Hà Tĩnh: Chuyện “những vị khách” xuống núi

ThienNhien.Net – Hàng nghìn hộ dân thuộc hai xã Hương Điền và Hương Quang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) trong những ngày qua hoang mang lo lắng trước tình trạng voi rừng kéo nhau ra phá vườn, nhà, đe doạ đến tính mạng của họ. Nhiều gia đình đã phải sơ tán trẻ em, người già để tránh voi – “những vị khách” xuống núi.

Voi về làng

Trong thời gian qua câu chuyện về đàn voi được người dân Vũ Quang quan tâm bàn tán nhiều nhất. Đặc biệt là, sự có mặt của các “ông voi” trên dải đất rừng Vũ Quang này, rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết về voi được các già làng kể lại. Trước đây, nhiều người dân vùng này vào rừng kiếm củi họ cũng đã bắt gặp những dấu chân của đàn voi sinh sống trên dãy Giăng Màn, không chỉ thế những tay thợ rừng lão luyện còn nhìn thấy đàn voi khoảng 15 con quây quần trên dãi núi rừng này.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây đàn voi này bỗng trở nên hung dữ hơn chúng thường ra quậy phá hoa màu trên rẫy của dân làng. Không chỉ có vậy, theo bà con ở đây cho biết: 10 năm trước mẹ con chị Niệm đang nằm ngủ bị voi xông thẳng vào nhà quật chết và phá tan nhà cửa. 3 năm sau một đàn voi trên 10 con đã xông ra quần nát cả một nghĩa địa hàng chục mồ mả vừa xây xong. Còn những lần chúng ra phá các vườn rẫy hoa màu thì nhiều vô kể”.

Gần hai tuần trôi qua, hơn 750 hộ dân xã Hương Điền vẫn còn chưa hết hoảng loạn, mệt mỏi sau những đêm thức trắng đối phó với đàn voi dữ 4-5 con. Cuộc sống của họ bị đảo lộn; ban ngày thì sử lại nhà cửa ruộng vườn đã bị chúng quậy nát còn ban đêm phải thay phiên nhau canh giữ khi có đàn voi xuất hiện lập tức phải báo động để di tản trước đàn voi dữ.  Cả một đồng hoa màu rộng hơn 1 ha trồng ngô, lạc bị dẫm nát. Dấu chân voi quần thảo lởm chởm cả một vùng. Hơn mấy chục cột điện bị bẻ gãy nằm ngỗn ngang. Hàng chục lán trại bị hất văng nằm vất vưởng ở các khe suối. Những bãi phân voi còn mới tất cả thứ đó là vật chứng nó để lại sau một cuộc tàn phá.

Theo chân một số người dân xã Hương Điền với mục đích tận mắt nhìn thấy đàn voi nhưng chỉ thấy dọc bên đường chi chit dấu chân voi đi lại hết sức ngang nhiên khi chúng ra càn quét. Vẻ mặt lo âu còn hằn rõ trên khuôn mặt anh Phan Đình Hà ở xóm Kiều: Chỉ trong vòng một tuần trở lại đây đàn voi dữ đã ra phá, đuổi dân làng 4-5 lần rồi, khi đàn voi vào đến tận hồi nhà gầm thét, đạp lở cả một quạng đất, dẫm nát cả vườn cây vừa mới trồng. Hàng ngàn cây chuối, ngô, cam…phút chốc trở thành bãi đất hoang.

Còn chị Phượng – một người dân sống ở xóm kiều kể lại khi đàn voi đến chỉ có hai mẹ con ở nhà chồng đi vắng, chị chỉ kịp bế đứa con nhỏ bỏ chạy mặc cho chúng tàn phá. Gia đình anh Phan Xuân Hoàn cũng phải rời bỏ trang trại vào khu dân cư bởi ngôi nhà bị voi phá liên tục. Ông Dương Văn Nhuần – Bí thư Đảng uỷ xã Hương Điền đã thay mặt nhân dân bày tỏ sự bất lực trước sức tàn phá khủng khiếp của đàn voi.

Cần có giải pháp bảo vệ người và voi

Hương Điền và Hương Quang là hai xã thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang trước đây rừng âm u, người dân sống thưa thớt nhưng không bị voi đe doạ khủng khiếp như hiện nay?

Vậy nguyên nhân vì sao những chú voi xưa nay được xem là loài động vật hiền và khá thân thiện với con người lại bỗng nhiên hung dữ? Nhiều người cho rằng do đàn voi thiếu muối ăn nên vào bản tìm muối. Chị Phạm Thị Loan 55 tuổi ở xóm Tân Điền, Hương Điền kể lại rằng thỉnh thoảng người dân trong vùng lại thấy xác voi chết nằm ở bìa rừng. Một số người khác lại cho rằng do người dân địa phương đã xâm phạm quá nhiều vào môi trường sống của chúng nên đàn voi nổi giận đòi sự bình yên trong lãnh thổ của mình. Không biết đâu là nguyên nhân chính, chỉ biết rằng cả voi và người đang bị đe doạ bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất phức tạp.

Hàng ngày dân Hương Điền luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với voi. Trò chuyện với anh Phạm Văn Bảo một cán bộ VQG cho hay: “Đây là một trong những đàn voi lớn nhất cả nước nhưng hiện tại chưa có biện pháp nào để bảo vệ cả mà chỉ riêng chúng tôi thì không thể làm gì được”.

Trong thời gia qua, một nhóm các chuyên gia nghiên cứu về voi có mặt ở Hà Tĩnh đã nhận định voi ở đây không phải là đàn voi dữ, tuy nhiên không loại trừ khả năng voi có thể bất ngờ tấn công con người bởi chúng mở rộng phạm vi hoạt động, ngày càng tiến gần khu dân cư hơn. Theo các chuyên gia, sở dĩ đàn voi thường xuyên ra khỏi rừng một phần là do nguồn tài nguyên rừng đang bị khai thác cạn kiệt Trong khi đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa tìm được giải pháp ngăn chặn, người dân lại hoàn toàn thụ động khi đàn voi tấn công.

Sau một ngày tiếp xúc với bà con mới biết họ luôn luôn phải sống trong nỗi sợ hãi bị voi tấn công bất cứ lúc nào. Mới 3 giờ chiều nhưng trên dãy Giăng Màn mặt trời đã gác núi bà con vội vã thúc giục chúng tôi nên quay xe ra về sớm kẻo gặp “những vị khách” từ trên núi ra chặn đường. Họ cho biết, có 3 tay buôn lên núi về muộn đã phải bỏ lại xe máy chạy lấy người, khi nhờ người hỗ trợ lên lấy lại xe thì chỉ còn một đống sắt vụn bẹp dí.


Dọc đường về từ xã Hương Điền ra thị trấn gần 20km qua những cánh rừng ngút ngàn trong đầu chúng tôi vẫn luẩn quẩn về những câu chuyện mà họ vừa kể lạnh cả sống lưng.