Hiểm họa từ các lò gạch gốm

Không nơi đâu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nghề gạch gốm phát triển bằng Vĩnh Long, với hơn 920 cơ sở gồm 2.800 miệng lò. Nghề sản xuất gạch gốm đã đem về cho Vĩnh Long một nguồn thu lớn. Tuy nhiên, do phát triển tự phát nên thiếu yếu tố bền vững, gây ô nhiễm môi trường.

Gạch gốm phát triển, lúa, cây ăn trái chết rụi

Xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là vùng sản xuất trọng điểm về gạch gốm của tỉnh Vĩnh Long với 250 cơ sở gồm 915 miệng lò. Những năm gần đây, có rất nhiều lò gạch gốm mọc lên do nghề này đang hốt bạc. Tuy nhiên, đi theo đó là ô nhiễm môi trường, do đa số những lò gạch gốm đều xây dựng trong khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Nhanh, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít cho biết, gia đình bà có ba công lúa, những năm trước còn sản xuất được ba vụ nhưng mấy năm trở lại đây ruộng của nhà bà đã phải bỏ hoang. Vụ trúng, vụ thất nên ba năm nay bà không dám xuống giống.

Nguyên nhân khiến bà không gieo sạ được là do ảnh hưởng của khói bụi từ những lò gạch gốm kế bên. “Vụ đông xuân là vụ trúng mùa nhất nhưng hầu như tất cả lúa sau khi thu hoạch đều bị lép, lúa đen thui, ăn không được, tháng ít mưa thì còn đỡ, hễ mưa nhiều là mất trắng luôn” – Chỉ vào đám ruộng bỏ hoang sau nhà, bà Nhanh bức xúc.

Nhà ông Dương Văn Út bị bốn lò gạch gốm bao vây tứ bề, chính vì vậy, mỗi khi những lò gốm này nổi lửa là gia đình ông lãnh đủ. Khói bụi từ các lò gạch gốm phun ra mỗi ngày khiến gia đình ông ngột ngạt, khó thở. Đặc biệt là vườn cây ăn trái của nhà ông, từ nhiều năm nay đã không thể thu hoạch. Ông Út cho biết, cây chỉ có trái gượng thôi chứ không nhiều và không tốt bằng ở những nơi khác.

Ô nhiễm không khí gấp 7 lần

Không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền địa phương cũng tỏa ra bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí mà các lò gạch gốm là thủ phạm chính. Một vị lãnh đạo xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, cho biết trong những lần tiếp xúc cử tri, dân có phản ảnh.

Tuy biết, song địa phương cũng gặp khó vì nếu để lò gạch gốm phát triển thì ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, còn nếu không cho làm thì không được do đây là ngành chủ lực để phát triển kinh tế của xã. Không chỉ tại đây mà hầu hết những xã lân cận đều chịu chung cảnh ngộ, nhất là những khi những lò gạch gốm vào chính vụ.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Vĩnh Long, thủ phạm chính gây khổ cho người dân là khí Hidroclorua, một hợp chất được tạo thành khi nung nóng đất sét. Đây là loại khí rất độc, nếu kết hợp với bụi sẽ ngăn cản sự quang hợp thụ phấn và sự tăng trưởng của cây trồng.

Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như kích thích da, niêm mạc, phổi…. Trong 2 năm qua, sở đã lấy mẫu không khí tại 45 điểm ở các huyện Long Hồ, Mang Thít và thị xã Vĩnh Long để đánh giá chất lượng môi trường không khí. Kết quả cho thấy nồng độ Hidroclorua trong không khí vượt tiêu chuẩn từ 1,5 đến 7 lần.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, khói bụi của lò gạch hiện nay rất lớn, nồng độ HF rất cao. Mỗi năm khí HF đều tăng nhanh. Tuy biết công nghệ nung gạch gốm hiện nay gây nhiều tác hại về môi trường nhưng Sở chưa nghiên cứu được công nghệ nào để thay thế cho hiệu quả.

Không chỉ ô nhiễm từ khói bụi, một lượng lớn hàng phế phẩm, nước thải, tro… từ sản xuất gạch gốm cũng đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đặc biệt là nước sông (cung cấp chính cho sinh hoạt và sản xuất của người dân).

Vẫn biết đây là ngành nghề đang giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên không vì thế mà ngó lơ trước sức khỏe người dân và bao vấn đề bất cập phát sinh từ những miệng lò.