Góp ý Quy trình vận hành trên lưu vực sông Hương

Tại cuộc họp Tổ soạn thảo và góp ý dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa (QTVHLHC) trên lưu vực sông Hương do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương được ban hành vào năm 2014 (Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2014) và năm 2015 (Quyết định số 2482/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2015).

Một góc sông Hương. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sau 5 năm vận hành, Quy trình bộc lộ nhiều bất cập

Sau gần 5 năm vận hành theo Quy trình, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hương đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du, đồng thời bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa.

Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, tổng kết quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua cho thấy có một số vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành các hồ trong việc cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du.

Cụ thể: Một số hồ thủy điện đã được đưa vào vận hành nằm trên dòng chính sông Hương và dòng nhánh có khả năng điều tiết nước và ảnh hưởng đến cấp nước hạ du, nhất là trong mùa cạn cần được xem xét bổ sung vào Quy trình; Chưa quy định vận hành hồ trong các tình huống bất thường trong mùa lũ và mùa cạn; Các chế độ vận hành, thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành và cung cấp thông tin báo cáo trong mùa lũ cũng như mùa cạn còn nhiều vấn đề chưa rõ và được quy định phân tán trong nhiều điều, khoản trong Quy trình cần bố cục lại; Các trạm thủy văn kiểm soát lũ hạ du cần điều chỉnh cấp báo động do có những thay đổi; đồng thời bổ sung lưu lượng lũ đến hồ là một điều kiện để chuyển các chế độ vận hành trong mùa lũ nhằm đảm bảo hiệu quả cắt, giảm lũ, bảo vệ hạ du; Cần điều chỉnh các mực nước quy định trong mùa lũ (mực nước cao nhất trước lũ, mực nước đón lũ) để phù hợp với diễn biến nguồn nước trong thực tế, đảm bảo hồ tích đủ nước vào cuối mùa lũ để đảm bảo cấp nước cho hạ du trong mùa cạn, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chức năng giảm lũ cho hạ du của các hồ;… “Vì vậy, việc rà soát tình hình vận hành thực tế của các hồ chứa trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương là cần thiết và cấp bách, nhất là trong điều kiện biển đổi khí hậu, tình trạng lũ lụt, hạn hán, thiếu nước đang ngày càng gia tăng, biến đổi khó lường” – Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cho biết.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia cùng Tổ soạn thảo tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị có liên quan qua thực tế các năm thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành; đồng thời cập nhật, bổ sung các thông tin số liệu về hiện trạng hồ chứa, tình hình diễn biến về nguồn nước, khí tượng thủy văn, lũ lụt, hạn hán thiếu nước, những thay đổi về nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở hạ du các hồ chứa,…. Trên cơ sở đó, Bộ đã nghiên cứu, xem xét hướng khắc phục những khó khăn, tồn tại của Quy trình đã ban hành; tính toán bổ sung các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy trình.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy trình cơ bản đáp ứng thực tiễn hiện nay

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy cũng cho biết, dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, bao gồm các hồ, đập: Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, A Lin Thượng, Cụm hồ A Lin 3 – A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Roàng, Sông Bồ, Thượng Nhật, Thượng Lộ và đập Thảo Long.

Về cơ bản, kết cấu Dự thảo Quy trình được giữ nguyên như Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương tại Quyết định số 2482/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Quy trình gồm 4 Chương, 37 điều, trong đó bổ sung thêm 4 điều mới và cập nhập, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định tại các điều còn lại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Quy trình, cụ thể như sau: Chương I quy định những nội dung về đối tượng điều chỉnh (Điều 1); phân mùa lũ, mùa cạn (Điều 2); đảm bảo an toàn ổn định cho hệ thống công trình đầu mối (Điều 3); các thông số kỹ thuật cơ bản của các hồ chứa (Điều 4).

Tại Chương II về vận hành các hồ chứa trong mùa lũ quy định những nội dung về nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du (Điều 5); quy định mực nước vận hành hồ trong mùa lũ (Điều 6); bổ sung quy định các chế độ vận hành và thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ trong mùa lũ (Điều 7); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Tả Trạch và Bình Điền (Điều 8); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Hương Điền (Điều 9); vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ khác (Điều 10); vận hành bảo đảm an toàn công trình (Điều 11); vận hành tích nước cuối mùa lũ (Điều 12); vận hành các hồ đảm bảo cấp nước cho hạ du trong mùa lũ (Điều 13); vận hành hồ trong tình huống bất thường (Điều 14) và vận hành đập Thảo Long (Điều 15).

Tại Chương III về vận hành các hồ chứa trong mùa cạn quy định những nội dung về nguyên tắc vận hành trong mùa cạn (Điều 16); các thời kỳ vận hành hồ chứa trong mùa cạn (Điều 17); bổ sung quy định thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn (Điều 18); vận hành hồ Tả Trạch (Điều 19); vận hành hồ Bình Điền (Điều 20); vận hành hồ Hương Điền (Điều 21); vận hành các hồ A Lưới, A Lin Thượng, Cụm hồ A Lin 3 – A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Roàng, Sông Bồ, Thượng Nhật, Thượng Lộ (Điều 22); vận hành đập Thảo Long (Điều 23).

Tại Chương IV quy định trách nhiệm, tổ chức vận hành các hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo, trong đó đã quy định những nội dung về trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế (Điều 24); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (Điều 25); Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (Điều 26); Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Điều 27); Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Điều 28); trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Điều 29); trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan (Điều 30); trách nhiệm của Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ (Điều 31); trách nhiệm của Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành đập Thảo Long (Điều 32); trách nhiệm về an toàn các công trình (Điều 33); chế độ quan trắc, dự báo trong mùa lũ (Điều 34); trách nhiệm cung cấp thông tin, báo cáo trong mùa lũ (Điều 35); chế độ quan trắc, dự báo và trách nhiệm cung cấp thông tin báo cáo trong mùa cạn (Điều 36); sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết (Điều 37).

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều bày tỏ ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo. Góp ý cụ thể tại cuộc họp, đại diện Công ty thủy điện Bình Điền đề nghị Tổ soạn thảo xem xét lại quy định mực nước cao nhất trước lũ đối với hồ Bình Điền thời gian từ 15/11 đến 15/12, do thời gian này là cuối mùa mưa bão nên lưu lượng nước về hồ nhiều năm chỉ đủ chạy máy phát điện, đặt trường hợp thời gian trên theo dự báo có hình thái thời tiết gây mưa trong 24 giờ đến 48 giờ khi đó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh yêu cầu vận hành xả đến cao trình mực nước trước lũ như quy định tại dự thảo Quy trình thì hồ sẽ khó vận hành đưa về mực nước trước lũ theo quy định.

Cũng theo ý kiến của góp ý của đại diện Công ty thủy điện Bình Điền đối với nội dung vận hành cấp nước cho hạ du mùa lũ, thực tế trong thời gian mùa lũ, các nhà máy thủy điện chủ động vận hành phát điện tối đa công suất, tránh xả thừa, lãng phí tài nguyên nước, do vậy trong mùa mưa lũ hầu như hạ du không bị thiếu nước. Vậy trong mùa mưa lũ chỉ cần quy định các nhà máy thủy điện chủ động phát điện tối đa công suất đảm bảo cấp nước hạ du về mùa mưa lũ.

Góp ý tại cuộc họp, đại diện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, về cơ bản dự thảo Quy trình đã bổ sung, điều chỉnh tương đối hoàn thiện so với các dự thảo trước. Để hoàn thiện dự thảo, đại diện đơn vị này cũng đề nghị Tổ soạn thảo xem xét bổ sung quy định thời gian thông báo xả lũ về hạ lưu sông A Sáp đổ sang Lào trên cơ sở xem xét đáp ứng thời gian tối thiểu cho tỉnh Sê Kông (Lào) là 72 giờ theo đề nghị của Lãnh đạo tỉnh Sê Kông.

Bên cạnh đó, Dự thảo cần bổ sung quy định bắt buộc các chủ hồ lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn, camera tại các vị trí: thước đo mực nước thượng lưu đập, tràn xả lũ, dòng chảy môi trường, dòng chảy qua tuabin, tổng thể công trình; hệ thống cảnh báo lũ đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du đập, gồm: còi hụ, hệ thống truyền tin cảnh báo cho nhân dân các xã hạ du đập, khảo sát cập nhật mức ngập lụt, xây dựng bản đồ ngập lụt,.. Đồng thời, dự thảo cần bổ sung quy định các chủ đập thủy điện bậc thang liền kề, bậc thang trên cùng nhánh sông phải xây dựng Quy chế phối hợp với nhau và xây dựng quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.