Sử dụng thuốc sinh học trừ dịch hại trên lúa

Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh Sóc Trăng vừa tổng kết Mô hình “Phòng trừ dịch hại trên lúa bằng thuốc vi sinh” trong vụ Đông-Xuân 2007-2008. Theo đánh giá của Chi cục, bước đầu, mô hình phòng trừ dịch hại trên lúa bằng thuốc vi sinh ở một số điểm trình diễn đã cho hiệu quả rất cần được nhân rộng.

Mô hình thực nghiệm được thực hiện theo 3 cách trình diễn: sử dụng hoàn toàn thuốc sinh học, vừa sử dụng thuốc vi sinh vừa sử dụng thuốc hóa học và cách 3 là sử dụng hoàn toàn bằng thuốc hóa học. Mỗi cách thức được thực nghiệm trên diện tích 1.000m2 và sử dụng cùng 1 giống lúa OM 2395 với lượng giống bằng nhau là 15 kg, gieo sạ cùng 1 ngày.

Trên cả 3 thửa ruộng thực nghiệm, năng suất lúa đều đạt 5,5 tấn/ha, bán cùng 1 giá nhưng do chi phí giữa các công thức khác nhau, nên lợi nhuận có sự chênh lệch. Trên diện tích 1 ha ở cách sử dụng hoàn toàn bằng thuốc vi sinh, lợi nhuận được 8 triệu 890 ngàn đồng, cách sử dụng cả thuốc vi sinh và hoá học cho lợi nhuận 8 triệu 780 và cách sử dụng hoàn toàn bằng thuốc hoá học chỉ cho lợi nhuận 8 triệu 230 ngàn đồng.

Theo một số nông dân được chọn trình diễn mô hình sử dụng thuốc vi sinh cho lúa, sử dụng hoàn toàn bằng thuốc vi sinh giúp nhà nông giảm chi phí, lợi nhuận tăng, môi trường không bị ô nhiễm…

Ông Dương Văn Hùng, một nông dân ở ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết: thuốc có công dụng tốt, dù ruộng kế bên bị cháy rầy, nhưng mô hình trình diễn vẫn không bị ảnh hưởng, vụ tới sẽ áp dụng mô hình sử dụng thuốc vi sinh thay vì phun thuốc hóa học tốn tiền nhiều, dễ sinh bị bệnh…

Theo các nhà khoa học, từ thực tế sản xuất, nhiều nông dân rất quan tâm việc sử dụng thuốc sinh học nhưng bà con còn ngần ngại vì chế phẩm trừ rầy Ometar chưa gọn nhẹ, phải xài với khối lượng lớn, pha chế gặp nhiều khó khăn, hiện các nhà khoa học đang có biện pháp cải tiến, sản xuất chế phẩm này theo công nghệ mới là sản xuất thuốc bột đựng trong túi lọc dễ vận chuyển và sử dụng.