Phát hiện về gene giúp tạo cây trồng chịu hạn

Các nhà khoa học Phần Lan và Mỹ vừa phát hiện một gene kiểm soát sự hấp thụ carbon dioxide đồng thời kiểm soát lượng nước bay hơi ở thực vật. Khám phá này mở ra triển vọng tạo được các giống cây lương thực chịu hạn tốt và điều chỉnh biến đổi khí hậu.

Kiểm soát lượng nước

Thực vật đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh khí quyển thông qua việc hấp thụ lượng carbon dioxide trong không khí. Chúng hấp thụ khí gas thông qua các lỗ nhỏ trên bề mặt lá gọi là các khí khổng (stomata) và cũng thông qua các lỗ nhỏ này, hơi nước được thải ra.

Trong điều kiện thời tiết cực kỳ khô hạn, cây có thể bị mất đến 95% lượng nước thông qua các khí khổng.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã luôn tìm cách phát hiện ra gene điều khiển các khí khổng ở cây.

Và giờ đây, trên Tạp chí Tự nhiên, nhóm các nhà khoa học của Phần Lan và California (Mỹ), vừa công bố họ đã tìm ra cách tác động vào gene để kiểm soát sự đóng mở của các khí khổng này.

Các nhà khoa học cho biết, từ khám phá quan trọng này, con người có thể tác động vào thực vật, khiến chúng vẫn tiếp tục hấp thụ carbon dioxide trong khi giảm lượng hơi nước thải vào khí quyển, như vậy, thực vật có thể sống được ở điều kiện rất khô hạn.

Đang ở bước khởi đầu

Giáo sư Jakko Kangasjarvi, thuộc trường đại học Helsinki, Phần Lan nói, hiện nay, công việc kiểm soát gene thực vật mới đang tiến hành bước đầu tiên.

Các nhà khoa học đã thành công khi thử nghiệm với rất nhiều loại rau cải. Họ tin rằng các cơ chế tác động gene cũng tương tự đối với rất nhiều loại cây lương thực, trong đó có cây lúa.

Người ta tin rằng, khám phá mới về gene kiểm soát lượng nước bay hơi ở thực vật sẽ được ứng dụng vào ngành trồng trọt trong vòng 20 năm tới.