Chợ rừng

Đường lên chợ rừng xa thăm thẳm, cong dáng cầu vồng, chông chênh đèo dốc. Xe xuyên trong mây mà ngỡ đang trong lòng đại dương. Nhưng chợ rừng như vật thể có tâm hồn riêng, ẩn giữa non xanh nước biếc, cởi mở và chân tình đón khách phương xa. Ai từng đến chợ rừng chắc sẽ rất khó quên, để rồi thỉnh thoảng lại nhớ chơi vơi, muốn thu xếp ngay hành lý để tiếp tục thực hiện chuyến đi ngược ngàn.

Đâu có cuộc sống con người, ở đấy có chợ. Chợ cóc, chợ nổi trên sông, chợ bên gốc đa, gốc gạo làng quê… cho đến chợ hiện đại – siêu thị, với cầu thang điện, máy lạnh, camera… Chợ chủ yếu là nơi đến để mua bán hàng hoá. Tuy nhiên, chợ còn là chốn giao lưu, trao gửi tình cảm. Đó là chợ rừng – phiên chợ văn hoá, phiên chợ vùng cao.

Khoảng cách giữa bản và chợ thường xa ngái, có khi đến tận vài “quăng dao”(*). Vì thế nếu xuống chợ phiên, người, ngựa phải lên đường từ canh hai, canh ba cho kịp. Cùng với đuốc, tiếng vó ngựa lộc cộc rộn ràng khua, đánh thức đêm bình yên. Ngựa hý vang thay tiếng gà gọi sáng. Trong mù mờ sương, chùm quả nhạc treo cổ ngựa reo… rung… reng, rung… reng như tín hiệu báo trước phiên chợ sôi động.

Trời còn nhá nhem mà chợ đã đông. Mọi người dọn chỗ để bày thứ mình bán. Cả một dãy lù-cỡ (* *) kê san sát, chứa đủ mọi sản vật miền rừng: dưa, mướp đắng, su su, đào, mận, sơn tra (táo mèo)…, cải nương, cải làn, cải trắng, cải xanh, kiệu… mài, măng, nấm,… và bao nhiêu thứ nữa không kể xiết. Nhìn thật thích, trái thì đẫy đà căng mọng, rau non xanh mượt mà. Bởi tất cả đều sinh trưởng trên đất rừng màu mỡ, lại được tưới bằng sương núi tinh khiết.

Dạo vòng quanh chợ, chìm trong sắc màu trang phục của mười mấy dân tộc anh em mà ngợp mắt. Đã xuống chợ, ai mặc cũng đẹp, thành ra chợ như một đám mây ngũ sắc ở ngay trên mặt đất. Chợ rừng thật sự là một ngày hội nhỏ.

Len lỏi khắp chợ, có thể bắt gặp người Dao, người Mông cắp lợn con trên nách, mới hiểu được ngọn nguồn của từ ghép “lợn cắp nách”. Chà! Chú lợn con này lông đen cứng, mõm dài, tai dựng nhọn hoắt. Chắc chắn chú mang giống gien lợn rừng. Nếu ai đó cắc cớ hỏi: “Sao không buộc dắt mà lại cắp lợn vào nách?”, sẽ được đáp lại bằng một miệng cười rộng hết cỡ cùng câu trả lời hồn nhiên: “Đường xa, lợn con mệt, đi sao được!”.

Như chợ quê, chợ rừng có rất nhiều hàng quà ăn vặt. Ăn là lạ và ngon phải kể đến bánh “Pạc sì ẹt” của người Nhắng. Bánh làm bằng bột gạo nếp, luộc lên như bánh trôi, sau đó vớt ra cán lăn rồi nặn hình tròn dẹt. Bên trong nhân bánh chứa mật đường vàng óng trộn lẫn với vừng hạt, ngoài phủ lớp bột nếp trắng tinh màu giấy mới. Bánh mềm nuột trên tay, thoạt nhìn đã ngon, muốn cắn ngay giữa hai hàm răng cho bõ thèm.

“Pạc sì ẹt” phải được làm bằng gạo “nếp tan”, khi ăn thoang thoảng hương thơm đặc biệt. Và nếu không làm từ “nếp tan” chính cống, thì bánh “Pạc sì ẹt” bỗng hoá “vô duyên”, giống như cốm mà mất đi hương cốm sẽ chẳng còn là thứ quà tinh tế của mùa thu Hà Nội dành tặng nhân gian nữa.

Bánh đúc chợ rừng là thứ bánh đúc bột dong, được xắt thành từng thỏi quân chì nom trong như thạch. Không giống bánh đúc bột gạo, bánh đúc dong quấy không cần thêm nước vôi, hàn the mà ăn vẫn giòn sần sật, trăm phần trăm thuần khiết tinh chất củ dong. Bánh đúc cho vào bát, rắc lên chút húng thơm, mùi lá, ngò gai, rưới ít nước dưa chua thanh thanh, quả là một thức giải nhiệt khá ngon miệng.

Còn nữa, hàng bánh bỏng, từ nam chí bắc nơi đâu mà chẳng có bánh bỏng, nhưng đa phần đều là thứ bỏng rang nổ, xốp xồm xộp, bẹp dí nơi đầu lưỡi, gặp phải người khó tính vừa ăn vừa bực. Bánh bỏng chợ rừng thì khác, cầu kỳ ngay từ khâu chuẩn bị. Trước hết, nếp nhộng được thổi thành xôi, đem phơi đến khô se cứng lại như đá rồi cất đi dùng dần. Lúc rang, phải cho lửa từ từ, không để hạt bỏng nổ phồng. Như thế, khi cắn bỏng, miếng nào cũng giòn tan.

Chợ rừng, nơi bán món “thắng cố” bao giờ cũng là nơi đông khách. “Thắng cố” nấu bằng chảo, mùi hương thảo quả, hoa hồi bay lên bảng lảng, thơm dịu một góc chợ. Khi bụng đã no, rượu đã ngấm, thể nào cũng có vài ba người bá vai nhau cùng hát, giọng bung biêng, liêu trai.

“Thắng cố” bây giờ đã có mặt trong một số nhà hàng “đặc sản”. Lúc trời se lạnh, cùng bè bạn quây quần bên nồi “thắng cố” bốc khói nghi ngút, nhâm nhi chút rượu núi cũng rất tuyệt. Đã từng có đầu bếp thử dùng “ngũ vị hương” thay thế hoa hồi, thảo quả nấu “thắng cố” cho tiện, vậy là mất khách. Về sau không ai dám nghĩ đến cách làm ấy nữa. Vì như thế, còn đâu hương vị riêng thơm dìu dịu của “ngẫu hứng thắng cố” rừng.

 cho rung
 Rộn ràng phiên chợ (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Sẽ là thiếu sót nếu bạn quên qua thăm, nếm thử bát phở nơi chợ rừng. Sợi phở ở đây dày và to hơn phở phố. Trên mặt bát phở được phủ càng nhiều thịt lợn luộc thái mỏng càng tốt, không màu mè chỉ điểm lưa thưa hành hoa. Hai vợ chồng người dân tộc xuống chợ, gọi chung bát phở, mượn thêm chiếc bát, đôi đũa, xin thêm ít nước phở. Chồng san cho vợ phần nhiều, vợ lại san sang cho chồng. San đi, san lại, cuối cùng người chồng mỉm cười, lấy trong túi thổ cẩm ra gói xôi mang theo từ nhà để ăn cùng phở. Vậy là đủ chắc dạ đến hết ngày. Cách thưởng thức phở “có một không hai” này chỉ có thể thấy ở chợ rừng.
Đến với chợ rừng, ấn tượng nhất là khi được tận mắt chứng kiến “vũ điệu khèn Mông”. Con trai Mông vừa thổi khèn vừa múa ngả nghiêng đất trời, con gái Mông xúng xính trong váy áo mới, vòng bạc sáng, theo tiếng khèn xoay ô quay tít như cánh hoa bay trong gió.

Đôi lúc, còn gặp cảnh những chàng trai Mông “bắt vợ” giữa phiên chợ. Chàng trai “bắt vợ” kéo tay một cô gái, còn hai, ba bạn trai đứng đẩy giúp phía sau lưng. Cô gái “bị bắt cóc” vậy mà lại mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ. Hoá ra, đêm qua cô đã hẹn với người yêu hôm nay sẽ xuống chợ, để rồi được chàng “bắt cóc”. May quá, phong tục “bắt vợ” từ lâu đời của người Mông vẫn chưa mất, góp chút lãng mạn cho cuộc sống vốn bộn bề những lo toan.

Phố huyện miền núi giờ đây đã mang hơi thở mới, ngày nào cũng có chợ và bán rất nhiều hàng hoá. Nhưng người dân thì vẫn mong đến phiên chợ để được xuống đó ăn bát phở, để được hát một đôi câu hát, được gặp người bạn cũ lâu ngày…

(*) Người miền núi khi đi bộ đường xa thường đeo theo dao, khi nào dao đập vào hông mỏi, chuyển bên khác thì được gọi là một “quăng dao”.

(**)Lù- cỡ: Một loại giỏ đan bằng tre, đeo trên vai, giống như gùi của người dân tộc Tây Nguyên.