Khi loài người xa lánh "biểu tượng hòa bình"

ThienNhien.Net – Chim bồ câu có khả năng thích nghi cao và số lượng chúng đang ngày càng tăng trên toàn cầu. Các nhà khoa học lo ngại rằng tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Một số thành phố đã tìm ra những cách này khác để giảm bớt số lượng loài chim này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách thức hiệu quả duy nhất là ngừng nuôi dưỡng chúng.

Chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình, tình yêu và sự tinh khiết. Tuy nhiên, mỗi năm chúng có thể thải ra tới 12 ki lô gam phân. Những kẻ kỳ thị chim bồ câu coi chúng là loài chuột biết bay hay gây bẩn và làm lây lan dịch bệnh.
Hiện thành phố New York, Mỹ có khoảng một triệu con chim bồ câu, còn Venice của Ý có mật độ chim bồ câu cao nhất với tỷ lệ 3 con/người dân. Ở hầu hết các đô thị lớn ở Châu Âu, tỷ lệ chim bồ câu là 1con/20 dân. Theo như dự đoán, trong vòng 10 năm tới, loài chim này sẽ tăng đến khoảng 50 triệu đến hơn 400 triệu con bởi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

GS. Daniel Haag-Wackernagel, một chuyên gia thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ nghiên cứu chim bồ câu đã phát biểu trên tạp chí điện tử SPIEGEL rằng: “Chim bồ câu mang sứ mệnh vĩ đại. Chúng là biểu tượng của tình yêu, của lòng trung thành và hoà bình. Từ xưa đến nay, loài chim này sở hữu một hình ảnh tuyệt đẹp và đáng yêu. Do đó việc giết loài chim này dưới mọi hình thức vẫn được xem là vô nhân đạo.”

Từ xưa, chim bồ câu đã tìm thấy vô số thức ăn gần nơi con người cư trú. Chúng có thể được nuôi dưỡng trực tiếp, ăn thức ăn thừa của ngựa hay lượm nhặt thức ăn tại các nơi công cộng ở các thị trấn Châu Âu thời Trung Cổ.

Sang thế kỷ thứ 20, dân số bắt đầu bùng nổ khi thực phẩm trở nên rẻ hơn cùng với việc nâng cao thu nhập cá nhân. Loài chim có khả năng thích nghi cực cao này đã tìm những nơi có thức ăn ở bất kể khu vực nào. Thức ăn chủ yếu của chúng vốn chỉ là thóc gạo thì nay các loài chim bồ câu “thành thị” hầu như có thể ăn mọi thứ.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã cố gắng giảm quần thể chim bồ câu. Họ thử đủ mọi cách như dùng thuốc độc, bắn súng, đốt tổ chim hàng loạt…và thậm chí là những chiếc ghế điện (đặt thức ăn trên những bệ kim loại có dòng điện cao thế để thiêu cháy những chú chim bồ câu sa bẫy). Những viên thuốc triệt sản cũng được sử dụng, mặc dù những viên thuốc này có thể gây độc cho những động vật khác. 

 Biến đổi khí hậu
Thành phố Venice của Ý có mật độ chim  bồ câu cao nhất (Ảnh: Spiegel)

Ở Luân Đôn, người ta thử nghiệm phương pháp “Gây sợ hãi”, dùng chim diều hâu Harris và những chiếc loa phóng thanh để xua bồ câu khỏi Quảng Trường Trafalgar. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ đuổi chúng tới một khu vực khác trong thành phố. Chính phủ Luân Đôn gần đây cũng đã áp dụng xử phạt nếu người dân cho bồ câu ăn ở quảng trường.

Có ý kiến lại cho rằng việc giết bồ câu hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Loài chim này có khả năng sinh sản vô cùng lớn và chúng sẽ trở lại. Cách tốt nhất để giảm số lượng loài chim này là ngừng nuôi dưỡng chúng. Trong thế giới hoang dã việc mất đi thức ăn hoàn toàn là một hiện tượng tự nhiên mà các động vật có thể thích nghi được. Một số người phản đối ý kiến này với luận điểm rằng con người không nên tàn nhẫn cướp đi nguồn lương thực của loài bồ câu.

Vào những năm 1980, thành phố Basel, Thụy Sĩ đã tiến hành một kế hoạch nhằm giảm 2/3 lượng chim bồ câu trong vòng 4 năm. Theo kế hoạch này, người ta cho xây dựng 9 chuồng bồ câu trên gác mái các nhà thờ và trường học, tại đó có các hộp đựng thức ăn cho chim. Tuy nhiên, họ không cho chúng ăn đồng thời lấy đi trứng của chúng và tiến hành thuyết phục người dân ngừng cung cấp thức ăn cho chúng. Các nhà khoa học cho rằng không cung cấp thức ăn cho bồ câu sẽ giảm khả năng sinh sản của chúng vì chúng sẽ buộc phải dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm thức ăn để tồn tại.

Thị trấn Moer nằm ở phía Tây nước Đức cũng thực hiện một kế hoạch hạn chế chim bồ câu, tuy nhiên kém triệt để hơn Basel. Trong vòng 3 năm qua, họ đã thuê những người thất nghiệp để làm công việc chăm sóc chim bồ câu. Những người này sẽ phải xây dựng cũng như dọn sạch các chuồng chim nơi công cộng và cho chúng ăn.

Một số chuyên gia cho rằng nhiều bệnh thường nhật, trong đó có dị ứng, có nguồn gốc phát sinh từ chim bồ câu. Chúng có thể mang khuẩn bệnh salmonella, bọ chét hay dĩn. Chúng lại thường tập trung nhiều tại các quảng trường, các quán cà phê ngoài trời nơi có nhiều người qua lại. Phụ nữ có thai, trẻ em, người lớn tuổi và những người mang bệnh HIV đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với loài chim này.

Giảm số lượng chim bồ câu cũng đem đến cho loài chim này chất lượng sống tốt hơn – bớt cạnh tranh và điều kiện sống thoải mái hơn. Dù bất cứ điều gì sẽ đến, tình yêu mãnh liệt của nhiều người đối với chim bồ câu là điều không thể phủ nhận. Một người dân thành phố Basel đã duy trì thói quen và niềm đam mê cho những chú chim bồ câu ăn cho tới lúc qua đời ở tuổi 89.