Giữ gìn môi trường: ý thức chưa cao

Không nói ở vùng sâu, vùng xa dân ta còn lạc hậu, ý thức giữ gìn vệ sinh chưa cao, ngay ở các thành phố lớn cứ nhìn vào các “dòng kênh đen” đủ thấy đất, nước, không khí hiện đang ô nhiễm khủng khiếp như thế nào?

Có một thứ ùn tắc không kém gì ùn tắc giao thông, đó là tình trạng quá tải trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn trong cả nước.

Ở TP Hồ Chí Minh các bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, 115, Bệnh viện ung bướu…, nhiều khi một giường bệnh phải chứa tới hai, ba người bệnh. Nhiều người bệnh còn phải nằm chung một chiếu, giường gấp… tràn ra cả ngoài hành lang…

Ai cũng biết nguyên nhân gây bệnh, phá hoại sức khỏe con người phần lớn do vi trùng, vi khuẩn độc hại sống trong môi trường ô nhiễm gây nên. Có điều ô nhiễm môi trường lại do chính con người gây ra để tự hại mình.

Không nói ở vùng sâu, vùng xa dân ta còn lạc hậu, ý thức giữ gìn vệ sinh chưa cao như đổ vứt rác bừa bãi, xả chất phế thải xuống kênh mương, ngay ở các thành phố lớn cứ nhìn vào các “dòng kênh đen” như: Tô Lịch, Kim Ngưu (Hà Nội), Thị Nghè, Tham Lương, Kênh Tẻ, Kênh Ðôi (TP Hồ Chí Minh)… đủ thấy đất, nước, không khí hiện đang ô nhiễm khủng khiếp như thế nào?

Ngoài ý thức giữ gìn vệ sinh của số đông dân ta chưa tốt, nguyên nhân ô nhiễm môi trường rất lớn là do chất thải từ sản xuất công nghệp. Thống kê sơ bộ cả nước hiện có 140 KCN, KCX ở khắp 50 tỉnh, thành phố, song mới có 33 KCN, KCX có công trình xử lý nước thải tập trung và chưa có KCN, KCX nào xây dựng được hệ thống phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn. Hệ thống xử lý khí thải lại càng không có, nồng độ bụi, khí SO2, NO2, CO… từ các KCN, KCX thải ra đều vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần…

Rõ ràng việc đánh giá tác động môi trường của từng dự án sản xuất công nghiệp chưa đi vào thực chất, vai trò quản lý môi trường của Nhà nước đang bị buông lỏng. Hậu quả ô nhiễm môi trường xét trên toàn cục sẽ dẫn tới kéo giảm tăng trưởng GDP.

Theo tính toán của các nhà khoa học: Nếu một địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP 12%, thu nhập đầu người 1.200 USD, nhưng phải chi 5% để khắc phục ô nhiễm môi trường, thì thà chỉ tăng GDP 7 – 8%, thu nhập đầu người 1.000 USD mà bảo vệ được môi trường sống trong lành còn ý nghĩa hơn rất nhiều.

Chống ô nhiễm môi trường, trong đó có “khí thải hiệu ứng nhà kính” đang là vấn đề sống còn mà cả thế giới quan tâm. Ðã có nhiều quốc gia trên thế giới phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường.

Ngay sát Việt Nam, Trung Quốc tuy tăng trưởng GDP cao song có tới 70% số sông, suối, hồ nước bị ô nhiễm. Hồ Ðiền Trì tỉnh Vân Nam diện tích rộng 200 km2 ô nhiễm đến mức nước không còn dùng được cho sản xuất và sinh hoạt. Thiệt hại là TP Côn Minh gần đó hiện buộc phải dùng nước ăn và sinh hoạt từ các hồ chứa trên thượng nguồn cách xa hàng trăm km, đáng để chúng ta rút ra bài học về vai trò quản lý môi trường của Nhà nước.

Ý thức giữ gìn môi trường trong lành cho mọi người và sức khỏe cho mỗi người cũng là góp phần tăng GDP cho đất nước.