Khu du lịch sinh thái Mà Giá

Khu du lịch Mà Giá (nằm ở huyện Khánh Vĩnh, Nha Trang), một khu du lịch sinh thái đặc biệt do một người dân tộc Raglay khai phá, vẫn còn rất hoang sơ với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ như một món quà tặng quý giá của thiên nhiên dành cho con người.

Khánh Vĩnh cách thành phố Nha Trang khoảng 30km, là huyện có con đường mới mở Nha Trang – Đà Lạt (rút ngắn lộ trình từ thành phố cao nguyên về biển chỉ còn 140km), chạy ngang qua. Trên con đường này, nơi ngã ba tiếp giáp giữa đường cũ và đường mới có lối rẽ vào xã Yang-ly. Đi thêm khoảng 2km, chúng ta sẽ đến một khu du lịch sinh thái đặc biệt do một người dân tộc Raglay khai phá.

Xuất phát từ dãy Trường Sơn, dòng sông Cái Nha Trang băng qua nhiều ghềnh thác đổ xuống đồng bằng, qua nhiều dải đá cheo leo, tạo thành những con suối đẹp. Trong một lần đi tìm nước về tưới ruộng cho bà con, Mà Giá – nguyên Chủ tịch xã Yang-ly đã tìm thấy dòng nước len qua địa hình xã mình rất ngoạn mục. Khi ấy, vì chỉ muốn đem nước về tưới tiêu nên Mà Giá chưa nghĩ đến giá trị sinh thái của nó.

Năm 2000, khi đã nghỉ hưu, Mà Giá dựng một ngôi nhà sàn nhỏ ở rẫy của mình rồi khoanh vùng khu vực dòng sông Cái chảy qua xã Yang-ly khoảng 6ha cốt để giữ rừng. Để cuộc sống thuận lợi hơn, Mà Giá đào ao thả cá, tạo thêm vài tiện nghi cho sinh hoạt, bỏ công sức ra khuân đá chặn dòng nước để tạo thành dòng chảy nhỏ, tài bố trí cảnh quan, dựng thêm nhà sàn… Đến năm 2003, Khu du lịch sinh thái Mà Giá hình thành.

Khu du lịch Mà Giá vẫn còn rất hoang sơ. Càng đi sâu vào bên trong, cảnh trí thiên nhiên càng hùng vĩ. Nhiều loại cây rừng lạ như tre, nứa, mây ré, cọ, mác… cùng đủ loại đá giăng ngang, trải dọc rất tự nhiên, đúng nghĩa là quà tặng của thiên nhiên cho con người.

Dòng suối ở đây có nhiều tên. Người ta lấy tên xã Yang-ly đặt tên cho con suối, cũng có người gọi nó là suối Lách bởi từ dòng suối mẹ, con suối chảy qua khu vực này len lách thành nhiều nhánh nhỏ. Cũng có người gọi là suối Lau, nhưng tên gọi thông dụng nhất là suối Mà Giá.

Trên đường đi đến Khu du lịch sinh thái Mà Giá, khách sẽ đi qua vùng định cư của đồng bào dân tộc Raglay của xã Yang-ly. Tại đây, khách sẽ có dịp thấy được cuộc sống định canh, định cư của bà con và những sản vật của huyện Khánh Vĩnh. Bước qua những tảng đá thật lớn giống như cổng chào, khách sẽ thấy một bảng chỉ dẫn có dòng chữ nhắc nhở mọi người chú ý giữ sạch rừng.

Sau khi băng qua một dòng nước nhỏ, khách như lạc vào một thế giới của âm thanh nước vì đó là chỗ hội tụ của bảy dòng suối nhỏ. Rải rác những nhà sàn nhỏ khuất dưới tán lá rừng, bên dưới có dòng nước trong vắt chảy qua. Những chiếc cầu bắc ngang suối tạo điều kiện cho khách thám hiểm sâu vào bên trong. Lẫn trong giai điệu của dàn nhạc nước thiên nhiên, khách còn được nghe tiếng đàn đá ngân vang gần xa phát ra từ bộ đàn đá do chính của chủ nhân làm.

Từ xưa, người dân tộc Raglay đã có truyền thống làm bộ đàn đá rất công phu. Họ vào rừng lấy búa gõ vào viên đá nào có tiếng kêu “ma la”, đánh dấu để đó, rồi hàng ngày đến đó khai thác đá. Một bộ đàn đá phải có ít nhất từ chín đến mười một tảng đá. Đá được cột bằng hai sợi dây, loại dây mây chỉ có ở trong rừng, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Tảng đá lớn nhất (ma la mẹ) có thể bằng chiếc bàn, còn tảng nhỏ nhất (ma la con) chỉ bằng hai bàn tay.

Để thử đàn, phải làm một máng nước cho nước chảy từ trên suối xuống đổ vào đàn đá. Tùy theo con suối xa hay gần, có khi để thử một bộ đàn đá phải kéo cái máng dài cả trăm thước. Đá con kêu trước, đá mẹ kêu sau. Lại phải kéo dây cho các viên đá cụng vào nhau để kiểm tra âm thanh của toàn bộ đàn đá. Một bộ đàn đá phải làm mất nhiều năm mới xong. Bộ đàn đá của Mà Giá dù không được chế tác công phu như những bộ đàn cổ nhưng cũng tạo được những âm thanh của đá rộn rã, mời gọi bước chân du khách thám hiểm.

Những ngày cuối tuần hay ngày lễ, khách đến Khu du lịch Mà Giá đa phần là thanh niên hay gia đình trẻ. Khách có thể đem theo thức ăn và vui chơi, tắm suối. Chủ nhân khu du lịch không đòi hỏi khách phải trả tiền thuê nhà sàn, nhưng bắt buộc khách phải dọn dẹp sạch sẽ khi ra về và khi vui chơi không được chặt phá cây rừng. Mục đích của Mà Giá là giữ rừng, bảo vệ môi trường chứ không phải kinh doanh du lịch.

Đã có nhiều Công ty du lịch đặt vấn đề mua lại khu này với giá khá cao, nhưng Mà Giá nhất quyết không nhượng. Ông nói: “Mình giữ rừng, giữ nguồn nước là để lại tài sản to lớn cho con cháu rồi!”.