Ngọc của rừng

Đã qua biết bao mùa loòng boong trái chín… Đến bây giờ đã không còn một người "quản Nam Trân" hay một người phu chạy trạm nào để kể cho mọi người biết thứ trái cây này từng được các vua chúa nhà Nguyễn trân trọng ra sao?

Tuy vậy, việc triều Nguyễn cắt đặt ra một chức sắc địa phương gọi là “quản Nam Trân” để coi sóc vườn cây trái thiên nhiên và cái lệ tiến cung dâng trái để giỗ Tết hằng năm vẫn còn ghi rành rành trong sử sách cũng cho phép người ta hình dung điều đó phần nào. Và nữa, nếu những biện dẫn trên đều chưa thuyết phục được đệ tử của chủ nghĩa hoài nghi, thì đây, minh chứng hùng hồn nhất trong chuyện này, là những ngôn truyền in sâu vào ký ức người dân bản địa cho đến thế hệ ngày nay.

Họ – những người dân miền tây tỉnh Quảng Nam – luôn “chúng khẩu đồng từ” với dư dật lòng tự hào rằng, chính rừng núi quê hương họ đã sản sinh thứ trái cây được vua yêu chúa chuộng ấy. Tên chữ vua đặt cho nó là gì họ chẳng mấy hiểu rõ, nhưng còn tên “cúng cơm” thì gọi lên nghe ra ngay thổ âm đặc sệt Quảng Nam: Loòng boong!

Truyền thuyết “vương quả”

Loòng boong được triều Nguyễn trân trọng cũng có căn nguyên. Theo truyền thuyết và dã sử, ông vua sáng nghiệp triều Nguyễn – Gia Long (Nguyễn Ánh), thuở còn “đuổi hươu”, trong một lần bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải bỏ chạy vào vùng rừng núi hoang dã phía tây thuộc huyện Đại Lộc ngày nay. Đang cơn đói khát, gặp rừng loòng boong, cả quân lẫn chúa đều hái lấy trái mà ăn, nhờ vậy qua cơn khốn cùng.

Khi thành đế nghiệp, ông vua này đã không quên hương vị thơm ngọt của thứ trái cây cứu tinh trong lúc nguy nan, bèn “ban” cho tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý (như ngọc) ở xứ Quảng Nam. Lại có thuyết cho rằng nhân vật ấy không phải là Nguyễn Ánh mà là Chúa Nguyễn Phúc Thuần… Còn theo chính sử triều Nguyễn, Nam Trân được tiến vua để giỗ Tết ở Hưng miếu, và để làm đồ ngự dụng (nôm na là để vua ăn). Năm 1802, dinh Quảng Nam đã chạy trạm trái Nam Trân tiến vua.

Đến năm 1805, đích thân Gia Long hạ lệnh “Vệ hạt Quảng Nam thường năm đến kỳ tháng 9 dự tính việc hái trái, chia làm 2 kỳ, đúng ngày đến kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng miếu”. Triều Minh Mạng, năm 1830 quy định khá rõ ràng là mỗi kỳ trái chín phải tiến cống 6 giỏ. Suốt triều Nguyễn, mỗi triều vua đều có chỉ dụ của đương kim hoàng đế về lệ này.

Ngược dòng lịch sử về một thời gian xa xăm hơn, thì hoá ra nhà Nguyễn cũng chỉ có công “phát dương quang đại” thứ “vương quả” này, bởi, người Chămpa cổ đã biết thưởng thức hương vị đậm đà của loòng boong, nghĩa là trước các ông vua Nguyễn hàng mấy thế kỷ.

Theo thư tịch cổ, vào thế kỷ XIII, dưới triều các vua Chămpa, đẳng cấp quý tộc Brahman thường bắt “dân đen” vùng tây Đại Lộc (kéo dài lên đến huyện núi Nam Giang ngày nay) cống nộp loòng boong. Thế nhưng, một điều hơi lạ là chưa hề nghe có một truyền thuyết nào kể về gốc gác của loòng boong, đại loại như một loài chim lạ, hay một trận gió lành chẳng hạn, đã mang hạt trái quý đến nảy mầm trên xứ sở này, tương tự trái dưa hấu của Mai An Tiêm, theo một môtíp dân gian quen thuộc…

Mà loòng boong chẳng mọc thành rừng ở đâu khác ngoài Quảng Nam. Những người dân bản địa chỉ biết rằng tự đời nảo đời nào đã có rừng loòng boong. Các lão nhân ở xã Đại Sơn – Đại Lộc cho hay, khi họ có mặt trên cõi đời bụi bặm này thì rừng loòng boong tại đây có nhiều cây ước đã hàng mấy trăm năm tuổi. Rừng loòng boong được gọi là “thiện lâm” (rừng lành), bởi không thú dữ ẩn nấp, chẳng cần ai trồng cấy gì vẫn tự nhiên mọc bạt ngàn, mênh mang từ đầu này đến đầu kia, và chỉ tầng tầng lớp lớp là loòng boong, không một loại “cây thảo dân” nào khác có thể xen vào…

Lễ hội loòng boong

Mỗi năm một mùa, rừng loòng boong lấp lánh màu vàng trái chín, vắt dài qua quãng thời gian cuối năm trước đến đầu năm sau âm lịch. Đầu mùa trái chín rộ, rừng tưng bừng lễ hội. Từ buổi chiều hôm trước ngày vào mùa, mọi người đã cơm đùm gạo gói, dây giỏ sẵn sàng, tập trung ở cửa vườn. Dân Đại Sơn gọi rừng loòng boong là vườn, gọi trái loòng boong là trái, với ý trân trọng loại quả vật này.

Theo nhiều người thì đây là cách gọi có từ thời loòng boong trở thành “vương quả”, vì thói thường hễ thứ gì đã được bậc công hầu trưởng giả tôn quý thì ắt rằng hạng thảo dân sẽ càng tôn xưng. Gọi riết thành quen. Vả chăng, đó cũng là một phong tục của người dân miền ngược vốn gắn chặt đời sống với rừng. Sự trân trọng ấy còn thể hiện trong lễ cúng tại cửa vườn Đại Sơn, cũng là bến sông thượng nguồn Vu Gia, vào buổi chiều đầu mùa này: lễ cúng “xả cửa vườn”. Lễ vật do mọi người đóng góp, nhiều thì cúng lớn, ít thì cúng nhỏ, khấn vái thần rừng thần rú thần sông đủ cả… Để rồi từ tờ mờ sáng hôm sau mọi người mới khởi sự lấy trái ngọc của rừng. Phải ít nhất 2 người đi chung, một dưới gốc và một trên cây.

Cây loòng boong khá cao, đến vài chục mét, thân trơn trượt, nhiều cành nhưng khó phân biệt tươi khô, nên người trên cây phải mang nài, và chẳng phải là thu hoạch dễ dàng như lấy đồ trong túi. Trái loòng boong buông thả từng chùm ở các kẽ thân, cành, người hái kê giỏ vào tuốt lấy. Giỏ đầy thì ròng dây thả xuống cho người dưới gốc, rồi lại kéo lên tiếp tục cuộc leo trèo. Càng lên cao cành loòng boong càng đan dày. Cây này hết trái, người hái lại chuyền cành để sang cây khác. Tiếng í ới la gọi nhau. Ánh nắng và màu vàng lấp lánh của trái, cả một rừng cơ man là trái. Xôn xao và nhộn nhịp. Tất cả diễn ra trong không khí một lễ hội của rừng…

Chiều tối. Một số người gùi trái về nhà. Theo tập tục, chùm trái ngon nhất được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất. Lại dành một phần nữa mang tặng những hàng xóm láng giềng đơn chiếc không người đi hái lộc đầu mùa. Và rồi, cả gia đình quây quần tận hưởng hương vị thơm mát tinh khiết như chất ngọc của rừng… Họ chỉ hái trái đủ mang về nhà. Những người hái trái để bán thường ở lại trong vườn suốt mùa.

Ngay tại cửa vườn, thương nhân đã chờ sẵn, thu mua rồi thả về xuôi theo đường thuỷ hoặc chuyển bằng đường bộ bất kỳ. Thỉnh thoảng cũng có người tự gùi trái về xuôi để bán, chủ yếu lấy làm lộ phí rong chơi phố phường một chuyến, tiện thể mua sắm vài món đồ xa xỉ làm quà… Đối với người dân bản địa, loòng boong như một nguồn lợi nho nhỏ rừng ban tặng mỗi năm một lần. Nhiều người đi vườn hái trái chỉ mong hưởng lộc theo tập quán tự lâu đời, hoặc giả bởi một động thái leo – trèo – hái – lượm tự thuở xa xưa nào đấy đến giờ vẫn còn chảy trong máu thúc giục lôi cuốn, hơn là vì lợi ích kinh tế.

Bảo tồn gen “vương quả”

Không chỉ một cửa vườn Đại Sơn, mà vùng tây Quảng Nam hiện nay có hàng mấy chục cửa vườn như vậy. Một mùa trái, một người chậm tay cũng kiếm được vài trăm ngàn bỏ túi. Có điều, đó là nguồn lợi tự nhiên chẳng phải tốn công chăm sóc hay đầu tư gì nhiều. Theo ước tính, mỗi mùa một cửa vườn xuất đi hàng chục tấn loòng boong. Giá loòng boong chưa bao giờ quá 5 ngàn đồng một ký tại cửa vườn, nhưng luôn luôn nhỉnh hơn giá lúa. Một kilôgram loòng boong xuống đến đồng bằng đã lên giá gấp đôi, và vào Nam ra Bắc thì gấp mấy lần.

Trước năm 1987, Nhà nước bao cấp cả việc khai thác và thu mua loòng boong. Kịp đến thời đổi mới, các rừng loòng boong cũng “xả cửa vườn”, người dân tự do thu lợi, nên chi nhiều cánh rừng loong boong tự nhiên lâm vào kiệt quệ. Chính vì vậy, loòng boong dần dà không chỉ đơn thuần chỉ để thưởng thức như một loại lâm thổ sản đặc sắc do thiên nhiên hào phóng ban tặng. Cây loòng boong bắt đầu quá trình di thực về vườn nhà, trở thành loại cây góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân miền núi. Hiện nay, hàng trăm vườn loòng boong ở các huyện vùng tây Quảng Nam đã đem lại nguồn lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm cho những người biết trân trọng giữ gìn nó. Tiên phong, và cũng ồ ạt nhất là dân huyện Tiên Phước.

Chỉ đáng tiếc, loòng boong nhà không ngon ngọt bằng loòng boong rừng. Âu đó cũng là lẽ tự nhiên đối với những gì đã xa lìa đất gốc. Mấy năm trở lại đây, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam bắt tay vào thực hiện một chương trình khoa học ứng dụng công nghệ gene để bảo tồn và nhân giống loại “vương quả” này. Sau quá trình khảo sát, tìm kiếm, theo dõi, vài chục cá thể cây loòng boong giống gốc, mang đặc tính vượt trội đã được tuyển chọn tại những vùng quê hương nguyên thuỷ của loòng boong. Chúng hứa hẹn sẽ cho ra đời một thế hệ “vương quả” mới…

Dư vị

… Ngày nay, trên lớp vỏ mỏng màu vàng nhạt của thứ trái cây ruột trắng mịn màng hương thơm tinh khiết và ngọt đậm đà này, vẫn còn một vệt lờ mờ tựa hồ dấu móng tay, tương truyền chính thị vết móng tay ông vua Nguyễn thuở nào lưu lại khi bấm vào để thử xem trái đã chín hay chưa.

Đương nhiên đó chỉ là một môtíp truyền thuyết khá quen thuộc. Và cũng thật khó mà quên rằng, các triều đại hay các bậc vua chúa phong lưu bao giờ chả có những nhã thú cầu kỳ, và cực tốn kém. Nhưng dẫu sao mặc lòng, giờ đây trong con mắt những người không bị gò bó bởi chủ nghĩa thành kiến thì ông vua Nguyễn ấy cũng đã làm một nghĩa cử để từ đó thứ trái cây nơi góc rừng này không chỉ được nếm bằng đầu lưỡi mà còn được hân thưởng bằng cả tâm hồn…

Loòng boong góp phần tạo nên không gian làng nhà vườn cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Đồng thời, nó cũng giúp cho nhiều nông dân miền núi Quảng Nam trở thành triệu phú nhờ di thực loòng boong về vườn nhà.