Đột nhập “vương quốc” gấu (Kỳ 2)

Cả nước hiện có khoảng 4.000 con gấu nuôi nhốt. Đồng Nai là địa bàn có số lượng gấu nuôi nhốt hàng đầu cả nước, vì vậy số người làm nghề lấy mật gấu khá đông…

Đột nhập “vương quốc” gấu (Kỳ 1)

Hai chủng loại gấu hiện đang được nuôi ở Việt Nam là gấu chó (tên khoa học Ursus malayanus) và gấu ngựa (Selenartos thibethamus). Cả hai loại này đều thuộc nhóm 1B (cực kỳ quý hiếm) và cần được bảo tồn. Tất cả số gấu nuôi hiện đã được gắn chíp (thiết bị điện tử để định vị). Việc gắn chíp không phải là để hợp pháp hóa việc nuôi gấu mà nhằm giúp dễ dàng trong quản lý.

Theo Nghị định số 18 ban hành ngày 17/01/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, việc nuôi gấu nhốt (trừ vườn thú và đoàn xiếc) là vi phạm pháp luật. Để ngăn không cho đàn gấu nuôi phát triển thêm, ngày 05/10/2005 Bộ NN-PTNT đã ra quy định về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả gấu nuôi từ trước đến nay sẽ được gắn chíp. Kể từ ngày 01/03/2005 trở đi, hộ nào nuôi gấu sẽ bị tịch thu và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vậy nhưng, thực tế số gấu nuôi đang ngày càng nhiều lên. Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ ngành Kiểm lâm TP.HCM cho biết: “Việc đàn gấu phát sinh là điều khó tránh khỏi bởi trong quá trình nuôi nhốt, một số hộ đã cho gấu sinh sản thêm. Theo quy định, gấu sinh sản thêm sau một năm phải giao lại cho Nhà nước quản lý, nhưng thực tế người nuôi cứ lờ tịt. Chủ nuôi gấu mất bao công sức mới cho sinh sản được, tịch thu của họ không đơn giản. Chưa kể đến việc tịch thu về rồi ai nuôi, ai chăm sóc, chi phí đâu để nuôi…?”.

Quản lý, giám sát việc nuôi và khai thác mật gấu hiện đang rơi vào thế “bí”. Theo Quy chế về quản lý gấu nuôi của Bộ NN-PTNT: Việc mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo gấu và các sản phẩm từ gấu; giết mổ, khai thác mật và các bộ phận cơ thể của gấu đều bị cấm.

Tuy nhiên, để thực thi quy định này, đặc biệt là việc giám sát khai thác mật là cực kỳ khó khăn. KS.Nguyễn Hữu Hưng- Chi cục kiểm lâm TP.HCM xác nhận: “Khi tiến hành gắn chip, chúng tôi buộc tất cả các hộ nuôi đều phải làm cam kết không lấy mật, giết mổ và vận chuyển trái phép. Nhưng vì lực lượng kiểm lâm quá mỏng nên không thể ngăn chặn triệt để việc khai thác mật…”.

Cũng theo ông Hưng, cái khó nhất trong việc quản lý gấu của ngành kiểm lâm là thiếu các loại phương tiện. Hiện con gấu được gắn hai loại chíp điện tử khác nhau, đó là chíp avid và chíp trovan. Tuy nhiên, Chi cục kiểm lâm TP.HCM hiện vẫn chưa có kinh phí để mua máy dò tìm chíp trovan, được biết giá mỗi cái máy trên dưới 10.000 USD.

Mật gấu được người ta mệnh danh là vị thuốc trị bách bệnh. Chính vì vậy thị trường mật gấu luôn “sốt” và giá bán cũng khá cao. Để mật có chất lượng thì việc khai thác phải tuân theo chu kỳ tối thiểu 3 tháng/lần. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ nuôi gấu chỉ một hai tuần đã khai thác mật một lần. Do vậy, chất lượng mật không đảm bảo, sức khỏe con gấu cũng bị đe dọa vì sự lạm dụng này…