Cảnh báo sử dụng thuốc kích thích trong cây trồng

Thời gian gần đây, người tiêu dùng không khỏi thắc mắc những hiện tượng lạ như: Mùa hè nắng nóng vẫn có bắp cải, hoa lơ, cà tím. Mùa đông giá rét, rau muống vẫn xanh mơn mởn.

Đó còn chưa kể các loại quả trái vụ như: Xoài, hồng xiêm, lê vừa ngọt, quả to, nhanh chín vào mùa đông. Nguyên nhân do nông dân đã sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng trôi nổi để tăng gia sản xuất. Tình trạng lạm dụng thuốc kích thích sinh trưởng trong cây trồng đáng báo động toàn xã hội.

Từ rau muống trái vụ non mượt…

Nhìn một số ruộng rau ở Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên (Hà Nội) non mượt trong tiết trời mùa đông giá rét, nhiều người dân không khỏi thắc mắc: Không biết người nông dân áp dụng kỹ thuật trồng trọt nào, loại giống cây và thuốc bảo vệ thực vật gì mà cho năng suất cao như vậy.

Thực chất, nông dân sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng của Trung Quốc để cho năng suất cao. Ưu điểm của việc sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng là giúp rau non, nhanh phát triển, cho thời gian thu hoạch sớm hơn từ 1/3 – 1/2 thời gian trồng bình thường.

Theo hướng dẫn của một số bà con nông dân ở Từ Liêm, Đông Anh, chúng tôi đã mua được những gói thuốc kích thích sinh trưởng. Hầu hết các loại thuốc này chỉ có tiếng Trung Quốc, không nhãn phụ, không hướng dẫn sử dụng và đặc biệt không hạn sử dụng. Cách sử dụng đều do người bán tuyên truyền, hướng dẫn.

Với loại thuốc kích thích sinh trưởng đối với cây ăn lá được đóng thành những gói nhỏ từ 5 – 10 gram hoặc thành từng viên như viên thuốc. Chỉ cần cho toàn bộ gói (viên thuốc) vào khoảng 8 lít nước, phun cho rau thì chỉ từ hôm trước, hôm sau đã phát triển như cây có độ sinh trưởng từ 5 – 7 ngày. Như vậy, với cây ăn lá chỉ mất từ 3 – 5 ngày sau khi phun thuốc có thể thu hoạch.

Chất lượng rau khi sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, một nông dân ở Long Biên cho biết: “Chỉ cần nhìn hai ruộng rau, một có sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và một ruộng không sử dụng thuốc thì kết quả đã rất khác nhau. Ruộng rau không sử dụng thuốc còi cọc, chất lượng kém, sâu bệnh hoành hành. Ngược lại, rau có sử dụng thuốc thời gian trồng ngắn, dịch hại chưa kịp phát đã thu hoạch rau. Hơn nữa, khi đưa ra thị trường, rau sử dụng thuốc trông mẫu mã hấp dẫn, tiêu thụ tốt hơn loại rau trồng truyền thống”.

… đến quả “ngậm” thuốc

Nhiều ruộng cà chua muốn chín nhanh, người nông dân sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng pha loãng với 3 lít nước và phun đều trực tiếp lên quả. Chỉ trong một buổi, cà chua đỏ dần rồi đỏ tươi như được chín cây. Điều đáng nói là mặc dù cà chua trong giai đoạn quả non, chưa cho thu hoạch.

Tương tự như vậy, các loại hồng xiêm, xoài, lê, nho, dứa… đều sử dụng loại thuốc kích thích sinh trưởng không rõ nguồn gốc này. Khi sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, các loại quả cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, thời gian trồng trọt ngắn.

Ông Đỗ Hồng Khanh – Phó Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định: Việc sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng trên cây trồng đã diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội.

Hiện có khoảng 400 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Vẫn còn một số cửa hàng lén lút kinh doanh thuốc ngoài danh mục, lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc về nhiều nhưng các chủ kinh doanh thường chia nhỏ. Do mức xử phạt căn cứ vào số lượng, giá trị hàng hoá vi phạm gặp thủ đoạn trên của doanh nghiệp, mức xử phạt nhẹ, không có tính răn đe”.

Hiện nay, sự nguy hiểm của việc lạm dụng thuốc kích thích sinh trưởng của người nông dân đang đe doạ đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Vì vậy, trong lúc mua các sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng nên chú ý các loại rau, quả trái vụ hoặc có hiện tượng chín, xanh bất thường không theo quy luật như: Trong xanh, ngoài chín, thân cây phát triển, lá còi cọc…