Tiếng khóc chim én

Chim én, biểu tượng của mùa xuân, đã đi vào thơ ca nhạc họa, giờ đang bị con người tận diệt để làm… đồ nhậu.

“Thiên la địa võng”

Đi qua cánh đồng lúa ở xóm 4, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu (Nghệ An), thấy hàng chục chiếc lưới bẫy én giăng đầy trên bờ đê, én mồi giăng la liệt. Lại gần một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang ngồi chồm hổm, chăm chú quan sát đàn én bay liệng, ông này than: “Bữa ni nắng quá bắt được ít. Hôm qua tui mần được vài trăm con”. Cũng theo lời tay săn chim này thì ông bắt én để bán với giá 2.500đ/con.

Bỗng “rùm”. Ông rút cọc, chiếc lưới dài khoảng 10m sập xuống, bên trong 6-7 chú én đang giãy giụa. Người đi săn cười khành khạch, ém lưới túm từng con bỏ vào lồng.

Vui chuyện ông kể: “Xóm tui bẫy én có truyền thống. Trước đây én chỉ về mùa xuân, bọn tui vác én mồi đi khắp các cánh đồng để bẫy. Đồ nghề cũng đơn giản: Én nhồi rơm cắm trên que dài cỡ vài mét có phết nhựa. Én thấy đồng loại sà xuống, kiểu chi cũng dính nhựa. Hoặc bẫy én bằng lưới trên bờ đê hoặc đầu đồng, làm tấm lưới 5-10m tạo bẫy. Khi én thấy mồi bay đến, ta rút cọc chốt là lưới sập, nỏ có con mô thoát được.

Trước đây én nhiều vô kể có ngày mấy cha con tui đi bẫy tóm được cả ngàn con. Cũng nhờ nghề ni mà kiếm thêm đồng tiền bát gạo cho con nó ăn học chứ làm mấy sào ruộng… đói”.

Hỏi có nhiều người bẫy không, ông này cho biết, chỉ một cánh đồng nhỏ nhưng có tới 30 tay bẫy chim. Thế nên én sợ không dám về.

Cảnh này không chỉ có ở riêng Diễn Châu mà các huyện như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… cũng giăng lưới bẫy én đầy đồng.

Chim én bẫy được bán cho các quán nhậu với giá 2.500-3.000 đồng/con. Những chú én bị “hóa kiếp” theo một kiểu riêng, có chứng kiến rồi không bao giờ quên được. Hàng trăm con chim én bị cho chung vào một chiếc nồi lớn, bắc lên bếp đun. Cứ đun đến khi nào vào trong nồi lớn rồi nổi lửa đốt. Khi nào không nghe tiếng chim kêu, tiếng giãy giụa nữa thì lấy chim ra, chỉ thổi nhẹ là lông bay hết.

Sau đó, thịt chim én được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để phục vụ thực khách. Thịt én là món khoái khẩu của rất nhiều tay “bợm nhậu”.

Chị Hương, một chủ quán ăn, khoe: “Quán tui có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, cả ngàn con một ngày cũng hết nhưng bây giờ hàng hiếm rồi, một ngày chỉ mua được trên dưới vài trăm con thôi”.

Mùa xuân chim én có về?

Ông Nguyễn Văn Châu, một người bẫy én có thâm niên ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tâm sự: “Tui bẫy én từ nhỏ nên én đi về lúc mô tui rành như lòng bàn tay. Theo quy luật là én chỉ về mùa xuân, vào độ tháng giêng đến cuối tháng tư rồi bay đi tránh nắng. Nhưng không hiểu ra răng mà vài năm trở lại đây én về rất thất thường. Có khi mùa xuân không về nhưng tháng bảy âm én lại về nhiều lắm…”.

Cụ Phan Đồng, một trung tá về hưu thì buồn bã: “Mùa xuân con én đưa thoi. Những cánh én nên thơ đẹp tuyệt vời như thế mà bị con người tận bắt tận diệt để làm món ăn cũng đáng buồn quá. Bắt giết nhiều như vậy thì lấy én mô mà dệt nên mùa xuân?”.

Hỏi cụ Đồng về nguyên nhân én đi về thất thường, cụ nhận định: “Én cũng có chồng có vợ, biết đẻ trứng và sinh con. Việc bắt cha mẹ, con cái của chúng đi, những con cùng gia đình sẽ ở lại đi tìm. Cũng có thể én bay theo bầy đàn, giờ con đầu đàn bị bắt, én không còn người dẫn đầu tổ chức nên bay tứ tán”.

Hơn nữa, con người huỷ hoại môi sinh, môi trường nhiều quá, gây mất cân bằng sinh thái nên những quy luật của thiên nhiên bỗng thay đổi là chuyện dễ hiểu. “Nếu cứ đà tận bắt, tận diệt môi sinh như thế này thì những mùa xuân sau, những cánh én có lẽ chỉ còn về trong những câu thơ mà thôi”, cụ Đồng tư lự.