Nhức nhối nạn buôn bán động vật hoang dã

Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh động vật hoang dã (ĐVHD). Vì vậy, nạn buôn lậu ĐVHD quý hiếm không hề có chiều hướng suy giảm.

Nhức nhối vi phạm

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó trung tâm là Hà Nội, đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm với số lượng lớn. Từ động vật thuộc loài nguy cấp cần được bảo vệ (nhóm IB) đến những loài hạn chế khai thác (nhóm IIB) đều có mặt trên thị trường.

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong năm 2007, số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD mà cơ quan chức năng phát hiện được, lên đến 1.241 vụ, với trọng lựợng hơn 66 tấn, trong đó chiếm một lượng khá lớn là thuộc loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy đó mới chỉ là bề nổi, chỉ chiếm từ 3-5% tổng số lượng vi phạm nhưng cũng đủ hình dung tình trạng buôn bán, vận chuyển ĐVHD hiện nay đang diễn ra như thế nào.

Gần đây, việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD trên địa bàn Hà Nội đã trở nên nhức nhối. Vụ “xẻ thịt” nấu cao hổ tại Thanh Xuân, thu giữ 2 con hổ, 4 ngà voi, 5 tay gấu và một số xương, sừng linh trưởng khác khiến dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì tiếp đó, ngay đầu năm 2008, Công an Hà Nội lại phát hiện, bắt quả tang vụ buôn bán hổ sống lớn nhất từ trước đến nay tại Tân Triều- Thanh Trì, tịch thu 2 con hổ sống. Lần theo dấu vết, công an còn phát hiện thêm 4 con hổ đông lạnh tại một nhà kho thuộc TP. Hà Đông, tỉnh Hà Tây cùng một số bao xương ĐVHD đang chờ nấu cao.

Không dừng lại ở đó, những đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD còn táo tợn khi đưa một khối lượng ĐVHD khổng lồ lên máy bay. 700kg rắn hổ mang có xuất xứ từ Indonesia, qua Bangkok và về Việt Nam được phát hiện tại sân bay Nội bài cách đây không lâu. Trong khi, cơ quan chức năng vẫn đang phải điều tra nguồn gốc và điểm đến của “lô hàng” thì, tiếp tục, hơn một tấn rắn dáo trâu được trang bị dưới vỏ bọc cá tươi cũng xuất phát từ Indonesia, qua Thái Lan để vào Việt Nam.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng đã có 3 vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD được phát hiện ngay tại Hà Nội, sau đó là Hà Tây, Quảng Ninh… với số lượng lớn, cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển ĐVHD, quý hiếm càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Xử lý khó khăn

So với thời gian trước, công tác bảo vệ ĐVHD ngày càng được quan tâm, bằng chứng là ngày càng có nhiều số vụ vi phạm bị xử lý. Tuy vậy, mức xử lý vẫn chưa đủ mạnh để có sức răn đe.

Ông Nguyễn Phi Truyền- đội trưởng đội Kiểm lâm đặc nhiệm- Cục Kiểm lâm cho biết: “Căn cứ vào Pháp lệnh xử phạt hành chính và Nghị định 159 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng thì mức phạt cao nhất chỉ là 30 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quản lý, bảo vệ động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB”. Vì, theo Thông tư liên tịch giữa năm ngành, trong đó có Bộ Công an và Bộ NN&PTNT, thì những hành vi buôn bán, nhập lậu ĐVHD thuộc nhóm IIB không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính.

Phức tạp hơn, Việt Nam hiện đang là một trong những nơi trung chuyển ĐVHD lớn của những đường dây buôn lậu ĐVHD xuyên quốc gia. Do đó, những lô hàng có nguồn gốc xuất phát từ nước ngoài mà cơ quan chức năng phát hiện được trong thời gian gần đây vẫn còn đang lần tìm chủ nhân.

Ông Truyền cho biết thêm: “Khá nhiều lô hàng ĐVHD bị bắt đều có xuất xứ từ Indonesia. Nguyên nhân do, Indonesia có 70% diện tích rừng, lượng lâm sản rất lớn, mà Indonesia mới tập trung vào việc quản lý gỗ, còn ĐVHD chưa quan tâm đến. Vì vậy, lợi nhuận từ việc buôn lậu này rất lớn, các chủ buôn lậu không trừ một thủ đoạn nào”.

Theo ông Truyền, giá các loài ĐVHD ở Indonesia và tại Việt Nam chênh nhau khoảng 10 lần. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến cuối cùng mà cũng chỉ là điểm tập kết, chờ đưa sang Trung Quốc và một số nước châu Á khác tiêu thụ.

Việc xử lý đối với tang vật tịch thu được cũng đang khiến cơ quan chức năng đau đầu. Hơn 1 tấn rắn dáo trâu hiện vẫn đang “tạm” gửi ở Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn, còn xử lý ra sao vẫn chưa có quyết định. Tuy nhiên, theo ông Truyền, sẽ không thả trở lại vì số rắn dáo trâu đó có nguồn gốc từ nước ngoài.

Hơn nữa, với một khối lượng rắn khổng lồ như vậy, hiện cũng chưa có trung tâm cứu hộ nào có khả năng tiếp nhận. Bà Lưu Thị Ngọc Anh công tác ở Trung tâm giáo dục thiên nhiên cho biết: “Các trung tâm cứu hộ hiện chưa đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận một số lượng lớn các loài động vật hoang dã tịch thu được”. Chính vì vậy, Cục Kiểm lâm cũng tỏ ra khá lo lắng với một số lượng lớn gấu vừa phát hiện tại Quảng Ninh (80 cá thể gấu nuôi nhốt bất hợp pháp), Cục đã có văn bản trình Chính phủ để xin phương án xử lý.

Trong khi cơ quan chức năng còn đang “gỡ rối” với phương pháp xử lý, xử phạt thì số hồ sơ vi phạm cũng như số lượng ĐVHD vi phạm tịch thu được cứ ngày càng một nhiều lên, cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển ĐVHD, quý hiếm cũng ngày một táo tợn hơn.