Ô nhiễm không khí: "Kẻ giết người thầm lặng"

Ô nhiễm không khí – được mệnh danh "kẻ giết người thầm lặng" đang ở mức báo động tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh như ung thư, bạch cầu…

Như hàng triệu người khác, chị Hoa (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) nói, hàng chục năm qua chị chưa bao giờ dám rời khẩu trang mỗi khi ra đường vì… bụi quá nhiều. Quả thật, kết quả quan trắc liên tục của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho thấy suốt tám năm qua ở TP.HCM bụi tổng cộng là chỉ tiêu ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Cơ quan này cho biết thêm trong chuỗi số liệu cả năm 2007 đo đạc về bụi tổng cộng ở sáu trạm quan trắc chất lượng không khí, có ít nhất 81% giá trị đo đạc vượt tiêu chuẩn cho phép, mức vượt thấp nhất khoảng 1,5 lần và cao nhất gần ba lần.

Rất nghiêm trọng

Đâu là các điểm ô nhiễm bụi nhiều nhất? PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP – trả lời: khu vực ngã tư An Sương. Đứng thứ hai trong “bảng phong thần” là ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Điện Biên Phủ, khu vực nằm sát trung tâm TP.HCM. Những khu vực tập trung mật độ giao thông cao, các ngõ TP.HCM hay nơi có nhiều hoạt động công nghiệp…, ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi nói riêng cũng ở mức rất quan ngại.

TS Tô Thị Hiền – khoa môi trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết 11 loại hợp chất hữu cơ thơm đa vòng – viết tắt là PAHs – có từ 4-6 vòng thơm được phát hiện trong thành phần bụi không khí ở một số vị trí tại TP.HCM.

Hiện đã có những bằng chứng khoa học cho thấy chúng là tác nhân gây ung thư và biến đổi gen, cũng như một số loại bệnh
tật khác ở con người.

Nguồn gốc chủ yếu của PAHs có trong bụi gây ô nhiễm ở TP.HCM là khói thải từ xe cộ sử dụng nhiên liệu xăng và dầu. Đó là những muội cacbon có kích thước rất nhỏ (0,01 – 0,08 micromet) và sau khi thải vào không khí, chúng nhanh chóng kết hợp thành những hạt bụi có kích thước lớn hơn.

Nhưng đáng lo ngại hơn cả là các hợp chất hữu cơ độc hại có độc tính cao đều tập trung chủ yếu trong bụi mịn (kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) – loại bụi dễ dàng xâm nhập cơ thể con người qua đường hô hấp và có khả năng tồn tại lâu, phát tán rất xa trong môi trường.

“Mức độ nguy hại của các hợp chất hữu cơ thơm đa vòng, đặc biệt là các hạt bụi mịn, đến cộng đồng dân cư sinh sống quanh các tuyến đường giao thông cũng như nhóm người thường xuyên qua lại là rất nghiêm trọng” – TS Hiền cảnh báo. Bà còn nhấn mạnh quá trình tiếp xúc lâu dài, hít thở bụi có chứa các hợp chất hữu cơ thơm đa vòng đã được tìm thấy trong thành phần bụi ô nhiễm ở thành phố rất dễ dẫn đến những căn bệnh ung thư và các bệnh đường hô hấp ở cộng đồng dân cư.

Trong bốn vị trí nghiên cứu tìm các chất độc hại trong bụi thì tại khu vực cách vòng xoay Phú Lâm khoảng 300m, bụi ở đây có nồng độ các hợp chất hữu cơ thơm đa vòng cao nhất so với ba vị trí còn lại (hai vị trí trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận; một vị trí trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 và tại ngã tư Điện Biên Phủ – Trương Định, quận 3).

“Tấn công” vào đường hô hấp, tiêu hóa…

Nồng độ benzen trong không khí vẫn rất cao so với tiêu chuẩn cho phép. Kết luận này được Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đưa ra sau khi tổng hợp số liệu đo đạc cả năm 2007 về chất độc hại này trong không khí. Cơ quan này còn ghi nhận có tới hơn 66% giá trị quan trắc được đối với benzen vượt chuẩn, mức vượt cao nhất ghi nhận được là 10,7 lần.

Trong sáu điểm theo dõi về các chất độc hại trong không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường TP cho biết trạm theo dõi tại khu vực ngã tư Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng ghi nhận được nồng độ benzen cao nhất so với các khu vực còn lại. Vì sao? Các nhà chuyên môn ở cơ quan này nói có thể đây là trục đường có mật độ xe cộ lưu thông rất cao, trong khi xung quanh đường bị nhiều nhà cao tầng che chắn…

GS. Chu Phạm Ngọc Sơn – chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM – cho biết, loại chất này đi vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa và kể cả xuyên qua da. “Điều nguy hại nhất của benzen là khả năng gây bệnh bạch cầu ở những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn chất độc hại này”. Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, phần lớn những chiếc khẩu trang hiện được nhiều người dùng khi đi trên đường không có bộ lọc khí hữu hiệu, không ngăn được benzen len lỏi vào cơ thể người qua đường hô hấp.

Cũng theo GS Sơn, nguồn gốc chất độc hại này trong không khí có thể là từ xăng còn chứa hàm lượng benzen lớn so với xăng ở các nước phát triển. Ngoài ra, benzen có nguồn gốc từ khói thải của xe cộ, khói thuốc lá, các nhà máy có sử dụng benzen hoặc một số sản phẩm gia dụng như keo dán, chất tẩy rửa… GS Sơn cho biết thêm ông đã tham gia một số nghiên cứu liên quan và thấy nồng độ benzen tăng nhiều ở nơi bán xăng, trước cổng nhà trường, bệnh viện và những nơi tập trung nhiều xe cộ…