Tỉnh Đắc Nông cần sớm có kế hoạch ổn định đời sống cho bà con di cư tự do đang sống trên địa bàn, nếu có khó khăn gì, cần báo cáo với trung ương để cơ quan chức năng có kế hoạch hỗ trợ, giúp vốn cho Đắc Nông làm tốt công việc trên.

Theo khảo sát mới nhất của HĐND tỉnh Đắc Nông, chỉ tính riêng trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2007, đã có hơn 3.000 hộ với gần 14.000 người di cư tự do từ phía Bắc vào Đắc Nông! Con số khủng khiếp này đã khiến cho Đắc Nông không thể kiểm soát nổ nạn phá rừng, buôn bán đất đai do phá rừng. Đấy là chưa kể những hệ lụy dai dẳng mà gần 14.000 dân di cư tự do đã đem đến cho Đắc Nông, như một thứ “hành trang buồn”: theo khảo sát, chỉ có 1.074 người trong tổng số gần 14.000 người kia học hết lớp 1; chỉ có 167 người hết cấp 2 và … 34 người hết cấp 3. Số còn lại là… mù chữ hoàn toàn! 51% số người này là thuộc diện… đói nghèo. Nếu đọc kỹ và suy nghĩ kỹ về những thống kê buồn bã đến khó hình dung trên đây, chúng ta cũng sẽ dễ dàng thấy được những hệ lụy mà làn sóng di dân tự do đang gây ra!

Trước tình trạng trên, rõ ràng là Trung ương, tỉnh có dân “ra đi” và bản thân “khổ chủ” Đắc Nông (và Tây Nguyên nói chung) đã rất nỗ lực để giải quyết tình trạng nóng di dân tự do. Toàn Đắc Nông, hiện nay có 28 dự án sắp xếp ổn định lại dân di cư tự do với tổng kinh phí 410 tỷ đồng. Nhưng, trước nhiều bất cập hiện nay, nhiều người đã rất có lý khi đặt câu hỏi: đến bao giờ những dự án tiền tỷ kia mới thành hiện thực toàn bộ? Dự án có giúp bà con thoát khỏi mớ bòng bong kia không? Và, cứ tình trạng này, từ khi việc khảo sát “đóng sổ” cho đến thực thi xong các dự án kể trên thì số người tiếp tục di dân tự do vào Đắc Nông sẽ tăng lên gấp bao nhiêu lần con số mà chúng ta đang đưa ra hôm nay? Từ nay đến cái thời điểm “chưa biết khi nào” ấy, rừng tiếp tục bị phá, bà con tiếp tục lam lũ tột cùng và tiếp tục “vi phạm đủ thứ quy định” như hiện nay, thì “quả bom” di dân tự do sẽ đi về đâu? Nhãn tiền là rừng tiếp tục bị gọt trụi đến độ không còn gì mà gọt nữa; an sinh xã hội, cuộc sống của những bé thơ vô tội vẫn sòn sòn được sinh ra do thói quen đẻ vô tội vạ của những người di cư tự do sẽ vẫn là một cái gì đó nhói buốt lương tri. Một sự không đành lòng.

Chúng ta hoàn toàn có thể “chặn đứng” những người đang “tiếp lửa” cho làn sóng di dân tự do đang nóng hổi hiện nay lại bằng một biện pháp mạnh, bằng nỗ lực thực sự. Những người đang ở trong rừng, ta khoanh lại để giúp đỡ bà con khi “sự đã rồi”. Bên cạnh đó, phải “đóng cửa rừng” chặt chẽ, không thể bà con tiếp tục ào vào. Việc ngăn chặn này nên làm trước, thay vì cứ vuốt đuôi theo, lập các dự án để giải quyết cái ngọn của việc người di cư tự – khi họ đã “tọa lạc”, đã “trót” tàn phá các cánh rừng, các vùng quê yên ả như hiện nay. Bởi, thực tế, buồn thay, chúng ta đang có quá nhiều dự án ổn định cuộc sống cho người di cư tự do đã bị rối tung rối mù chỉ bởi vì dự án đang tốt đẹp thì hàng trăm hàng nghìn người tiếp tục “từ trên trời rơi xuống”. Họ đến một cách vô tổ chức, họ tiếp tục phá vỡ mọi khuôn khổ. Bất kỳ dự án ổn định dân di cư tự do nào cũng sẽ đổ bể, nếu như khuôn khổ dự án chỉ thu xếp cho 200 hộ dân, mà chúng ta lại “sơ xuất” để bà con ập đến những 400 hộ đòi được “chăm sóc”. Dự án điểm ổn định cho bà con di dân tự do được Trung đoàn 720 (đơn vị kinh tế quốc phòng, thuộc Binh đoàn 16) đỡ đầu là một ví dụ.

Tháng 5 năm 2005, Trung đoàn đã giang tay tiếp nhận 320 hộ đồng bào dân tộc Mông, những người bị tỉnh Đắc Lắc đề nghị “xúc trả” về quê cũ. Trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, Trung đoàn đã xây đựng đủ điện, đường, trường, trạm đưa bà con về, ổn định cuộc sống. Dạy dân cách sản xuất mới, trồng điều, trồng cà phê, kinh tế ổn định lắm, mà không cứ phải “phát nương làm rẫy”. Anh bộ đội lo cho trẻ em giấy khai sinh, lo cho cơm cháo để ấm bụng đến trường. Lo đủ thứ, đến mức thân nhân của 320 hộ nghe tin, thích quá, mới lấy cớ thăm thân, ngắm cảnh, học tập kinh nghiệm, họ vào ở lỳ trong khu kinh tế mới. Thảm họa: đến nay, điện đường trường trạm đều quá tải, tình hình trở nên rối ren, là bởi vì số hộ và số dân đều tăng hơn gấp đôi con số của dự án! Bà con thậm chí còn nhảy vào phát nương làm rẫy, phá rừng khiêng gỗ rùng rùng ngay trước cửa Trung đoàn, rừng của trung đoàn quản lý cũng bị chặt phá! Vùng đất trù phú có mô hình kinh tế quốc phòng quản lý và giúp đỡ bà con vốn là những người di cư tự do ở Tuy Đức bỗng dưng phải đứng trước nguy cơ biến thành một miền rừng bị người di cư tự do phá rừng, lập làng bản mới và… phải “định canh định cư”, “ổn định cuộc sống”… lần thứ hai. Trung đoàn 720 đã phải tức tốc báo cáo cấp trên, chứ tình trạng quá nóng, chưa biết quyết theo bề nào. Chính quyền xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vô cùng đau đầu. Ông K’Bốt, Phó Ban Dân tộc tỉnh Đắc Nông, mạnh dạn gọi cách làm này là “sự quy hoạch chưa đến nơi đến chốn”, là “không quy hoạch nổi”. Đã có chuyện mâu thuẫn lớn giữa người bản địa và người di cư tự do, khi họ bị va chạm lợi ích. Có chuyện người dân đánh nhau, đánh cả cán bộ xã sở tại.

Hậu quả đó nói lên điều gì? Nói rằng, thứ nhất: chúng ta hoàn toàn có thể ổn định cuộc sống cho bà con trót “di cư tự do” hiện nay, kể cả khi mà riêng tỉnh Đắc Nông có tới gần 14 nghìn người. Thứ hai: nếu chúng ta không kiểm soát được tình trạng người dân tiếp tục lũ lượt kéo vào các “miền đất hứa” vốn yên bình hoặc đã được tái lập lại sự yên bình sau cơn bão di cư tự do, thì hậu quả của cái vòng luẩn quẩn và đau lòng của nạn hàng nghìn người “nhảy dù” vào giữa rừng lại tái diễn. Và bài toán trên còn chưa biết đến bao giờ mới có lời giải.

 thôn 13, xã Cư K'Bang
Nếu tình trạng người dân nhập cư tự do không được kiểm soát tốt, những nỗ lực của chính quyền địa phương và tất cả chúng ta sẽ chỉ như “muối bỏ bể” (Ảnh: PanNature)

Ông Vũ Mạnh Khuông, Chi Cục trưởng Chi Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Nông, có lẽ là người vừa am hiểu lại vừa trình bày vấn đề bao quát, cụ thể, rành mạch nhất về vấn đề di dân tự do ở Đắc Nông mà chúng tôi từng gặp trong quá trình đi dọc ngang Tây Nguyên tìm hiểu về “những cánh chim rừng không mỏi”. Thứ nhất là vì nhiệm vụ, thứ nữa, có thể là vì ông Khuông trăn trở quá nhiều với câu chuyện nóng bỏng này rồi. Theo “quan sát” từ vài thập niên qua của ông Khuông, thì Đắc Nông là vùng đất mới chịu sự tàn phá của cơn bão “di cư tự do” gần đây thôi. Trước, chủ yếu người phía Bắc tràn vào vùng Đắc Lắc. Mãi đến năm 1992-1993, khi ấy (Đắc Nông lúc đó vẫn chưa tách ra khỏi Đắc Lắc để thành lập tỉnh mới) hai bên đường QL14 chạy từ cầu 14 về Gia Nghĩa hiện nay (tỉnh lỵ Đắc Nông) hầu hết rừng còn rậm rạp, xanh ngắt, âm u. Bà con gọi đó là “rừng lạnh”, vì đi càng sâu về phía địa giới của Đắc Nông, rừng giá càng hoang sơ, mát lạnh.

Mãi đến năm khoảng 10 năm trở lại đây, vùng Đắc Nông ngày nay bắt đầu bị ồ ạt tàn phá bởi người di dân tự do. Con số khoảng 14-15 nghìn người “nhảy dù” vào phá rừng, gây ra nhiều bất ổn ở Đắc Nông hiện nay vẫn chỉ là… áng chừng. “Chứ còn nhiều người ở rừng, chưa thể thống kê được” – lời ông Khuông. Nhiều khi, dự án điểm được lập đưa gần 300 hộ dân di cư tự do vào, mắt trước mắt sau bà con bỏ đi tiệt. Bỏ đi rồi, lựa chọn mãi rồi, thấy chỗ ấy vẫn tạm được, lại ào ạt kéo đến, rất là vô tổ chức. Cái mẫu thuẫn nằm ở chỗ: bà con thì thích rừng già, rừng giàu để phá, đốt, trọc, trỉa, để kiếm ăn. Còn phía nhà quản lý thì phải căn cứ theo kỹ thuật của ngành lâm nghiệp, phải chọn rừng nghèo kiệt, rừng có trữ lượng gỗ không cao để đưa bà con vào “cải tạo đất” và an cư lập nghiệp. Chứ những chỗ là rừng, chúng ta đã giao cho lâm trường hoặc bên Ban quản lý khu bảo tồn phụ trách, muốn giao cho bà con, phải xin ý kiến “chuyển đổi mục đích sử dụng” của Trung ương.

Việc lấy rừng và đất rừng giao cho người ta ở và làm rẫy, rõ ràng là một việc cần cân nhắc kỹ càng. Không có đất thì không “sắp xếp” ổn định cho người di cư tự do đã “trót” vào địa bàn. Nhưng, liệu chúng ta, Chính phủ ta có chấp nhận phá rừng để ổn định cuộc sống cho người di cư tự do không? Trước những khó khăn ấy, ông Khuông cho biết: vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ vào làm việc với tỉnh Đắc Nông đã có nhận định: khó khăn còn nhiều như thế. Giờ các đồng chí hãy chọn một vùng khó khăn nhất (trong giải quyết vấn đề di dân tự do) rồi làm dự án điểm để ổn định cho dân di cư tự do trên địa bàn đi. Tỉnh đã chọn dự án tại Đắc Glong (mà trọng tâm là Đắc R’măng như đã đề cập ở trên – NV), dự án trị giá hơn 100 tỷ đồng.

 Báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm Đắc Nông, do Chi cục trưởng Đỗ Ngọc Duyên cho biết khi làm việc trực tiếp với chúng tôi vừa qua: hiện nay tỉnh được ghi nhận là đứng trong “TOP” 10 tỉnh còn nhiều rừng của cả nước, với diện tích còn lại là: 360.000 ha. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 28.000 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn là 36.000 ha; rừng sản xuất 297.000 ha… Tuy nhiên, tốc độ rừng bị phá ở Đắc Nông cũng đang ở mức kỷ lục: năm 2004, có 300 ha rừng bị tàn phá; con số này năm 2005 tăng lên 386 ha; năm 2006 là 326 ha. Đến năm 2007, theo những gì thống kê được, thì toàn tỉnh “chỉ có” 210ha rừng bị tàn phá. Năm 2008, tình trạng có vẻ lại nóng lên, khi mà, chỉ trong 2 tháng đầu năm, ít nhất 48ha rừng đã bị chặt. Một trong những nguy cơ lớn trong việc rừng ở Đắc Nông bị mất đi, theo ông Duyên, là việc các công ty lâm nghiệp không đủ năng lực bảo vệ rừng. Trong khi đó, khi rừng bị mất thì việc quy trách nhiệm cho chủ rừng chưa rõ ràng. Ví dụ: nếu anh là Giám đốc một công ty lâm nghiệp, anh để xảy ra tình trạng phá rừng, anh phải bị xử lý hành chính, cao hơn là xử lý hình sự, như thế mới bảo vệ được rừng. Chúng ta đã không làm nghiêm được điều đó, thì rừng bị mất là không có gì khó hiểu.

Di cư tự do là… dĩ nhiên có phá rừng. Đắc Nông không có đất trống, đất trọc. Từ đèo Phượng Hoàng xuống có ít đất trọc, nhưng đất ấy, nói thẳng là bà con đi “nhảy dù” họ không thích, họ bảo là “không ở được”. Người di cư tự do, có khi trực tiếp đẵn gỗ, đốt rừng, dựng lều mà sống tạm bợ để tiếp tục… phá rừng lan rộng mãi ra. Có khi họ gián tiếp phá rừng, bằng cách mua lại đất của người phá rừng trước đó, cái người bán đất ấy lại tiếp tục đi phá ở khoảnh rừng khác. Chung quy, bao nhiêu khốn khổ, đau thương đổ riệt cho rừng. Người ta, đã xác định di cư tự do, là phải ít nhất mỗi hộ vài héc-ta thì người ta mới “chấp nhận” được. Đất ấy không phải trên trời rơi xuống, chỉ “chiếm” từ rừng thôi. Nếu chúng ta đã biết bản chất vấn đề như thế, thì một mặt phải có “bàn tay sắt” ngăn chặn số hộ tiếp tục tràn vào. Mặt khác phải có đất và tiền để làm dự án sắp xếp người di dân tự do đang sống tại rừng của Đắc Nông. Giả dụ có phương án chuyển đổi cái rừng trung bình trở lên (đã bị phá ít nhiều) cho mục đích ổn định dân di cư tự do, thì, theo ông Khuông, Đắc Nông cần tới 500 ha để giải quyết xong số dân di cư tự do đang “tồn đọng”. Phải làm đường giao thông, làm các công trình dân sinh như trường học, bệnh xá, điện thắp sáng, nước sinh hoạt và nước sản xuất… Tất nhiên, ai cũng biết rừng đã bị “gặm nhấm” tan hoang rất nhiều. Chúng ta đang thực hiện chính sách giữ rừng nguyên trạng, nếu có xà xẻo tí rừng đang bị nghèo đi nào (cho dự án trên), thì cũng là một sự “hy sinh” buốt lòng.

Đó là bài toán hóc búa thứ nhất.

Bài toán thứ hai là tiền. Theo ông Khuông, ước tính, hiện nay, mỗi năm, toàn tỉnh Đắc Nông, cần 40-50 tỷ đồng cho việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Trong khi đó, số tiền mà cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ này được chi mỗi năm chỉ là 1/10 nhu cầu, ví như năm 2007: con số này chỉ là 5,5 tỷ VNĐ. “Mà cái mức chi tôi vừa nói là tạm sắp xếp được những người di dân tự do ở Đắc Nông, với điều kiện người di cư tự do không tiếp tục tràn vào nữa. Ví như ở Tuy Đức, cái “mô hình” ở Trung đoàn 720, khi mà số hộ ào vào thêm nhanh quá, gấp đôi khuôn khổ số hộ đã quy định trong dự án, là “vỡ”. Là đã nghèo càng nghèo thêm!” – ông Khuông nhấn mạnh.

Năm 2001 trở về trước, khi chúng ta có quyết sách cứng rắn, bà con di cư tự do vào thì kiên quyết giữ rừng nghiêm ngặt, kiên quyết trả người “nhảy dù” về quê cũ. Tình trạng “nguội” hẳn được một thời gian. Từ năm 2002 trở lại đây, tình trạng lại “nóng” lên khi mà chúng ta chủ trương bà con đã vào thu sắp xếp, ổn định cuộc sống, giúp bà con định cư tại chỗ. Từ đó, đúng là có tình trạng, bà con bán nhà bán đất ở quê cũ, kéo nhau cả làng cả bản vào Tây Nguyên, phá rừng, tự “chia đất”, lập xóm lập thôn, cứ thế biến mình thành người từ “trên trời rơi xuống” rồi chây ỳ, âm thầm chờ ngày được… cấp đất “ổn định cuộc sống”.