Nền kinh tế phát thải các bon thấp thúc đẩy tăng trưởng GDP

ThienNhien.Net – Một mô hình kinh tế mới do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giảm thiểu Biến đổi khí hậu Cambridge khởi xướng chứng minh rằng lập luận coi việc hạn chế sự biến đổi khí hậu là tác nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP đã dựa trên những nhận định sai lầm.

Nghiên cứu cho rằng việc tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu, giảm nhiệt độ xuống mức không vượt quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp trên thực tế lại làm tăng GDP toàn cầu thông qua việc áp dụng các công nghệ hiệu quả hơn.

Tại hội nghị về khí hậu tại Cophenhagen diễn ra trong tháng 3 vừa qua, tiến sĩ Terry Barker, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những ước đoán trước kia cho rằng để đạt được mục tiêu 2oC của EU sẽ làm giảm GDP từ 1-3% là dựa trên những giả thiết sai lầm.

Ông nói: “Có những bằng chứng chứng tỏ các mục tiêu và điều khoản nghiêm ngặt về giảm khí nhà kính thực sự có thể làm tăng lợi nhuận thông qua việc phổ biến cũng như cải tiến các công nghệ phát thải ít các bon, và làm tăng nguồn thu từ việc cắt giảm thuế hay các loại giấy phép khác. Số tiền thu được có thể sử dụng hỗ trợ tiếp theo cho công nghệ mới và làm giảm các thứ thuế gián tiếp khác, đảm bảo sự trung hòa về tài chính giữa các biện pháp này.”

Barker cho biết thêm, các mô hình dự báo trước đây cho rằng nền kinh tế sẽ bị sụt giảm do cắt giảm lượng phát thải cabon thường dựa trên những nhận định sai lầm là kinh tế toàn cầu đang đáp ứng đủ nhu cầu công ăn việc làm và thiếu những khả năng tạo nên sự chuyển dịch sang nền kinh tế thải ít các bon. Trái lại, mô hình mới cho rằng nền kinh tế phát thải cácbon thấp sẽ đáp ứng được thực tế thiếu việc làm trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng thời sẽ làm tăng GDP.

Với mô hình này, việc phát triển nền kinh tế phát thải các bon thấp thậm chí sẽ trở nên dễ dàng hơn dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay vốn đang mang lại tỉ lệ thất nghiệp cao.

Nhóm nghiên cứu của Barker dự đoán, tác động của nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm nhẹ 2,3% trong năm nay và năm tới, và điều đó có nghĩa là lợi nhuận GDP thậm chí còn lớn hơn nếu nền kinh tế tiếp cận được các công nghệ phát thải cácbon thấp.

Các kết quả thu được của nhóm nghiên cứu Cambridge đưa ra đúng lúc nhà kinh tế học người Anh, Lord Nicholas Stern, cho rằng lập luận suy thoái kinh tế đồng nghĩa với việc thế giới không còn đủ sức để đầu tư vào công nghệ các bon thấp là thiếu cơ sở. Bởi theo ông cuộc suy thoái đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư cho kinh tế phát thải các bon thấp sẽ giảm, trong khi những lợi ích mang lại từ các khoản đầu tư này trong thời gian trung bình đến dài hạn là như nhau, khiến việc đầu tư trở nên hấp dẫn hơn.

Theo một nghiên cứu do chính phủ Anh đề xuất, năm ngoái các dịch vụ môi trường và kinh tế phát thải cácbon thấp trên toàn cầu có trị giá 3 ngàn tỉ bảng Anh.

Nước Anh là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới về các hàng hoá, dịch vụ môi trường phát thải các bon thấp (LCEGS) như nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và sản phẩm tái chế. Doanh thu của LCEGS là 107 tỉ bảng vào 8/2007, đem lại 880.000 việc làm và được dự đoán sẽ tăng lên thêm 45 tỉ bảng trong 10 năm tới. Trong khi toàn bộ nền kinh tế Anh vào cùng thời điểm có trị giá 1.600 tỉ bảng.

Nghiên cứu chia LCEGS thành 3 phần: 1. Dịch vụ môi trường truyền thống như tái chế, quản lý nước và rác thải; 2. Nguyên liệu tái sinh như gió, thuỷ năng và điện sinh khối; 3. Kinh doanh phát thải cácbon thấp bao gồm năng lượng hạt nhân, tài chính các bon và các công nghệ xây dựng. Trong đó kinh doanh các bon thấp chiếm gần một nửa giá trị thị trường LCEGS trên toàn thế giới, tương đương 1.449 tỉ bảng, năng lượng mới chiếm khoảng 31% tỉ (940 tỉ bảng), các hoạt động môi trường truyền thống giữ 21% còn lại (657 tỉ bảng).

Thị phần LCEGS lớn nhất nằm ở Châu Á, chiếm 38% toàn cầu, sau đó là Mỹ với 30% và Châu Âu 27%. LCEGS có trị giá 629 tỉ bảng trong nền kinh tế Mỹ, mang lại cho nước này thị trường lớn hơn bất kỳ nước nào. Trung Quốc đứng thứ 2 với 411 tỉ bảng LCEGS.

Nghiên cứu được xuất bản trong đợt phát động Chiến lược Kinh doanh các bon thấp của chính phủ với mục đích hướng các nỗ lực vào việc tận dụng cơ hội từ các bon thấp và các ngành công nghiệp môi trường. Mục đích của nghiên cứu là tạo nên sự thay đổi trong 4 lĩnh vực chủ chốt: tăng hiệu quả năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng chuẩn bị cho nền kinh tế các bon thấp tương lai; nâng cao vai trò của Anh trong việc phát triển và sản xuất các phương tiện phát thải cácbon thấp; tạo nên một nước Anh thu hút các doanh nghiệp phát thải cácbon thấp.

(Theo Enviromental Finance, 12/03/2009)