Quản lý rác còn thiếu chuyên nghiệp

Ở nước ta, quản lý rác vẫn còn thiếu chuyên nghiệp – Đó là ý kiến của GS-TSKH (Giáo sư-Tiến sĩ khoa học) Lê Huy Bá Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường TP.HCM và TS Ngô Hoàng Văn, Chủ tịch Hội Nước và Môi trường.

Thu gom rác… theo kiểu ve chai, đồng nát!

Phân tích về tính lợi hại của những dây rác dân lập (chiếm tới 70 – 80% nguồn lực thu gom rác), GS-TSKH Lê Huy Bá rạch ròi: Mặt lợi ích là giảm nhẹ gánh nặng thu gom rác cho Nhà nước. Đây là đội ngũ chịu làm vì nhu cầu mưu sinh. Họ được hưởng tiền thu rác, tiền hoa hồng hàng tháng, thu gom được rác phế liệu.

 hb
GS-TSKH Lê Huy Bá: “Rác thu gom theo kiểu ve chai, đồng nát… đã làm tăng thêm nguy cơ ô nhiễm từ rác”.

Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích kinh tế, nảy sinh thêm nhiều vấn đề tai hại từ những dây rác này: Xe nhỏ nhưng để tiết kiệm thời gian đi lại, nhiều khi họ sử dụng nhiều treo móc rình ràng và không khuôn mẫu, quy định. Rác vì thế vương vãi khắp dọc đường đi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Không ít người ở các dây rác này sử dụng cả những mánh lới “nhà nghề”, rác sau khi từ xe những người thu gom cá thể đẩy chưa tới nơi đã đổ đống không theo quy định, miễn là nơi không ai quản, phạt.

Họ sẵn sàng xịt nước vào các xe rác cho thêm nặng hơn mà không mảy may nghĩ xịt nước là cách làm gây mất ô nhiễm nhiều vì rác có quá trình phân huỷ rất nhanh, có khi ngay trên đường đi đã bốc mùi, rất hại sức khoẻ cho người dân và người trung chuyển. Ngoài ra, quá trình trung chuyển rác rất kém: Đổ rác nhưng không đổ, quay lại để đổ, để tính hai lần dù chỉ đổ 1 lần.

Dây rác tư nhân còn làm việc rất tuỳ hứng: 2, 3 ngày đi 1 lần, nhiều hộ không biết kêu ai khi rác tấp lên ngày càng nhiều trong nhà.

Ở các nước khác hoàn toàn không có tình cảnh này. Để chủ động hơn trong việc xử lý rác thải, họ trang bị thùng rác chống mưa có sức chứa lớn đặt ở những vị trí quy định. Người dân có ý thức tự đưa ra đó. Xe vệ sinh tới lấy thường xuyên theo giờ. Khi lấy xong, nhân viên vệ sinh sẽ chùi rửa ngay sạch sẽ và thùng rác hỏng là thu lại liền.

Cảnh thùng rác mà phải xích và khoá lại nơi gốc cây khu vực công cộng, hay công viên như mình hoàn toàn không có. Điều này đánh giá văn hoá đô thị ở nước ta còn nhiều thấp kém, đáng xấu hổ!

Cần sự chuyên nghiệp khi “sống chung với rác”

Theo ông Bá, hiện nay công cụ lấy rác của những người hành nghề rác hoàn toàn không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa có tổ chức, chưa kiểm soát, làm tự do và chạy theo lợi nhuận là chính nên những đường dây rác lẫn ve chai đều ít phát huy được tác dụng của mình mà còn góp phần gây thêm ô nhiễm.

Nếu được quản lý tốt, có phương pháp kỹ thuật trong việc thu gom rác, đặt mục tiêu thu gom rác là để xử lý rác, sau đó mới vì kinh tế thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Ở các nước càng phát triển, tốc độ phát sinh rác thải càng lớn. Mức độ trung bình khoảng 0,3 – 0,5 kg/người/ngày, trong khi đó ở Mỹ cao nhất 1,0 – 1,1 kg/ người/ngày.

Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức. TP.HCM trong nội thành khoảng 0,5 kg/ người/ ngày. Tốc độ phát sinh rác thải ngày càng cao, mùa mưa lượng rác thải cao hơn mùa nắng. Đặc biệt, độ ẩm trong rác mùa mưa là 60% và thường gây mùi thối nồng nặc, vì với độ ẩm như vậy và nhiệt độ 30 – 700 C là thích hợp cho vi sinh vật hoại sinh hoạt động gây thối rữa.

 
TS Ngô Hoàng Văn, Chủ tịch Hội Nước và Môi trường: “Quản lý rác ở ta còn thiếu chuyên nghiệp”.

Trong khi đó, TS Ngô Hoàng Văn, Chủ tịch Hội Nước và Môi trường cho rằng, việc xử lý rác thải hiện đã và đang có nhiều bước tiến về công nghệ, nhưng về mặt quản lý thì vẫn thiếu chuyên nghiệp nên gây nhiều trở ngại.

Hiện nay, dù không công bố rình rang nhưng ở nhiều tỉnh, địa phương vẫn có những kế hoạch quy mô về xử lý rác. Điều này cho thấy vấn đề rác thải đã là sự bức xúc: Công trình phát triển đô thị ở Ninh Thuận, đầu tư vào vấn đề rác thải với số vốn cao, công nghệ hoàn toàn Việt Nam nhưng có thể xử lý rác thành mùn rác trong 1 tháng (ủ theo cách của nông dân thì 3 tháng); Công ty Mê Kông (Cần Thơ) phát triển công nghệ sinh học và môi trường thí điểm trình diễn cách xử lý rác thành phế phẩm sau 14 ngày, và nếu xay nghiền chỉ mất 7 ngày.

Rác sau khi phân huỷ thành mùn có thể dùng làm phân bón lót, chỉ những rác không phân huỷ mới đem chôn lấp xử lý. Như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều diện tích chôn lấp và giải quyết một phần lớn nguồn ô nhiễm trở nên có ích lợi, chỉ mất 15 ngày – ông Văn cho biết.

Từ trước tới giờ, hầu hết rác đều được đem chôn (ngoài rác tái chế như giấy, nhựa, kim loại…), cho nên chỉ 2 năm bãi rác quy mô đã đầy hết chỗ chứa và phải đóng cửa. Đây là sự lãng phí từ nhiều phía.

Với cách xử lý rác thành mùn nói trên sẽ đưa lại nhiều lợi ích gắn với bà con nông dân nên sẽ giải quyết được một phần rất lớn cả vùng ven mà hiện nay chưa giải quyết được.

Để triển khai mô hình này rộng, cần có sự hỗ trợ về đất chôn (gần vườn, ruộng), diện tích đất bãi để xử lý phân huỷ chứ không nên chỉ tập trung 2, 3 điểm, gây khó khăn và lãng phí về vận chuyển.

Để thực hiện cách này, phải nhanh chóng tiến hành phân loại rác tại nguồn, vấn đề đơn giản nhưng với thói quen kém ý thức của phần nhiều người dân lại trở nên “đau đầu”!

Trong khi các nước phát triển rất chú trọng sáng kiến 3R – “Reduce –giảm thiểu”, “Reuse – tái sử dụng” và Recycle – tái chế” – là chìa khoá hành động cho mục tiêu trên thì ở ta, việc phân loại rác vẫn nan giải. Nếu mỗi người dân đều có ý thức phân loại rác hữu cơ, vô cơ, tái sử dụng ngay từ nhà thì vấn đề xử lý rác sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Xe đổ rác kín, có nắp đậy, nước bẩn phải có nơi chứa, không để chảy ra đường, không gây ô nhiễm và tránh mất mỹ quan đô thị. Tuy vậy, đây là cảnh “nói rồi, nói mãi” hàng nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được, một khi nhiều xe rác của nhà nước còn chưa đạt “chuẩn” và xe rác của người dân tự thu gom lại hoàn toàn tự trang, tự chế…thì chuyện xử lý rác vẫn mãi mãi là nan giải và không lối thoát!