Nhiều dấu hỏi vụ gây ô nhiễm môi trường ở Bình Chánh

Theo tòa, cần làm rõ vai trò của người đã trực tiếp ký hợp đồng và nhận tiền của chủ đất để san lấp.

Ngày 14-4, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM xét xử sơ thẩm với ba bị cáo Vũ Anh Vũ, Bùi Chí Công, Tống Viết Mười về tội gây ô nhiễm môi trường. Đây là vụ án đầu tiên về hành vi gây ô nhiễm môi trường bị xử hình sự tại TP.HCM.

Chôn lấp gần 4.400 tấn rác thải

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Văn Cơ ký hợp đồng san lấp hai thửa đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho hai chủ đất. Sau đó, ông Cơ chuyển nhượng lại công việc cho bị cáo Vũ.

Ngày 9-5-2018, Vũ thuê người chạy xe tải đến khu vực đường Cao Lỗ, quận 8 chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về đổ tại hai khu đất để san lấp.

Đến tháng 7-2018, một người xưng là quản lý bãi tập kết phương tiện Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam thuê chở xà bần. Xà bần được đổ tại khu đất của công ty với giá 1,1 triệu đồng/xe tải 10 tấn và chở rác thải đang chứa trong bãi đem đi nơi khác đổ với giá 500.000 đồng/xe tải 10 tấn.

Ba bị cáo tại tòa. (Ảnh: Cù Hiền)

Vũ thuê người đến chở rác thải tại bãi của công ty này về đổ tại khu đất để làm đường vào chống lún xe. Nhận thấy rác thải này có thể dùng để san lấp nên Vũ tiếp tục yêu cầu các tài xế chở về khu đất. Vũ còn thuê người múc đất lấp lên rác thải để tránh bị phát hiện. Vũ nhận được 750 triệu đồng từ việc nhận lại hợp đồng san lấp đất.

Vật liệu dùng để san lấp hai khu đất là chất thải rắn gồm bao bì nhựa phế liệu thải, sợi nylon thải, vải vụn thải, bao bì sợi nylon, bao bì nhựa, vải giả da, bao bì giấy thải, cao su, mút xốp. Tổng khối lượng chất thải gần 4.400 tấn.

Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Vũ khai mỗi chuyến xe chở 5 tấn rác, tổng cộng Vũ đã chở 100 chuyến xe với 500 tấn rác thải xuống hai thửa đất để san lấp. Khi làm việc với cơ quan chức năng, Vũ mới biết đây là rác độc hại.

Vũ khai rằng được ông Cơ giao san lấp và nhận tiền theo diện tích san lấp. Vũ thỏa thuận tổng số tiền thực hiện việc san lấp là 750 triệu đồng. Chính ông Cơ là người giám sát việc san lấp, Vũ phải thường xuyên báo cáo cho ông Cơ về tình hình san lấp như trong thỏa thuận. Ngoài ra, Vũ còn liên hệ lấy xà bần dưới sự giám sát của ông Cơ, sau khoảng hai tháng thì bị phát hiện. Đất và xà bần được lấy ở quận 8 và tại các chung cư.

Sau đó, Vũ tự cho cuốc và đổ xuống. Theo Vũ, số chất thải chôn lấp có khoảng 2.000 m2 rác, còn lại là xà bần. Lúc đầu, ông Cơ không biết rác thải này là nguy hại nên bỏ qua cho bị cáo. Sau đó, bị cáo nói với ông Cơ rằng đây là rác thải nhưng ông Cơ không nói gì.

Bị cáo Vũ mong muốn được khắc phục hậu quả, đồng thời đề nghị tòa xem lại khối lượng chất thải gần 4.400 tấn vì theo bị cáo thì thực tế không nhiều như vậy.

Khu đất các bị cáo đổ chất thải. (Ảnh: Tự Sang)

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Tại tòa, hai bị cáo do Vũ thuê chở rác thải là bị cáo Mười và bị cáo Công khai rằng khi mình thắc mắc việc chở rác về san lấp thì được Vũ giải thích đổ rác cho đường đỡ lún để xe đi lại. Hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội nhưng chỉ làm công ăn lương, sau mỗi lần chở đều phải báo cáo lại cho bị cáo Vũ. Vũ thuê họ với giá 100.000 đồng/chuyến, tiền cơm 3 triệu đồng/tháng.

Chưa kết thúc phần xét hỏi, HĐXX quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. HĐXX cũng cho rằng cần xác định chủ thể có quyền yêu cầu khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu trong vụ án này.

Tòa nhận định các bị cáo đã xâm phạm hoạt động quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh chưa đưa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tham gia tố tụng nhằm giải quyết việc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu do hành vi trái pháp luật của các bị cáo gây ra.

Đồng thời, căn cứ kết quả điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa, có căn cứ xác định ông Nguyễn Văn Cơ (người trực tiếp ký hợp đồng san lấp mặt bằng với hai chủ đất) là người chịu trách nhiệm chính về giám sát việc thi công san lấp mặt bằng, thanh toán tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng và thanh lý hợp đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng san lấp, ông Cơ có biết việc san lấp chất thải. Do đó, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ vai trò của ông Cơ trong việc san lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường. Qua kết quả điều tra, nếu xét thấy có dấu hiệu phạm tội thì đề nghị cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Người môi giới khai gì?

Tại tòa, người môi giới cho ông Cơ ký hợp đồng san lấp với hai chủ đất trình bày khi thấy các xe chở xà bần đến khu đất, ông đã thông báo cho ông Cơ. Tuy nhiên, ông Cơ nói do đường bị sụt lún, xe không thể đi qua nên cần bỏ một số rác thải và chai nhựa xuống lát đường cho xe đi qua.