Nguồn “nguyên liệu” nào cho nhà máy thuỷ điện? (Kỳ II)

ThienNhien.Net – Hàng chục nhà máy thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ đang đồng loạt được đầu tư xây dựng tại Quảng Nam, đồng nghĩa với hàng chục nghìn ha rừng – vốn được xem là nguồn “nguyên liệu” chính để cho các nhà máy thuỷ điện hoạt động – đã bị tàn phá. Không biết rồi đây khi các nhà máy thuỷ điện đi vào hoạt động liệu có còn rừng để tạo ra nguồn nước cho việc vận hành, hay trở thành “sân phơi” thuỷ điện như nhiều chuyên gia đã cảnh báo?

Những dự án phá rừng mang tên “thuỷ điện” (Kỳ I)

Trong hầu hết các dự án nhà máy thuỷ điện đã được phê duyệt đầu tư tại Quảng Nam, vấn đề được các nhà đầu tư chú ý phân tích nhiều nhất chính là lợi thế về tiềm năng thuỷ điện tại vùng đất lắm bão nhiều lũ này.

Như hệ thống các nhà máy thuỷ điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, ngoài hiệu quả kinh tế hứa hẹn sản xuất hàng tỉ KW điện để cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia, bù đắp lượng điện thiếu hụt vào mùa khô cho đất nước, các dự án thuỷ điện còn góp phần cắt lũ cho vùng đồng bằng của tỉnh Quảng Nam.

Thế nhưng, chẳng có nhà đầu tư nào đặt vấn đề về chuyện hàng chục nghìn ha rừng bị mất, cũng như phải di chuyển hàng nghìn hộ dân, rồi kế hoạch trồng mới lại diện tích rừng bị mất, tạo nguồn “nguyên liệu” cho các nhà máy hoạt động cũng như tạo tấm lá chắn phòng hộ…

Thạc sĩ chuyên ngành lâm sinh Thái Truyền, nguyên Phó Chi cục kiểm lâm Quảng Nam là người đã có một thời gian dài sống chết với rừng Quảng Nam tâm sự, nếu không bảo vệ rừng, không có kế hoạch trồng mới lại diện tích rừng bị mất thì không nên đề cập đến việc triển khai các dự án thuỷ điện cũng như nói chuyện chung sống với bão lũ ở vùng đất này.Trong suốt buổi trò chuyện, ông nhắc đi, nhắc lại nhiều lần chuyện trồng và bảo vệ rừng, mà như lời ông khẳng định là vô cùng cần thiết khi hàng chục nhà máy thuỷ điện đã và đang được đầu tư tại vùng rừng núi Quảng Nam. Bởi không có rừng thì không thể nói đến chuyện làm thuỷ điện, mặc dù tiềm năng thuỷ điện của Quảng Nam là rất lớn bởi hệ thống sông có độ dốc lớn với nhiều ghềnh thác.

Nhưng nếu không có rừng thì không thể nói đến chuyện thuỷ điện vì rừng là nguồn nguyên liệu chính cho các nhà máy thuỷ điện hoạt động. Đó là mới kể đến vai trò của rừng đối với thuỷ điện, chưa nói đến những vai trò to lớn khác mà có lẽ bất kỳ người dân nào cũng hiểu.

Ngay ông Đặng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, một con người đã có hơn 20 năm sống chết với vùng rừng núi nơi đây khẳng định vai trò của rừng đối với người dân bản địa. Theo ông, thuỷ điện là tốt nhưng cần phải có một cái nhìn đúng và vừa phải không nên “lạm dụng” quá nhiều, ắt nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Chẳng hạn như tần suất bão lũ ngày một tăng và dữ dội, tôi không biết khoa học chứng minh mối liên hệ giữa mất rừng và bão lũ thế nào nhưng vốn là người dân ở đây, tôi nhận thấy rõ điều đó.  

Cũng như bao người dân khác, ông Hồ Văn Năng, một người dân Xê Đăng sống tại vùng núi huyện Bắc Trà My cho biết, nhà nước làm thuỷ điện bà con nhân dân đồng tình nhưng đề nghị nhà nước phải cho trồng lại rừng đã bị mất.

Nhiều người dân chúng tôi gặp trong chuyến khảo sát về các dự án nhà máy thuỷ điện tại Quảng Nam đều lên tiếng bức xúc về chuyện hàng chục nghìn ha rừng bị xâm hại. Tất cả đều đề nghị phải trồng lại rừng đã mất, bởi rừng đã trở thành nguồn nuôi sống của họ bao đời nay, rừng cung cấp gỗ quí, thú hiếm cho người dân. Không hề phủ nhận yếu tố rừng mất một phần do người dân chặt phá đốt nương rẫy, nhưng chừng đó chưa thể so với diện tích rừng bị mất từ 1 dự án thuỷ điện. Chỉ trong tích tắc hàng chục, hàng trăm có khi lên tới hàng ngàn ha rừng bị “triệt hạ”. Khi những cơn lũ dữ dội đổ ập về từ thượng nguồn, người dân bản địa đã dần nhận ra tất cả, còn “những vị trên cao” liệu có hay chăng?

Trong nhiều vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam mà chúng tôi gặp và trao đổi, khi đề cập đến vấn đề mất rừng, tất cả đều từ chối trả lời đầy tế nhị. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến chuyện vai trò của rừng để cho các nhà máy thuỷ điện hoạt động thì mọi người lại đều đồng tình và khẳng định rằng: hầu hết các dự án thuỷ điện được phê duyệt, chưa có dự án nào đề cập đến chuyện trồng lại rừng cùng lúc với chương trình đầu tư xây dựng nhà máy.

Điều đó cũng dể hiểu, bởi không một chủ dự án nào muốn đề cập đến chương trình tốn công tốn sức này. Dĩ nhiên, cái họ chỉ muốn khai thác là nguồn lợi từ rừng, nhưng không hề có kế hoạch tái đầu tư để phát triển bền vững, mà nói như ông Thái Truyền, nếu không đầu tư chương trình trồng rừng thì các chủ dự án kia cũng tự “giết” chết mình. Khi mà rừng không còn, đồng nghĩa với không còn nguồn nước vốn được rừng tạo ra, thì lúc đó, các nhà máy thuỷ điện sẽ biến thành sân phơi thuỷ điện là điều dể hiểu. Điều đó sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Nếu ngay từ bây giờ Quảng Nam không phối hợp với các chủ dự án thuỷ điện triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ và trồng mới để bù đắp lại diện tích rừng đã mất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang, một con người được xem là gắn bó với ngành nông lâm nghiệp Quảng Nam nhiều năm cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Theo ông Quang, việc trồng lại diện tích rừng bị mất là vô cùng cần thiết. Đó là sự sống còn của các nhà máy thuỷ điện, tạo tấm lá chắn tốt nhất để khống chế lũ lụt và xa hơn là kinh tế rừng cũng vô cùng lớn nếu biết khai thác tiềm năng một cách hợp lý và khoa học.

Tuy nhiên những ý kiến trên vẫn không được đáp trả, dự án vẫn tiếp tục triển khai, rừng vẫn tiếp tục bị phá. Không biết rồi đây khi những dự án thuỷ điện kia đưa vào hoạt động, liệu có còn nguồn nước cho nhà máy hoạt động một khi rừng không còn?