Phương pháp mới đánh giá tính đa dạng sinh học

Các nhà khoa học Sri Lanka và Đức đã phát triển một phương pháp mới để đánh giá tính đa dạng sinh học và cho biết nó có thể giúp nhận dạng các loài thực vật chủ chốt.

Theo truyền thống các nhà sinh học thường đo tính đa dạng sinh học bằng cách tính số lượng của một loài ở một vùng, nhưng phương pháp mới này sử dụng phép phân tích thống kê để biết một loài gây ảnh hưởng đến các loài khác trong một vùng như thế nào.

Công trình nghiên cứu về phương pháp mới mang tên ‘individual species-area relationship’ (Mối quan hệ cá thể đới loài – ISAR) này đã được công bố trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Các nhà thực vật học thuộc trường Đại học Peradeniya tại Sri Lanka và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz, Đức đã xem xét từng loài thực vật cá thể gây chèn ép hoặc khuyến khích sự tăng trưởng của các loài khác sống gần như thế nào.

Họ đã sử dụng phương pháp này tại các cánh rừng nhiệt đới đảo Barro Colorado tại Panama và Sinharaja ở Sri Lanka để xem xét từng loài cá thể làm tăng hay giảm tính đa dạng sinh học ở địa phương, hoặc là không có tác động nào.

Họ phát hiện thấy hơn hai phần ba các loài không gây tác động đáng kể đến những diện tích rừng rộng lớn. Một phần ba còn lại chỉ có ảnh hưởng ở quy mô nhỏ, trong phạm vi bán kính khoảng 20 mét.

Các nhà khoa học cho biết điều này phù hợp với lý thuyết cho rằng tính đa dạng của các cánh rừng và các hệ sinh học tự nhiên phức hợp tương tự không phụ thuộc vào các đặc tính của một vài loài nổi trội, mà là vào những mối tương tác tổng thể giữa các loài.

“Đây là một bước tiến tới việc hiểu được tại sao và bằng cách nào các cánh rừng ẩm ướt nhiệt đới vẫn còn duy trì được một sự phong phú cao về các loài như vậy”, Nimal Gunatilleke, giáo sư thực vật học thuộc trường Đại học Peradeniya và là tác giả của công trình nghiên cứu phát biểu.

Ông cho biết, phương pháp ISAR sẽ được thử nghiệm tại các khu rừng nhiệt đới và rừng ôn đới khác nhằm kiểm tra và cải tiến nếu cần thiết. Phương pháp này có tiềm năng sử dụng trong quản lý bảo tồn khoa học các khu rừng và đưa ra dự báo về tình trạng rừng.

Một hạn chế của phương pháp mới này là nó đòi hỏi một khối lượng dữ liệu rất lớn. Ví dụ như các khu rừng nhiệt đới cần đến việc lập bản đồ từng loài cá thể trong các thửa đất rộng hơn 25 hecta. Và hiện nay chỉ còn có một vài vùng đất có kích thước như vậy trên phạm vi toàn thế giới.