Mô hình trồng rừng mới ở Xuân Sơn

Những năm gần đây, ở Vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) đã triển mô hình trồng trọt mới, vốn đầu tư thấp nhưng mang hiệu quả kinh tế khá, rất phù hợp cho những vùng trung du, miền núi phía Bắc…

Trồng rừng bằng chè Shan tuyết, chè đắng, rau sắng

Quen ông Trần Đăng Lâu- Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) đã lâu, đã nhiều lần nghe ông hồ hởi kể về chuyện Xuân Sơn là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong 30 Vườn quốc gia trồng rừng bằng cây chè Shan tuyết. Dự án đó bắt đầu từ năm 2001 và đến nay đã trồng được tới 900 ha, đã nhiều chỗ cây lên đẹp, hứa hẹn thành rừng và đem lại hiệu quả kinh tế. Lên Xuân Sơn lần này, đã không còn cảnh ì ạch cuốc bộ dăm bảy cây số đường núi nữa mà đường sá đã trải nhựa, xe chạy bon bon nhưng đời sống của đồng bào vẫn còn thuộc diện “đội sổ” của Phú Thọ với 64 % nghèo, trong đó 32 hộ đói kinh niên, bình quân thu nhập chỉ mon men cỡ 1,4 triệu đồng/người/năm.

Xã rộng đến 6.560 ha mà chỉ có cỡ 47 ha lúa cả một vụ lẫn hai vụ, ngó quanh toàn đồi, toàn núi bao bọc nên lương thực rất thiếu, kinh tế cực kỳ bí bó. Chỉ kể riêng chuyện cả năm 2007, UBND xã thu được vỏn vẹn từ địa bàn có 4.615.000đồng, chuyện làm điện hạ thế đến các bản Lạng, Lấp, Cỏi xong từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được đóng điện bởi không có tiền đã nói lên một Xuân Sơn giữa rừng già còn túng thiếu đến chừng nào. Tuy nhiên giữa bao gian khó, đã nhen nhóm lên những vi vọng về sự đổi mới ở đây mà một trong số đó là cây chè Shan tuyết. Toàn Xuân Sơn trồng được 70 ha chè theo dạng trồng rừng phòng hộ, đang bắt đầu cho thu nhập.

Ấn tượng đậm nhất cách đây mấy năm khi lên Xuân Sơn là cảnh đồng bào Dao, Mường cuốc bộ hàng chục cây số đường núi, xếp hàng dài dưới trời nắng như đổ lửa ở UBND xã chỉ để nhận được một hai cân muối trợ cấp. Lần này lên, tín hiệu hàng hóa đầu tiên của Xuân Sơn là nhà ông Chủ tịch xã người Dao Bàn Xuân Lâm cho dựng mấy cái nhà sàn để làm du lịch và làm nơi bán luôn đặc sản chè Shan tuyết.

Vợ ông xởi lởi: “Ngày trước, những cây giống bị bà con “chê” không đạt chuẩn, tôi cũng cố xin về trồng nên tổng diện tích chè của nhà trồng được cỡ 1,5 ha, đã cho thu hoạch từ hai năm nay. Cứ một yến chè, đem sao mất 16.000 đồng tiền dịch vụ nhưng được 2 kg chè khô, bán ngay cũng 120.000-150.000đ nên tính ra mỗi năm cũng được 3-4 triệu đồng. Chè sạch hoàn toàn, không phun thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, chỉ mỗi công làm cỏ nên chất lượng ngon lắm, khách tranh nhau mua, ngay cả chỗ ông Long-Phó giám đốc Vườn dặn tôi bao bận để mua chè nhưng có đâu”.

Có nhiều hộ nông dân ở những vùng dự án trồng chè san ở các xã như Xuân Sơn, Xuân Đài, Minh Đài, Tân Sơn…đã bước đầu có nguồn thu ổn định như vậy. Sắp tới, khi sản phẩm có nhiều hơn, hướng chế biến sẽ không phải là gom đi sao công nghiệp vừa ôi chè, vừa đỏ nước như hiện nay mà sẽ chế biến tại chỗ bằng quay mi ni để giữ hương vị, màu sắc cũng như độ dinh dưỡng cao trong lá chè.

Là một người yêu rừng, gắn bó với rừng đến khi bạc tóc, ông Trần Đăng Lâu kể về bao nỗi vất cả khi phải đối phó với nạn phá rừng trước đây bởi rừng “vô chủ”, bởi Vườn Quốc gia Xuân Sơn là đơn vị duy nhất trong cả nước không có hạt kiểm lâm. “Rừng phải có chủ nên tôi mới nghĩ đến chuyện trồng rừng bằng cây chè Shan. Bình thường, trồng rừng phòng hộ 661 cây kinh tế bà con chặt trước, sau đó cũng tiện tay chặt nốt cây phòng hộ nhưng riêng với trồng rừng bằng chè Shan, cây phòng hộ và cây kinh tế là một nên không bị chặt. Chè cũng không lo bị chặt trộm làm củi như các loại cây khác.

Chè Shan 6 tuổi, đã cao trung bình 3m, tán 2m, hơn các cây khác về tán, lại có tuổi thọ hàng mấy trăm năm, có thể thu đều đều mà rừng luôn có cây phòng hộ.” Những năm đầu, khi tán cây còn nhỏ, bà con vùng dự án thường làm nông lâm kết hợp như trồng sắn, gừng, lạc, cải nương…để lấy ngắn nuôi dài. Theo ông Lâu, dù trồng được 900 ha rồi nhưng trước toàn trồng ở chỗ dễ, tương đối gần đường giao thông nên suất đầu tư 5 triệu đồng/ha của dự án 661 là đủ, giờ dù diện tích vẫn còn nhưng ở chỗ vùng cao, không có đường vận chuyển nên đơn giá đó không thể đáp ứng…

Ngoài việc trồng chè Shan, hiện Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang thử nghiệm trồng rừng bằng các cây vừa có đặc tính lâm nghiệp lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài như dổi (vừa lấy gỗ, hạt lại làm gia vị rất đắt), rau sắng, chè đắng…Tất cả những loại đó, đơn vị đã bắt đầu ươm, nhân giống để sẵn sàng mở rộng diện tích. “Cách làm của chúng tôi sẽ “mồi” bằng cách chỗ nào dễ làm trước, ai giỏi làm trước, thành công chắc chắn, có sản phẩm, có hiệu quả rồi sau đó cứ để cho quy luật giá trị sẽ quyết định tất cả”. Ông Giám đốc tâm sự.