EU luôn sát cánh ngay cả khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA

Ông Stefano Manservisi – Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển của Ủy ban Châu Âu – trong cuộc trao đổi với báo giới sáng 28.2 khẳng định, EU sẽ không thay đổi mối quan hệ đối tác với Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển ngay cả khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA.

Ông Stefano Manservisi trong cuộc trao đổi với báo giới Việt Nam sáng 28.2. Ảnh: V.A

Tại Việt Nam, ông Manservisi đã gặp lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Ngoại giao, Y tế để rà soát triển khai các chương trình hợp tác giữa EU và Việt Nam.

Ông Manservisi cho biết, EU đã chuẩn bị khoảng 400 triệu euro cho các chương trình ở Việt Nam, đề xuất thực hiện trong hai lĩnh vực là cải cách năng lượng và quản trị công, bao gồm quản trị công về kinh tế và tư pháp.

Ngày 27.2, EU và Bộ Công Thương đã chính thức ra mắt Hợp phần Hỗ trợ Kỹ thuật ngành năng lượng EU-Việt Nam, là một phần hỗ trợ kỹ thuật cho công tác triển khai Chương trình Hỗ trợ chính sách ngành năng lượng trị giá 108 triệu euro của EU.

Theo ông Manservisi, EU cũng dành 35 triệu euro cho các chương trình quản trị công về kinh tế và tư pháp, hỗ trợ đảm bảo minh bạch trong quản lý tài chính, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách, tăng cường tiếp cận tư pháp cho tất cả người dân…

Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác Quốc tế và Phát triển nhấn mạnh, hợp tác của EU và Việt Nam dựa trên hai yếu tố, đó là cơ chế đối thoại mạnh mẽ để hiểu kế hoạch định hướng của Việt Nam, và để cho Việt Nam làm chủ cao nhất các quyết định của mình.

“Chúng tôi ở đây không nhằm mục tiêu đưa ra ý tưởng, mà lắng nghe kế hoạch của Việt Nam. Chúng tôi tiếp cận dựa trên sự tôn trọng, đối thoại và quyền làm chủ của Việt Nam” – ông Manservisi nói.

Ông Manservisi bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế tích cực của Việt Nam trong thời gian qua, khi Việt Nam dần dần trở thành nước có thu nhập trung bình, “tốt nghiệp” ODA, thay đổi trong sử dụng các nguồn vốn viện trợ để phát triển.

“EU sẽ không thay đổi mối quan hệ đối tác với Việt Nam và không tách khỏi Việt Nam ngay cả khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA” – ông Manservisi nói, khẳng định quan điểm rằng mối quan hệ đối tác hữu nghị với Việt Nam không chỉ thể hiện bằng cấp viện trợ, mà là duy trì đối thoại, giảm hỗ trợ tài chính nhưng tăng hỗ trợ kỹ thuật, tập trung phát triển vào đầu tư công, bởi đó là cách thúc đẩy tăng trưởng căn bản và bền vững.

Ông Manservisi cho biết, các khoản viện trợ của EU cho Việt Nam là hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách nhà nước – là cách nhanh nhất để chính phủ có vốn thực hiện các chương trình trong những lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã nhất trí. Ông Manservisi cũng cho rằng vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính ở Việt Nam cần đẩy nhanh hơn để có thể sớm triển khai các chương trình hợp tác.

Nguồn: